Sáng ngày 21/9, tại hội nghị của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp nhằm thảo luận về các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng đã nhấn mạnh nhu cầu cấp bách trong việc huy động vốn xã hội hóa để phát triển hạ tầng giao thông. Bộ trưởng kêu gọi các doanh nghiệp tham gia tích cực vào quá trình đầu tư, đóng góp cho sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, từ nay đến năm 2030, Việt Nam có nhu cầu rất lớn trong việc phát triển hệ thống giao thông, với mức đầu tư cần thiết lên đến hơn 2 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn lực từ ngân sách nhà nước dự kiến chỉ đáp ứng được hơn 1 triệu tỷ đồng, để lại một khoảng trống hơn 1 triệu tỷ đồng cần huy động từ các nguồn xã hội hóa, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chủ chốt.
Nếu tính thêm cả các dự án đường sắt cao tốc và các tuyến đường sắt tiêu chuẩn, tổng nhu cầu vốn có thể tăng lên khoảng 3 triệu tỷ đồng, trong đó riêng các dự án đường sắt cao tốc đã cần hơn 1,7 triệu tỷ đồng. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải quan tâm và tích cực tham gia đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bên liên quan để tiến hành đấu thầu thu phí tại các tuyến cao tốc đã được nhà nước đầu tư. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tham gia khai thác và đóng góp vào hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia.
Ngoài ra, nhiều dự án giao thông khác vẫn có tiềm năng triển khai theo hình thức BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao). Bộ GTVT mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, đầu tư vào các dự án BOT này. Chính phủ đang nghiên cứu và sẽ đề xuất thêm nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này, đồng thời trình Quốc hội xem xét nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: VGP
>> Chủ tịch Tập đoàn Sun Group đưa đề xuất thúc đẩy ngành ‘công nghiệp không khói’ tại Việt Nam
Về lĩnh vực đường sắt, ngoài các dự án đường sắt cao tốc, còn nhiều dự án liên quan đến các tuyến đường sắt đô thị và đường sắt hỗn hợp đang được triển khai. Theo ước tính của Bộ GTVT, chỉ riêng các dự án liên quan đến đường sắt có thể tạo ra khoảng 75,6 tỷ USD cho thị trường xây dựng, và hơn 34 tỷ USD cho thị trường sản xuất. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng, các thiết bị phục vụ cho hệ thống đường sắt cao tốc với tốc độ từ 250km/h đến 350km/h về cơ bản không có sự khác biệt lớn, điều này mang lại thuận lợi trong việc triển khai và vận hành.
Liên quan đến việc quy hoạch cảng biển, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hai quy hoạch lớn, bao gồm quy hoạch nhóm cảng biển và quy hoạch chi tiết. Hiện tại, Bộ GTVT đang triển khai song song cả hai quy hoạch này. Đặc biệt, về quy hoạch nhóm cảng biển, Bộ đã trình Thủ tướng và Phó Thủ tướng xem xét. Vào ngày 5/9/2024, Phó Thủ tướng đã có thông báo về nội dung này, và dự kiến trong tháng 9, quy hoạch cảng biển sẽ được hoàn thiện để triển khai thực tế.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đỗ Đức Duy đã lắng nghe và trả lời nhiều kiến nghị từ phía các doanh nghiệp liên quan đến vấn đề đất đai, môi trường và khoáng sản.
Ông Đỗ Đức Duy – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: VGP
>> Sun Group lấn sân ngành bia, phát triển mô hình xưởng bia thủ công cao cấp hàng đầu Việt Nam
SunGroup đề xuất về giao đất theo tiến độ giải phóng mặt bằng
Tập đoàn Sungroup đã kiến nghị về khó khăn trong việc giao đất theo tiến độ giải phóng mặt bằng và xác định giá đất tại thời điểm giao đất.
ộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, Luật Đất đai và các Nghị định hướng dẫn đã quy định rõ ràng về việc giao đất theo tiến độ giải phóng mặt bằng. Theo đó, đất sẽ được giao đến đâu khi mặt bằng được giải phóng đến đó, và giá đất sẽ được xác định dựa trên thời điểm giao đất. Đồng thời, đối với các trường hợp giao đất từ ngày 1/1/2005 (thời điểm Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực) nhưng chưa tính tiền sử dụng đất, thì tiền sử dụng đất sẽ được xác định tại thời điểm giao đất.
Về các dự án sử dụng đất hỗn hợp, Bộ trưởng cũng cho biết Luật Đất đai đã quy định cụ thể cách tính tiền sử dụng đất cho các loại đất này, bao gồm các dự án phát triển du lịch mà Sungroup đang thực hiện.
>> Tỷ phú Phạm Nhật Vượng kiến nghị đẩy mạnh đào tạo mảng công nghệ – ‘đây là ngành có thu nhập cao’
Gleximco kiến nghị về giao đất cho nhà đầu tư chiến lược
Đối với kiến nghị của Tập đoàn Gleximco về việc giao đất cho các nhà đầu tư chiến lược để thực hiện các dự án quy mô lớn, Bộ TN&MT hoàn toàn ủng hộ việc điều chỉnh các quy định về đấu thầu. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu phương án lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược thông qua hình thức chỉ định thầu, thay vì áp dụng đấu giá hoặc đấu thầu.
Gleximco cũng đề xuất về việc nộp tiền sử dụng đất một lần hoặc trong 50 năm đối với các dự án nhà chung cư. Bộ TN&MT giải thích rằng, Quốc hội đã quyết định hình thức sở hữu nhà chung cư là dài hạn, điều này có nghĩa rằng đất để xây nhà chung cư phải là đất sử dụng lâu dài và tiền sử dụng đất sẽ được nộp theo hình thức đất ở. Đối với trường hợp xây dựng nhà ở để cho thuê, đất sẽ được tính là đất kinh doanh dịch vụ và nhà đầu tư có thể lựa chọn giữa trả tiền sử dụng đất một lần hoặc nộp tiền hàng năm theo quy định của Luật Đất đai.
Ngoài ra, về vấn đề cải cách hành chính trong lĩnh vực môi trường, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết Bộ TN&MT đã đề xuất sửa đổi Nghị định 08 về Bảo vệ môi trường. Dự kiến, khoảng 11% thủ tục hành chính liên quan đến môi trường sẽ được cắt giảm, tức là không cần thực hiện. Ngoài ra, 56% thủ tục trước đây phải trình lên Bộ sẽ được chuyển giao cho các địa phương thực hiện, giúp rút ngắn thời gian và giảm bớt các khâu phức tạp.
>> Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo: Hãy biến Việt Nam thành trung tâm hàng không của khu vực và thế giới
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/ong-lon-sungroup-geleximco-kien-nghi-ve-dat-dai-quy-hoach-cac-bo-truong-noi-gi-160039.html