Nguyên nhân thở bằng miệng khi ngủ
Tiến sĩ Rajneesh Srivastava, chuyên gia tư vấn về hô hấp và giấc ngủ tại Medanta, Lucknow (Ấn Độ) – cho biết, thở bằng miệng khi ngủ có thể xảy ra vì nhiều lý do, bao gồm nghẹt mũi, bất thường về giải phẫu và rối loạn giấc ngủ.
Trong đó, nghẹt mũi do dị ứng, cảm lạnh hoặc viêm xoang có thể khiến việc thở bằng mũi trở nên khó khăn, khiến mọi người phải thở bằng miệng khi ngủ.
Ông Rajneesh Srivastava nói thêm rằng, những bất thường về mặt giải phẫu như đường mũi hẹp hoặc vách ngăn lệch có thể cản trở luồng không khí thích hợp đi qua mũi, dẫn đến thở bằng miệng như một cơ chế bù trừ.
“Ngoài ra, những người mắc chứng rối loạn giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ, đặc trưng bởi tắc nghẽn đường thở trong khi ngủ, có thể chuyển sang thở bằng miệng để khắc phục tình trạng tắc nghẽn và duy trì lượng oxy hấp thụ”, ông Srivastava nói.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Sowjanya, bác sĩ chuyên khoa phổi cao cấp, Bệnh viện Kamineni, Hyderabad (Ấn Độ) – cho biết, nguyên nhân chính gây ra tình trạng thở bằng miệng khi ngủ có thể là do hai yếu tố chính. Đầu tiên là vấn đề tiềm ẩn hoặc tắc nghẽn ở đường thở mũi, chẳng hạn như vách ngăn lệch hoặc tắc nghẽn. Nguyên nhân thứ hai chỉ là do thói quen xấu.
Các bác sĩ cho biết trong khi thở bằng mũi mang lại nhiều lợi ích cho não, hormone và thậm chí cả tâm trạng của bạn thì thở bằng miệng có thể gây ra một số tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Trong đó, thở bằng miệng khi ngủ khiến vi khuẩn trong miệng tăng lên có thể dẫn đến hôi miệng, sâu răng và bệnh nướu răng.
Đối với trẻ em, thở bằng miệng có thể bị dị tật trên khuôn mặt, răng mọc lệch và gặp các vấn đề về tăng trưởng toàn diện.
Ngoài ra, thở bằng miệng khi ngủ cũng có thể dẫn đến khô miệng và cổ họng, gây khó chịu và các vấn đề về răng miệng. Thói quen này sẽ bỏ qua quá trình lọc và làm ẩm tự nhiên của mũi, dẫn đến giảm lượng oxy hấp thụ, chất lượng giấc ngủ kém và tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Cách kiểm soát
Các chuyên gia, bác sĩ đưa ra cách kiểm soát cho vấn đề này, bao gồm:
Bạn có thể tự tập thở bằng mũi bằng cách chỉ cần khép môi lại.
– Ép lưỡi vào vòm miệng cũng có thể giúp duy trì tư thế miệng thích hợp và nhất quán hơn.
– Thực hiện các bài tập hầu họng, bạn có thể tăng cường sức mạnh cho lưỡi, giúp giữ cho đường thở của bạn mở.
– Làm sạch các đường mũi bằng bình xịt hoặc nước muối có thể làm giảm tình trạng tắc nghẽn và thúc đẩy quá trình thở bằng mũi.
– Duy trì tư thế ngủ thích hợp, chẳng hạn như nằm nghiêng có thể giúp ngăn ngừa tình trạng thở bằng miệng.
– Nếu các triệu chứng vẫn tiếp diễn, điều quan trọng là phải được đánh giá, đặc biệt là ở trẻ em vì chẩn đoán sớm có thể ngăn ngừa những thay đổi không thể đảo ngược ở đường thở.
Nguồn tin: https://laodong.vn/suc-khoe/cach-kiem-soat-viec-tho-bang-mieng-khi-ngu-1393872.ldo