Ngày 9/9, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia.
Tại phiên họp, đại diện Bộ Tài chính cho biết một số văn bản luật về tài chính – ngân sách đã được Quốc hội thông qua và triển khai thực hiện trong thời gian dài, thực tiễn triển khai thực hiện đã cho thấy các Luật này và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã kịp thời thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tài chính – ngân sách, góp phần tạo khung khổ pháp lý cho việc quản lý, điều hành, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của nền kinh tế.
Tuy nhiên, trước sự thay đổi của tình hình kinh tế – xã hội, các văn bản pháp luật về tài chính cũng đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nên cần phải được rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã khẩn trương rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các Luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và đã xác định 07 Luật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bao gồm: Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã tập trung trao đổi, thảo luận nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung trong 7 Luật.
Về điều kiện để phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, đại diện Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết dự thảo Luật đã bổ sung thêm 2 điều kiện là “có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh ngân hàng” và “ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp thoả mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2”.
Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh hiệu quả, tình hình tài chính tốt có thể thực hiện các khoản vay nợ tín chấp, phát hành trái phiếu không có bảo đảm. Việc có/không có bảo đảm thuộc về cấu trúc của trái phiếu và đều được phản ánh vào giá phát hành, được thị trường tự cân đối dựa trên cung – cầu.
Vì vậy, việc quy định bắt buộc trái phiếu phát hành ra công chúng phải có tài sản bảo đảm, bảo lãnh của ngân hàng sẽ không xử lý được vấn đề cốt lõi của việc lựa chọn, sàng lọc các tổ chức phát hành có chất lượng để phát hành trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời tạo rào cản lớn, trực tiếp làm giảm nguồn cung trái phiếu doanh nghiệp ra công chứng, bao gồm cả trái phiếu của doanh nghiệp đầu ngành, có thể huy động vốn tín chấp, không có bảo đảm.
Đại diện Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lược bỏ quy định về điều kiện trái phiếu phát hành ra công chúng phải có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán; cùng với đó bổ sung quy định, hướng dẫn về tổ chức được đóng vai trò là đại lý nhận, quản lý tài sản bảo đảm cho trái phiếu có tài sản bảo đảm và quy định cho phép các tổ chức tài chính quốc tế được tham gia bảo lãnh thanh toán.
Đối với việc kéo dài thời gian hạn chế chuyển nhượng cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp lên 3 năm, đại diện Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam đánh giá đây là một khoảng thời gian khá dài và sẽ khiến cho việc chào bán chứng khoán riêng lẻ không còn hấp dẫn nhà đầu tư, hạn chế quyền sở hữu và thực hiện quyền của nhà đầu tư, nhất là khi thị trường giao dịch chứng khoán ở Việt Nam còn nhiều biến động.
Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì giữ nguyên quy định về thời gian hạn chế chuyển nhượng là 01 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán đối với cổ phiếu chào bán riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền chào bán riêng lẻ như quy định hiện hành tại điểm c khoản 1 Điều 31 Luật Chứng khoán 2019.
Ông Phạm Văn Hùng, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã trao quyền phê duyệt việc quản lý, sử dụng tài sản công cho Bộ trưởng và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tạo thuận lợi hơn quy định hiện hành.
Tuy nhiên, để tăng nguồn thu cho các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, có thể tăng tính tự chủ của các tổ chức này trong việc khai thác tài sản công bằng cách sửa đổi quy định pháp luật theo hướng giao lãnh đạo các tổ chức phê duyệt và chịu trách nhiệm đối với việc khai thác tài sản công theo hình thức cho thuê, liên doanh, liên kết.
Góp ý đối với Luật Chứng khoán, ông Hùng cho rằng trái phiếu là một kênh quan trọng của doanh nghiệp, do đó việc sửa đổi quy định liên quan tới phát hành trái phiếu cần thận trọng, bảo đảm tính ổn định; tránh tình trạng thắt chặt trái phiếu riêng lẻ, gây ra đứt gãy nguồn vốn cho doanh nghiệp.
Về việc yêu cầu các sàn thương mại điện tử kê khai thuế tại Luật Quản lý thuế, đại diện VCCI bày tỏ quan ngại quy định này sẽ tạo ra sự không công bằng giữa các doanh nghiệp phải tuân thủ và doanh nghiệp không phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và có tác động lớn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
Bên cạnh đó, quy định này cũng chưa thực sự phù hợp với bản chất của sàn thương mại điện tử vì các sàn này chỉ là trung gian giữa người mua và người bán; đồng thời các sàn cũng không kiểm soát toàn bộ dòng tiền do thanh toán trực tiếp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong các hình thức thanh toán.
Để đạt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính có đề xuất sửa đổi điểm a khoản 4 Điều 56 Luật Chứng khoán về việc thành viên bù trừ được bù trừ, thanh toán cho các giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán (bao gồm chứng khoán phái sinh và chứng khoán cơ sở niêm yết/đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán).
Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng nhà nước Việt Nam đề nghị ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ thực hiện bù trừ trên thị trường chứng khoán phái sinh vì nếu tham gia bù trừ trên cả thị trường cơ sở sẽ tạo nhiều rủi ro trong quan hệ giữa các ngân hàng và gây ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của ngân hàng.
Ngoài ra, các thành viên Hội đồng thẩm định còn cho ý kiến về việc sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ ngân sách cấp trên trực tiếp, hỗ trợ các địa phương khác; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán; cơ cấu đối tượng bắt buộc kiểm toán…
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/nhieu-de-xuat-thao-go-phap-ly-cho-thi-truong-trai-phieu-chung-khoan.htm