Theo đó, Cục An ninh Điều tra (A09), Bộ Công an, đề nghị đơn vị soạn thảo nghiên cứu bổ sung luận cứ cho việc quy định chi tiêu ngân sách 1% nêu trên dành cho Chiến lược dữ liệu quốc gia vì 2 lý do.
Thứ nhất, việc xây dựng dữ liệu số quốc gia là nhiệm vụ cụ thể của Nhà nước nên phải đặt trong tổng thể chung của chiến lược phát triển đất nước, do vậy, việc quy định phân bổ ngân sách nhà nước phải có sự cân đối, điều chỉnh linh hoạt phù hợp với điều kiện, khả năng của ngân sách ở từng giai đoạn.
Thứ hai, việc xây dựng, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu số quốc gia sẽ gồm cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, con người và các cơ chế, chính sách, vận hành; trong đó ở giai đoạn đầu thường cần nguồn kinh phí lớn bảo đảm cho đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật; các năm tiếp theo chủ yếu là công tác vận hành, khai thác và cập nhật nên nhu cầu kinh phí đầu tư cần có sự điều chỉnh.
Cục Viễn thông và cơ yếu (H04), Bộ Công an, cũng đề nghị đơn vị soạn thảo nghiên cứu xây dựng báo cáo đánh giá tác động, trong đó có nội dung tại Khoản 3 Điều 12 về nhà nước bảo đảm chi tối thiểu 1% trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm cho hoạt động triển khai thực hiện Chiến lược dữ liệu quốc gia.
Theo Bộ Tư pháp, hiện nay, ngân sách để đảm bảo xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu, kết nối, chia sẻ giữa các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin trong các cơ quan quản lý nhà nước đã được pháp luật về giao dịch điện tử quy định. Trong đó, bao gồm cả các nội dung liên quan đến dữ liệu (thu thập, cập nhật, điều chỉnh, lưu trữ…). Vì vậy, việc bố trí 1% trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm cho hoạt động để thực hiện Chiến lược dữ liệu mà chưa rõ nội dung chi, các hoạt động cụ thể là cần cân nhắc thêm để tránh lãng phí ngân sách nhà nước.
Ông Vũ Tuấn Anh, Trưởng phòng, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, cũng đề nghị cân nhắc quy định tại Khoản 3 Điều 12 Dự thảo vì Chiến lược dữ liệu quốc gia chỉ là 1 trong nhiều chiến lược triển khai chuyển đối số quốc gia, như: Chiến lược phát triên Chính phủ điện tử hướng đên Chính phủ số, Chiến lược quốc gia về kinh tế số và xã hội số, Chiến lược quốc gia về phát triển Trí tuệ nhân tạo đến 2030, Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030, sắp tới là Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn. Vì thế, việc quy định riêng đối với chiến lược là cần cân nhắc và đánh giá tác động kỹ để bảo đảm nguồn lực triển khai.
Ngoài ra, ông Vũ Tuấn Anh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo lấy thêm ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về quy định này.
Phản biện các quan điểm nêu trên, Ban soạn thảo Dự thảo Luật Dữ liệu cho rằng quy định tại khoản 3 Điều 12 dự thảo Luật về việc bố trí kinh phí cho hoạt động triển khai thực hiện Chiến lược dữ liệu quốc gia là quy định cần thiết vì hoạt động chuyển đổi số được xác định là một trong những nội dung chính để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tạo dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số ở nước ta.
Theo Ban soạn thảo, việc bố trí nguồn kinh phí trên để sử dụng cho các bộ, ngành, địa phương là rất cần thiết. Hiện nay kinh phí nhà nước cấp cho các dự án công nghệ thông tin của bộ, ngành, địa phương đều từ ngân sách.
Ban soạn thảo cho biết quy định này cũng tương đồng với việc bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động khoa học, công nghệ hiện nay đang được quy định tại Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 (tại khoản 1 Điều 49 Luật này quy định rõ việc nhà nước bảo đảm chi cho khoa học và công nghệ từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp khoa học và công nghệ).
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/can-nhac-de-xuat-danh-1-tong-chi-ngan-sach-nha-nuoc-cho-chien-luoc-du-lieu-quoc-gia.htm