Một anh bạn đưa cho tôi bài báo trên tạp chí Financial Times viết về việc 80% học sinh phổ thông của Ireland hiện đang tham gia chương trình TY (transition year) – năm học đổi thay.
Năm học đặc biệt này hoàn toàn không có kiểm tra đánh giá, chỉ dựa trên tự học và khám phá các nội dung đa dạng từ khoa học môi trường, nghệ thuật đến làm việc thực tế để tự khám phá bản thân.
Bài báo cũng kể rằng, tỷ phú Patrick Collison – người lớn lên ở một gia đình bình dân của Ireland – đã được tạo cảm hứng về công nghệ trong năm học đổi thay, và từ đó trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới ở tuổi 28. Trong năm học đổi thay, Patrick Collison đã dành toàn bộ thời gian để học lập trình và giành giải ở cuộc thi quốc gia dành cho các nhà khoa học trẻ độ tuổi 16.
Tương tự, Cillian Murphy – người vừa giành giải Oscar cho vai chính trong bộ phim nổi tiếng Oppenheimer cũng bắt đầu niềm đam mê của mình trong năm học đổi thay. Năm học thực sự đã đổi thay ông thành con người khác với niềm đam mê kịch nghệ.
Năm nay, trường chúng tôi nhận được lá thư viết tay dài bốn trang giấy của một học sinh 17 tuổi đến từ Argentina. Trong thư có đoạn viết: “Tôi đến từ Argentina, quốc gia vô địch World Cup lần gần đây nhất. Tôi đã dành hầu hết thời gian học tập để tìm hiểu văn hóa đất nước tôi và muốn chia sẻ với các bạn. Rất biết ơn bạn đã cho tôi cơ hội là một thành viên trong gia đình của bạn và rất mong được gặp bạn”.
Em là một trong những học sinh chọn Việt Nam làm điểm đến trong năm học đổi thay của mình.
Trong khi đó ở cùng độ tuổi, học sinh Việt Nam đang chật vật với cuộc thi vào lớp 10. Chương trình học bậc THPT vẫn nặng về học thuật. Ngoài chính khóa, các em còn vật lộn với IELTS, SAT, A-Level để cạnh tranh vào các trường đại có thứ hạng.
Ở một số quốc gia phát triển, khái niệm “gap year” đã khá phổ biến. Nhiều học sinh lựa chọn chưa vào đại học ngay mà đi trải nghiệm một năm để tìm hiểu cuộc sống và xã hội. Chương trình “transition year” dường như còn có hiệu quả hơn khi học sinh vẫn được dẫn dắt và sát cánh bởi các nhà giáo, chuyên gia. Mô hình này có thể gợi ý cho các nhà xây dựng chính sách Việt Nam một cách tiếp cận cởi mở hơn cho bậc học THPT.
Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 vừa đi hết một chu trình và năm nay sẽ có kết quả đầu ra của cả ba cấp học. Có thể nói, lần thay đổi này có những bước tiến lớn về tư duy giáo dục, tiếp cận được những nội dung mới và cách giảng dạy cũng cởi mở hơn nhiều. Đặc biệt, cấp THPT có nhiều cải tiến, mang tính đột phá nhất là cho phép người học lựa chọn môn học. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn. Đa phần các trường triển khai việc tự chọn theo nhóm môn học có sẵn theo mô hình chuyên ban. Sẽ tốt hơn nếu chương trình học thiết kế theo kiểu tín chỉ để học sinh lựa chọn. Nhưng cách này gần như bất khả thi do phương thức quản lý lớp học vẫn duy trì kiểu cũ.
Cùng với mô hình này, ở bậc học cao hơn, các trường đại học lớn trên thế giới hiện đã chung một quan điểm khi triển khai chương trình. Sinh viên Đại học Quốc gia Singapore và các đại học khác của nước này đến năm thứ ba, ngoài thực tập có thể tham dự học kỳ trao đổi tại các trường khác khắp nơi trên thế giới. Tương tự thực tập, khi học trao đổi, sinh viên cũng được ghi nhận tín chỉ từ các trường đó để ghi nhận vào hồ sơ. Triết lý chung của phương thức này là các em cần được rèn luyện về khả năng thích nghi ở nhiều môi trường khác nhau, tự khám phá mình qua đa dạng trải nghiệm.
Lợi ích của các học kỳ tự do này đã được thống kê. Đánh giá của Hội đồng quốc gia về chương trình và khảo thí Ireland cho thấy 88% học sinh sau khi tham gia thấy mình trưởng thành hơn về mặt cá nhân, quản lý thời gian, cảm xúc và công việc tốt hơn. 95% tự tin hơn khi đối mặt với các thử thách học thuật và xã hội, do họ được phát triển các kỹ năng về làm việc nhóm, giao tiếp, lãnh đạo. Điểm số của nhóm học sinh này cũng thường cao hơn các học sinh không tham gia từ 5-10%.
Còn đối với sinh viên, việc tham gia các hoạt động ngoài học tập trên giảng đường cũng mang lại lợi ích rõ nét. Hiệp hội giáo dục đại học – cao đẳng và nhà tuyển dụng (NACE) thống kê biết 70% sinh viên nhận được việc làm chính thức sau thời gian thực tập, 84% được học thêm các kỹ năng mà nhà trường không đào tạo như giao tiếp, làm việc nhóm hay giải quyết vấn đề. 80% cho rằng họ có các mối quan hệ tốt hỗ trợ tìm việc sau quá trình thực tập.
Vậy giáo dục Việt Nam có thể cởi mở hơn để chấp nhận năm học đổi thay và các gia đình liệu có sẵn sàng cho con cái tự do tìm hiểu phát triển bản thân hay không?
Vào những ngày chuẩn bị cho năm học mới, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, GS. Nguyễn Kim Sơn có phát biểu “chưa bao giờ ngành giáo dục gặp thách thức lớn như hiện nay”. Tôi đồng tình với phát biểu đó và luôn mong cầu có một nền giáo dục Việt Nam cởi mở, hiện đại hướng trọng tâm vào phát triển nhân cách con người, không nặng về thi cử.
Đàm Quang Minh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nam-hoc-khong-thi-cu-4791781.html