11 năm qua, anh Nguyễn Bình Nam dành tiền bạc và cả thanh xuân đi xây dựng 18 điểm trường ở những bản làng cho thầy trò ở rẻo cao.
Dáng người dong dỏng, nước da ngăm đen, anh Nguyễn Bình Nam, 45 tuổi, không giống dân văn phòng dù đang là lãnh đạo ngành điện lực ở miền Trung. Những lúc lên cơ quan, anh diện quần âu, sơ mi trắng. Xuống với đồng bào người Ca Dong, Xê Đăng, Cơ Tu ở miền núi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, anh lại mặc quần lửng, áo thun, đi dép rọ.
Cơ duyên đưa anh Nam tới việc xây trường là sau chuyến thiện nguyện Tết ở làng Nước Ui, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam năm 2013. Lớp học ở bản làng quanh năm mây phủ này vốn là chuồng heo cũ, mái lợp tôn thủng lỗ chỗ, nền đất sình lầy, vách gỗ mục nát, bàn ghế rệu rã. Chiếc bảng rách kẻ vạch làm hai, giáo viên vừa dạy lớp 1 vừa dạy lớp 2. Đêm đến, thầy và những em nhà quá xa phải ngủ lại điểm trường, co ro trong giá lạnh.
Điểm trường Nước Ui trước và sau khi được anh Bình Nam kết nối xây dựng nhà ở kiên cố. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Những người bạn làm đủ mọi ngành nghề, tham gia CLB Bạn thương nhau do anh Nam sáng lập, đã bị ám ảnh bởi lớp học ở Nước Ui. Suốt hành trình gần 200 km trở về Đà Nẵng, nhiều người không thể nở nụ cười.
“Không có trường thì làm sao trẻ miền núi không bỏ học”, anh Nam trăn trở, bàn với những người bạn trở lại Nước Ui, nhưng không phát quà từ thiện nữa mà xây trường cho học sinh và thầy cô đang cắm bản. “Cõng quà từ thiện đã mất vài tiếng đường rừng, giờ cõng gạch, cõng xi măng lên có làm nổi không?”, có người hỏi. Nhưng rồi mọi người thuận theo, góp được 50 triệu đồng.
Là con nhà lính, lại từng đi bộ đội hai năm, thủ lĩnh Nguyễn Bình Nam đã quen với những cuộc hành quân băng rừng lội suối nên không sợ khổ. Mẹ làm giáo viên, anh đồng cảm và trăn trở với những giáo viên trẻ nhiệt huyết dành cả thanh xuân để cắm bản gieo chữ. Nhiều người dạy hợp đồng cơm ăn còn không đủ, giờ đến chỗ ngủ cũng nơm nớp không biết sập lúc nào.
Các thầy cô nghe chuyện xây trường thì mừng ra mặt, nhưng hoài nghi vì ở nơi không sóng điện thoại, không điện lưới này dựng một căn nhà vách gỗ còn khó, huống gì xây nhà tường gạch. Nhiều bà con lắc đầu, bảo “không đủ sức làm đâu, đi lại đã cực khổ, nói gì đến vác xi măng, bê gạch”.
Không nản chí, chàng kỹ sư điện phác thảo công trình nhà cấp 4 xây trên đất đồi, dự trù kinh phí, tìm thợ thi công và khăng khăng “làm được”. Anh mua gỗ lim vận chuyển từ Đà Nẵng lên để dựng cột cho chắc chắn, ít mối mọt và không phạm vào cây rừng. Gạch, xi măng, cát, mái tôn chở bằng xe tải, đoạn nào đường không đi được thì tăng bo xe máy, qua suối thì làm bè, leo dốc thì gùi trên lưng.
Nhưng 50 triệu đồng không đủ mua vật liệu và thuê người vận chuyển. Đường đất mùa mưa đỏ quánh như có người ghì bàn chân, nhiều người bỏ cuộc. Để giải bài toán thiếu tiền, anh Nam đăng lên Facebook cá nhân hình ảnh điểm trường Nước Ui. “Như có phép màu, nhiều nhà hảo tâm chung tay, đến lúc trường xây xong hơn 222 triệu đồng, gấp bốn lần rưỡi dự toán”, anh kể.
Tháng 6/2013, điểm trường Nước Ui khánh thành, bàn giao cho Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trà Mai. Nhìn nụ cười, ánh mắt hạnh phúc của thầy trò, thành viên CLB Bạn thương nhau ấp ủ mỗi năm xây một điểm trường. Còn anh Nam rút kinh nghiệm: “Xây trường vùng cao phải dự trù kinh phí gấp 3-4 lần so với dưới xuôi. Không xây vào mùa mưa vì đường sình lầy, nước suối chảy xiết”.
Mỗi lần lên vùng cao trao quà Tết Nguyên đán hay Trung thu cho học sinh, anh Nam lại kết thân với thầy cô giáo, nhờ họ giới thiệu những điểm trường còn khó khăn. Có hôm nhận cuộc gọi lúc nửa đêm, tờ mờ sáng hôm sau anh đã băng rừng lên làng khảo sát xây trường mới.
Tiền thì ngoài việc quyên góp của thành viên câu lạc bộ có thể kêu gọi cộng đồng đóng góp. Nhưng để cõng tôn, thép, gạch, đá, cát ngược những con đường nhỏ, qua những vách đá cheo leo hay suối sâu, có nơi như Tắk Rối phải kết bè gỗ đẩy vật liệu vượt sông, hay điểm trường Ông Deo phải lội suối, đi bộ 2 tiếng, trèo qua 3 ngọn núi để tập kết vật liệu thì đòi hỏi sự tận tâm.
Anh Nam kể năm 2018 khi xây điểm trường Ông Deo, cả nhóm mất một tháng vận động người dân hỗ trợ gùi gạch, xi măng. Nhưng đi gùi gạch xây trường thì không ai đi rừng, vợ con không có cái ăn, nhiều người không đi nữa. Hết cách, anh đành hỗ trợ mì tôm, tiền cho bà con. Được mươi bữa, nhiều người chùn chân, bàn chuyện xây nhà gỗ vì sẵn có rừng, nhưng anh Nam lắc đầu nói “phải xây nhà tường gạch mới chịu nổi thời tiết khắc nghiệt”.
Suốt một năm ròng, ngôi trường tường gạch, mái tôn mới xây xong để gần 100 đứa trẻ đến lớp. Người vùng cao thấy con học trong những căn phòng kiên cố, có bếp ăn, thầy cô có nơi ở lại khang trang mới dần hiểu cho quyết tâm của anh Nam và nhóm bạn vùng xuôi.
Nóc Ông Phụng là điểm trường thứ 18 anh Nam kêu gọi mạnh thường quân xây tặng đồng bào ở rẻo cao miền Trung trong 11 năm qua, trong đó riêng Quảng Nam 12 điểm trường, còn lại ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi). Mỗi điểm trường đủ chỗ học cho khoảng 60 học sinh. Đến nay đã có hơn 1.000 trẻ mầm non và lớp 1-2 được học trong điểm trường kiên cố thay cho nhà gỗ ọp ẹp (từ lớp 3 các em học ở trường thuộc trung tâm xã).
Ông Võ Đăng Thuận, Trưởng phòng Giáo dục huyện Nam Trà My, nói anh Nam và CLB Bạn thương nhau ngoài giúp cho ngành giáo dục huyện xóa được các phòng học tạm tranh tre, vách gỗ còn tặng áo ấm, điện mặt trời, nước sạch, làm cầu treo giúp đồng bào. “Mọi tài trợ của anh Nam rất hiệu quả với trẻ em vùng Nam Trà My chúng tôi”, ông Thuận nói.
Nhận nuôi 360 đứa trẻ
Năm 2020, CLB Bạn thương nhau được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng bằng khen vì đoạt giải thưởng tình nguyện quốc gia. Thủ lĩnh Nguyễn Bình Nam nhận ra với trẻ vùng cao, nếu chỉ có trường đẹp chưa chắc đã đến lớp đều đặn mà phải có bữa ăn đủ no, đủ ngon để không phải mang theo cơm nắm, rau rừng chấm muối.
Sau hàng loạt chương trình bữa cơm miền núi hay tủ thuốc vùng cao, với phương châm “Đi thật xa – Nơi thật khó – Đến tận nơi – Trao tận tay”, từ tháng 9/2022, anh Nam khởi xướng dự án “Đi học trên núi”. Anh kêu gọi mỗi mạnh thường quân ở thành phố nhận nuôi một em trên núi, mỗi tháng hỗ trợ 500.000 đồng/em để thầy cô sắm áo quần, sách vở và cả nhu yếu phẩm cho gia đình.
Đinh Thị Trinh và Hồ Thị Hậu ở nóc Ngọc Nâm, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My là hai học sinh được chọn để khởi động cho dự án “Đi học trên núi”. Nhà nghèo, có em mồ côi cha, nhưng nhờ sự trợ lực kịp thời cho năm học cuối cấp, hai em học giỏi và tiếp tục vào THPT.
Thấy được hiệu quả từ những học trò đầu tiên, anh Nam mời thầy cô lên danh sách học sinh mồ côi, khó khăn, còn mình và bạn bè đi xin tiền chuyển lên. Qua hai năm, dự án đang hỗ trợ cho 360 học sinh tại 33 điểm trường ở vùng núi Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam.
“Dự án mong muốn được hỗ trợ chi phí hàng tháng cho các em nhỏ mồ côi, đặc biệt khó khăn từ lớp 1 đến 12 với điều kiện duy nhất là các em tiếp tục đến trường”, anh Nam nói, cho biết những học sinh tốt nghiệp THPT đi học cao đẳng, đại học sẽ được dự án tiếp tục đồng hành.
Sau dịch Covid-19, nhiều người bảo trợ khó khăn. Anh Nam lấy lương bù vào, hy vọng khi ân nhân khá giả sẽ tiếp tục nhận nuôi. “Có người ngưng gửi tiền vài tháng, nhưng sau tiếp tục đóng góp vì hiểu trẻ ờ vùng cao mồ côi đã chịu thiệt thòi, điều kiện ở núi chỉ dựa vào nương rẫy”, anh nói.
Có người gọi anh Nam là “Ông Nam xây trường”, nhưng anh chỉ nhận là người kết nối. Có người tò mò “Nam làm sếp điện lực, chắc dư giả mới làm từ thiện?”, anh chỉ cười trừ. Bạn bè trong CLB biết mỗi lần phát sinh chi phí mà chưa kêu gọi được mạnh thường quân, anh Nam thường bỏ tiền túi lo việc, ít khi báo lại thủ quỹ.
Vợ chồng anh Nam đang ở ngôi nhà hơn 40 m2 trong ngõ rộng 1,7 m do mẹ để lại. Năm ngoái, anh chị mua lô đất 3 tỷ đồng làm tài sản riêng, nhưng vay ngân hàng 2,6 tỷ. “Mình có việc làm ổn định, tiền vay hàng tháng ngân hàng trừ vào lương, dư phần nào thì lại lên với lũ trẻ rẻo cao đổi lấy những nụ cười”, anh nói.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ky-su-dien-dam-me-xay-truong-tren-nui-4789132.html