Nhóm khoa học gia Trung Quốc, Anh, Đức và Áo đẫn dầu bởi nhà địa chất Yadong Sun từ Đại học Khoa học Trái đất Trung Quốc đã phát triển các mô hình dòng hải lưu và khí quyển 252 triệu năm trước để tìm hiểu về sự kiện thảm khốc nhất xảy ra trước khi loài khủng long xuất hiện.
Sự kiện thảm khốc được nhắc đến là đại tuyệt chủng Permi – Trias (đại tuyệt chủng Nhị Điệp – Tam Điệp), khiến sự sống Trái Đất suýt nữa đứt ngang chặng đường tiến hóa. Nhưng rất may, vẫn có một số ít qua khỏi.
Thảm họa này xóa sổ khoảng 96-97% các loài sinh vật biển và hơn 70% các loài trên đất liền.
Tổ tiên của khủng long đã rất may sống sót qua sự kiện này, biến thế giới tàn tạ sau thảm họa thành cơ hội để bắt đầu một thời đại quái vật kéo dài 3 kỷ Tam Điệp – Jura – Phấn Trắng.
Chỉ cần xui xẻo hơn một chút, khủng long đã không xuất hiện trên địa cầu và thậm chí địa cầu ngày nay đã không còn sự sống.
Điều gì đã kích hoạt đại tuyệt chủng Nhị Điệp – Tam Điệp vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Theo các bằng chứng được thu thập từ khắp nơi trên thế giới, trước “ngày tận thế” 252 triệu năm trước, sinh quyển địa cầu rất sôi động.
Sự sống dưới nước đa dạng phát triển trong một siêu đại dương bao quanh một siêu lục địa duy nhất. Trên siêu lục địa đó, cây lá kim phát triển thành rừng rậm khi tổ tiên 4 chân của động vật có vú, chim và bò sát hiện đại chạy nhảy dưới các tán cây.
Mọi thứ có vẻ vẫn ổn, nhưng có gì đang bào mòn sự sống âm thầm.
Trong số những họ động vật bốn chân đang phát triển, chỉ có 10% sẽ tiếp tục tạo ra những thế hệ tương lai. Hàng triệu năm sau, các loài sinh vật biển bắt đầu biến mất từng loài một, cho đến khi chỉ còn khoảng 1/5 số loài.
Chưa bao giờ thế giới chứng kiến nhiều mất mát về sự sống đến vậy, khiến các nhà nghiên cứu phải đặt câu hỏi tại sao giai đoạn này lại độc hại đến vậy.
Các nhà khoa học đã tìm thấy lớp đá lửa khổng lồ ở nơi hiện nay là Siberia, chỉ ra một giai đoạn hoạt động núi lửa kéo dài trải dài ngay giai đoạn chuyển giao giữa kỷ Nhị Điệp và Tam Điệp, tức đúng 252 triệu năm trước, một sự trùng hợp đáng chú ý.
Ghép nối các bằng chứng khác lại với nhau, nhóm nghiên cứu nghi ngờ về một loạt các hiệu ứng dây chuyền từ các vụ phun trào núi lửa liên tục.
Quá trình này có thể tước bỏ tầng ozone hay làm thủng rất nặng, đồng thời thải ra lượng carbon dioxide đủ để làm ấm bầu khí quyển, trong khi sự phát triển của vi khuẩn làm tràn ngập oxy trong đại dương trước khi hút oxy trở lại.
Khi phân tích tỷ lệ đồng vị oxy trong răng hóa thạch của sinh vật biển cổ đại, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng về những sự thay đổi khí hậu tương tự phase El Nino của Dao động phương Nam ngày nay.
Những sự kiện El Nino gây ra nhiều vấn đề cho con người hiện nay, như mưa xối xả ở nơi này và hạn hán ở nơi khác, đủ gây khó khăn cho sinh quyển dù chỉ kéo dài 1-2 năm.
Tuy vậy, vào cuối kỷ Nhị Điệp, có một giai đoạn siêu El Nino kéo dài và khốc liệt kéo dài nhiều thế kỷ.
Các mô hình cho thấy điều này thừa sức gây ra một đại tuyệt chủng, thậm chí là một ngày tận thế.
Điều đó có thể lặp lại một lần nữa, nếu nhân loại tiếp tục thải ra lượng khí nhà kính khổng lồ, “bắt chước” tác động của các siêu núi lửa ngày xưa.
Trái Đất có thể một lần nữa phục hồi sinh quyển nhờ những loài hiếm hoi còn tồn tại như cách mà khủng long ra đời. Tuy nhiên, rõ là không ai muốn điều đó bởi đầu tiên, đa phần sự sống phải bị xóa sổ nếu siêu El Nino lặp lại.
Nguồn tin: https://genk.vn/tham-hoa-khien-khung-long-suyt-khong-ra-doi-co-the-lap-lai-2024091618250882.chn