Doanh thu phí bảo hiểm được công bố định kỳ lần đầu trong báo cáo của Tổng cục Thống kê từ năm 2016. Liên tiếp từ đó đến năm 2022, chỉ tiêu này luôn tăng trưởng hai con số, với động lực chính là bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, nửa đầu năm nay, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường giảm gần 2% so cùng kỳ.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý II năm nay ước đạt 61.300 tỷ đồng, giảm 3,12% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt khoảng 117.000 tỷ đồng, giảm 1,62%, đánh dấu sụt giảm lần đầu tiên kể từ khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu.
Cũng theo công bố trước đó của cơ quan thống kê, tổng doanh thu phí bảo hiểm tính trong quý I năm nay ước đạt 59.458 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu từ lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 19.870 tỷ đồng, tăng 15,2%; còn doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 39.588 tỷ đồng, tăng 3,1%. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
Nhìn về trước đó, giai đoạn nửa đầu năm từ năm 2016-2022, doanh thu phí bảo hiểm đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng 11-26%. Trong đó, mảng bảo hiểm nhân thọ có mức tăng trưởng mạnh 13-35%.
Theo đại diện một công ty Top đầu về bảo hiểm nhân thọ, đà giảm của ngành bảo hiểm nói chung trong nửa đầu năm nay chủ yếu từ phân khúc bảo hiểm nhân thọ. Doanh thu khai thác mới trong giai đoạn tháng 4-5 thậm chí đã giảm ở mức hai chữ số so với cùng kỳ, một phần vì niềm tin của thị trường bị ảnh hưởng sau những khủng hoảng gần đây.
Khối nhân thọ là động lực chính cho tăng trưởng của thị trường bảo hiểm. Tốc độ tăng của phân khúc này thường gấp 2-3 lần so với bảo hiểm phi nhân thọ. Đà tăng đạt trung bình hơn 30% trong giai đoạn các ngân hàng đẩy mạnh bán chéo bảo hiểm (Bancassurance). Bancas cũng trở thành một trong những kênh phân phối quan trọng, chiếm gần 50% doanh thu khai thác mới, thậm chí còn vượt qua kênh đại lý.
Tuy nhiên, vừa qua xuất hiện nhiều mặt trái như ngân hàng ép khách vay mua kèm bảo hiểm hoặc đánh tráo khái niệm giữa bảo hiểm với gửi tiết kiệm. Từ cuối năm trước, một số vụ việc, khiếu nại của khách hàng với kênh Bancassurance nổi lên, khiến phân khúc nhân thọ bị ảnh hưởng mạnh.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến cuối năm 2022, Top 5 doanh nghiệp dẫn đầu về thị phần bảo hiểm nhân thọ tại thị trường Việt Nam lần lượt gồm: Bảo Việt, Prudential, Manulife, Dai-ichi Life, và AIA.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, 5 doanh nghiệp trên chiếm khoảng 76% thị phần bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phân phối qua kênh hợp tác ngân hàng chiếm khoảng 40% tổng doanh thu khai thác mới của các công ty bảo hiểm.
Bộ Tài chính đã thanh tra bán bảo hiểm qua ngân hàng với Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife và sắp tới sẽ kiểm tra thêm 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 4 đơn vị phi nhân thọ, tập trung vào liên kết hoạt động, kinh doanh giữa doanh nghiệp và ngân hàng.