Ngày 9/9, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính đã gửi công văn tới Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm về việc báo cáo tình hình thiệt hại và bồi thường bảo hiểm do cơn bão số 3 Yagi gây ra.
Để kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục thiệt hại do bão, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ thưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật; sau khi chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân để xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện hỗ trợ nhân đạo cho những nạn nhân bị ảnh hưởng do bão theo quy chế nội bộ và quy định pháp luật có liên quan.
Trao đổi nhanh với phóng viên Báo VietNamNet, ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, chậm nhất 12/9, các doanh nghiệp bảo hiểm và Hiệp hội Bảo hiểm phải báo cáo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm về tình hình giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do bão Yagi. Các nghiệp vụ cụ thể sẽ tiếp tục triển khai sau đó.
Cũng theo ông Trung, đây không phải lần đầu tiên Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm có văn bản yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải nhanh chóng có phương án chi trả quyền lợi bảo hiểm cho người dân, doanh nghiệp.
Sau các sự cố nghiêm trọng của xã hội, nhu vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội năm ngoái, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đều sớm có công văn đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo tình hình thiệt hại và bồi thường bảo hiểm.
Theo Báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, tính đến 7 giờ sáng ngày 9/9/2024, bão Yagi đã khiến 26 người chết, mất tích; 113.593 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 22.047 ha hoa màu bị ngập úng; 6.887 ha cây ăn quả bị hư hại; trên 1.500 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị cuốn trôi; 9.851 nhà ở bị hư hỏng; 12 đoạn đường dây 500kV, 36 đường dây 220kV, 161 đường dây 110kV bị sự cố và nhiều cột điện hạ thế bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ…
>>Trường hợp ô tô bị cây đè có được công ty bảo hiểm đền bù?
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/cham-nhat-12-9-phai-bao-cao-ve-viec-tam-ung-tra-bao-hiem-thiet-hai-do-bao-yagi-156567.html