Yên BáiThấy vườn sạt lở, nhà nứt tường, bếp và phòng khách dọa sập sau trận lũ, vợ chồng anh Hoàng Hồng Khanh sốc, song động viên nhau cố gắng vượt qua.
Sẩm tối 13/9, anh Khanh, 40 tuổi, thôn Đức Quân, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên cùng vợ Nguyễn Thị Tùng khảo sát mảnh vườn rộng 300 m2 nằm bên sông Hồng. Thỉnh thoảng hai người giật mình, kéo tay nhau lùi vài bước khi thấy đất đá từ vườn trôi xuống sông. Thấy vợ chống tay vào bức tường nứt, trầm ngâm không nói gì, anh Khanh bảo: “Thiên tai đã qua rồi, mạnh mẽ lên”.
Bão Yagi đổ bộ vào Quảng Ninh ngày 7/9 thì cũng từ hôm đó Trấn Yên bắt đầu mưa lớn kéo dài, nước sông Hồng lên nhanh, tràn vào khu dân cư. Chính quyền phát loa thông báo cho các hộ dân trong vùng di dời hoặc kê tài sản lên những vị trí cao để tránh ngập.
Trong nhà chỉ có quạt và tivi là giá trị, anh Khanh kê cao lên so với nền hai mét. Tối 9/9, nước sông dâng cao đột ngột, trong 4 tiếng đã ngập nóc nhà. 4 thành viên trong gia đình phải chèo thuyền đến nhà họ hàng cách đó hai km tránh trú.
Trở về sau 4 ngày chạy lũ, anh Khanh thấy tivi và quạt điện ngấm bùn đất, hư hỏng. Ngôi nhà cấp bốn xuất hiện nhiều điểm nứt nẻ trên tường, rộng 2-3 cm, kéo dài 1-3 m. Tường của căn bếp nối với phòng khách bị xô hở, rộng 5-10 cm, ánh sáng rọi vào trong. Ngoài vườn sạt lở ăn sâu 3-6 m, có vị trí lên gần sát quốc lộ. “Mưa lũ lần nữa chắc nhà sập mất”, anh Khanh nói.
Tạm thời không thể sống trong nhà, gia đình anh Khanh tính tá túc ở nhà ông bà nội vài tuần. Cùng là công nhân môi trường, tổng lương của vợ chồng mỗi tháng hơn 8 triệu đồng chỉ đủ trang trải và nuôi hai con nhỏ ăn học, vì thế anh Khanh từ bỏ ý định mua đất ở nơi khác. Thay vào đó, họ xác định gia cố lại căn nhà cấp bốn, làm bờ kè giữ vườn.
Chị Tùng chia sẻ hôm lũ rút đến nay, thấy nhà cửa xơ xác rất sốc, giờ đã bình tĩnh hơn. Còn khoảng chục triệu đồng tích góp bấy lâu, vợ chồng chị sẽ mua vật liệu về vá lại những điểm nứt nẻ trên tường. Với khoảng hở lớn giữa gian bếp và phòng khách, chị Tùng dự tính thuê thợ xây đến tìm phương án chống sập.
“Phải gắng gượng thôi”, chị Tùng nói. Vườn sạt lở ăn sâu, trước mắt để tiết kiệm chi phí vợ chồng chị sẽ đi kiếm cọc tre về đóng bên mép sông, sau đó thuê xe chở đất đá về đổ xuống dưới khắc phục. Về lâu dài, chị lên kế hoạch giảm chi tiêu của gia đình, mỗi tháng tích góp ít tiền để xây bờ kè bêtông cho an toàn.
Theo chị Tùng, ai cũng muốn ở nơi tốt để an cư lạc nghiệp, song vợ chồng xuất phát điểm thấp, từng rao bán vườn đi chỗ khác nhưng chẳng ai đoái hoài. “Thôi đành sống chung lũ. Cố gắng lo cho tương lai các con, biết đâu sau này chúng trưởng thành sẽ lo được nơi ở mới cho cả nhà”, chị cười hiền nói.
Nằm cách sông Hồng khoảng 200 m, ngày 13/9 ngôi nhà hai tầng của ông Nguyễn Khắc Dược, 52 tuổi, trú thôn Đức Quân vẫn ngập đến sân dù tọa lạc ở vị trí cao. Xung quanh, hàng chục nhà hàng xóm vẫn ngập sâu hơn một mét, nước lũ vẫn bủa vây ruộng đồng và các ngả đường, sâu 50-90 cm. Người dân phải dùng thuyền nhôm cỡ nhỏ di chuyển ra quốc lộ để mua các nhu yếu phẩm.
Những ngày lũ lụt, ông Dược bám trụ trên gác xép tầng hai. Nhìn nhiều tài sản, đồ đạc cả gia đình phải tích góp để mua nay nổi lềnh bềnh dưới nước, ông Dược bất lực nhưng không biết làm gì hơn. Lũ rút hôm 12/9, các thành viên đi tránh trú trở về, dù buồn khi vật dụng trong nhà hư hỏng gần hết, ông vẫn cố tỏ ra lạc quan, động viên vợ con dọn dẹp để tái thiết cuộc sống.
Ông Dược nói tiếc nhất là chiếc tivi, tủ lạnh, máy giặt. Trước mắt, ông sẽ bảo con đưa các thiết bị này ra cửa hàng điện tử, điện lạnh thuê người sửa. “Nếu chi phí đắt quá thì thôi”, ông nói. Thay vào đó, vợ chồng ý định vay mượn họ hàng ít tiền, sắm mới các vật dụng để dùng lâu dài, vì sợ “tiền vá quá tiền may”.
Mối bận tâm lúc này của gia đình ông Dược chính là ngôi nhà hai tầng xây 10 năm trước có nguy cơ xuống cấp. Nước đọng lâu ngày khiến kết cấu nền nhà ảnh hưởng, nắng lên có thể gây nứt tường. Tiền vay xây nhà mới trả xong đợt trước, ông Dược bảo xây mới là không thể nên trước mắt sẽ chờ nước rút kiệt để đánh giá tình hình, sau đó thấy những điểm nào hỏng thì mua xi măng trát lại.
Ông Sái Chí Nguyện, Phó bí thư Đảng ủy xã Minh Quân, đánh giá đây là trận lũ lụt lớn nhất trên địa bàn 50 năm qua, khiến nhiều gia đình thiệt hại nặng nề. Dự kiến một tuần nữa nước mới rút hết, cuộc sống mới dần ổn định trở lại.
Tỉnh Yên Bái từng phải công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai sau mưa lớn. Thống kê của chính quyền, khi nước sông Hồng vượt báo động ba hơn 3 m, toàn tỉnh có tới 23.300 ngôi nhà ngập, hư hỏng, nhiều nhất trong số địa phương chịu thiệt hại do mưa lũ sau bão Yagi. 53 người đã chết, 2 người mất tích; 31 người bị thương; thiệt hại vật chất hơn 1.240 tỷ đồng.
VnExpress mở chiến dịch “Cùng đồng bào vượt lũ” nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ
tại đây.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/guong-day-sau-lu-ky-luc-4792379.html