Cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài đã khiến người tiêu dùng Trung Quốc trở nên thận trọng và doanh nghiệp nước này lo lắng. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng không giống như bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác kể từ khi mở cửa với thế giới – theo nhận định của tờ báo New York Times.
Năm 2004, khi Trung Quốc đang nổi lên thành một thế lực kinh tế toàn cầu, một nhóm nhà nghiên cứu của nước này bắt đầu tiến hành một cuộc khảo sát toàn quốc định kỳ 5 năm một lần. Trong cuộc khảo sát, người Trung Quốc được hỏi họ có khá giả hơn về mặt tài chính so với trước đó 5 năm. Kết quả cho thấy tỷ lệ trả lời “có” trong cuộc khảo sát 5 năm sau đó đã tăng lên so với lần khảo sát trước, và tiếp tục tăng vào năm 2014, đạt mức cao 77%. Nhưng trong cuộc khảo sát vào năm ngoái, tỷ lệ đưa ra câu trả lời “có” đã giảm còn 39%.
Cuộc khảo sát cho thấy một thực tế mới: nền kinh Trung Quốc đang đương đầu khủng hoảng. Sự phục hồi sau đại dịch Covid-19, vốn được kỳ vọng mang lại sức sống mới cho nền kinh tế nước này, rốt cục không đáp ứng được mong đợi.
NGƯỜI TIÊU DÙNG VÀ DOANH NGHIỆP CÙNG “THẮT CHẶT HẦU BAO”
Mấy năm trước, Bắc Kinh quyết tâm “cai” nền kinh tế khỏi sự phụ thuộc vào một thị trường bất động sản tăng trưởng quá nóng – lĩnh vực trước đó đã giữ vai trò là nguồn của cải tiết kiệm lớn nhất của nhiều hộ gia đình, cũng như nguồn lực tài chính quan trọng cho hệ thống ngân hàng và chính quyền các địa phương. Các biện pháp siết chặt kiểm soát bất động sản của Trung Quốc đã dẫn tới hệ quả là hàng loạt doanh nghiệp địa ốc suy sụp, để lại những khoản nợ khổng lồ, các dự án đầu tư rơi vào ngưng trệ, căn hộ không bán được và vô số việc làm bị mất.
Trong bối cảnh như vậy, người tiêu dùng Trung Quốc – vốn dĩ có thói quen tiết kiệm – càng hạn chế chi tiêu hơn. Chưa kịp “hoàn hồn” sau các biện pháp chống dịch hà khắc, doanh nghiệp Trung Quốc lại buộc phải giảm lương và cắt giảm nhân sự. Hàng triệu sinh viên mới tốt nghiệp gia nhập thị trường việc làm phải đối mặt với triển vọng công việc bấp bênh. Chưa kể, dân số Trung Quốc đã giảm 2 năm liên tiếp. Tại một quốc gia mà phần đông người dân chỉ quen với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và điều kiện sống ngày càng đi lên, niềm tin đang trên đà suy giảm.
Năm 2006, Sherry Yang mở công ty chuyển về biển hiệu quảng cáo ở tỉnh Tứ Xuyên. Trong vòng vài năm, Yang nhận được nhiều đơn hàng đến nỗi 16 nhân viên và máy móc của công ty phải hoạt động suốt ngày đêm. Nhưng sau đại dịch, hoạt động kinh doanh không thể phục hồi hoàn toàn. Mùa hè năm nay, tình hình càng xấu thêm, với doanh thu của tháng 7 giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Yang cho biết có cảm giác như lĩnh vực kinh doanh nào cũng đang gặp khó và chẳng ai chi tiêu cả.
Yang phải giảm số nhân viên xuống còn 6, và vài người trong số này chỉ lướt điện thoại cả ngày vì không có đủ việc để làm. “Đây là năm khó khăn nhất kể từ khi công ty thành lập”, Yang nói với New York Times.
Tiêu dùng – lĩnh vực mà Chính phủ Trung Quốc đã xác định là một động lực tăng trưởng quan trọng – vẫn còn yếu trong toàn bộ nền kinh tế.
Alibaba, công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, cho biết doanh thu bán hàng trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến của công ty tại thị trường trong nước đã giảm 1% trong mùa xuân năm nay. Theo Maoyan – một công ty cung cấp dữ liệu giải trí – doanh thu phòng vé phim hè của Trung Quốc đã giảm gần một nửa so với năm ngoái. Bộ Nông nghiệp Mỹ hồi tháng 8 dự báo người tiêu dùng Trung Quốc sẽ giảm mua thịt lợn và chuyển sang mua thịt bò rẻ hơn do áp lực kinh tế.
Một số công ty nước ngoài từng đổ xô vào Trung Quốc để đón làn sóng tiêu dùng dâng cao hiện đang rút lui khỏi thị trường này. Tháng trước, nhà bán lẻ sản phẩm làm đẹp Sephora, một công ty con trong tập đoàn hàng xa xỉ LVMH của Pháp, ra thông báo rằng họ sẽ cắt giảm việc làm vì “thị trường đầy thách thức”. Hãng công nghệ Mỹ IBM sắp đóng cửa hai trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Trung Quốc.
MỐI LO NỢ NẦN
Nỗ lực ứng phó của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đều gặp trở ngại, vì họ không thể dựa vào giải pháp cơ bản đã từng phát huy hiệu quả trong quá khứ. Trong nhiều năm, chính quyền địa phương đã vay tiền để đầu tư vào các dự án phát triển hoành tráng, giúp người dân có việc làm và lĩnh vực xây dựng bùng nổ, ngay cả khi cơ sở hạ tầng lớn như vậy thực chất không phải là điều cần thiết.
Tổng số nợ từ các khoản vay như vậy đã lên tới hơn 7 nghìn tỷ USD. Với mối quan ngại của giới đầu tư về hệ thống tài chính của Trung Quốc, thời kỳ vay mượn tràn lan để xây dựng cơ sở hạ tầng phù phiếm đó khó sớm quay trở lại.
Chính phủ Trung Quốc đã phát đi tín hiệu cảnh báo bằng cách hạn chế quyền truy cập dữ liệu về thị trường và nền kinh tế. Năm ngoái, Trung Quốc dừng việc công bố số liệu thất nghiệp ở thanh niên sau khi con số này đạt mức cao kỷ lục. Nước này đã công bố dữ liệu này trở lại trong năm nay, nhưng sử dụng một phương pháp thống kê mới nhằm giảm con số.
Ngoài ra, để dập tắt những đồn đoán về một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn, giới chức Trung Quốc đã cảnh báo một số nhà kinh tế không nên so sánh công khai giữa các vấn đề của Trung Quốc với sự sụp đổ của bong bóng bất động sản do nợ của Nhật Bản vào những năm 1980 – một nguồn áp lực đè nặng lên nền kinh tế đất nước mặt trời mọc trong suốt nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, khối nợ của Trung Quốc là điều khó có thể phớt lờ.
Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc đã gây ra nhiều thiệt hại về tài sản thế chấp, nhưng nguy cơ vỡ nợ ở nước này được giảm thiểu nhờ hệ thống tài chính được kiểm soát chặt chẽ. Đáng lo hơn là việc Chính phủ nước này có thể có ít nguồn lực tài chính hơn để giữ cho tình hình không trở nên xấu hơn.
Bà Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis, nhận định: “Hậu quả của cuộc khủng hoảng tài khóa này là tăng trưởng kinh tế yếu hơn”.
Bất ổn kinh tế đã khiến người có tiền tiết kiệm ở Trung Quốc và các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô đi tìm những nơi an toàn để giữ tiền. Giá bất động sản tiếp tục lao dốc và chứng khoán Trung Quốc đang đuối so với hầu hết các thị trường lớn khác, bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ.
Các quỹ nước ngoài đã chuyển sang bán ròng cổ phiếu Trung Quốc trong năm nay, và đây sẽ là năm đầu tiên khối ngoại thoái vốn khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc kể từ khi bắt đầu có dữ liệu này cách đây 1 thập kỷ. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của khoảng 180 công ty Trung Quốc đã bị loại khỏi một chỉ số thị trường chứng khoán toàn cầu quan trọng, qua đó làm giảm sự hiện diện của các công ty Trung Quốc trong chỉ số này.
Cùng với đó, nhà đầu tư Trung Quốc đổ tiền vào vàng, góp phần đẩy giá vàng thế giới liên tiếp lập kỷ lục trong năm nay.
THẤT NGHIỆP Ở GIỚI TRẺ
Trung Quốc dự báo nền kinh tế nước này sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay, một tốc độ nhanh hơn hầu hết các nền kinh tế lớn khác, nhưng mục tiêu này đang bị nghi ngờ.
Xuất khẩu của Trung Quốc đang tăng kỷ lục – khiến thế giới tràn ngập xe điện, pin và thiết bị gia dụng do nước này sản xuất – đang là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, tình trạng dư cung cũng đang gây suy giảm khả năng sinh lời của các ngành sản xuất công nghệ cao mà Trung Quốc đặt hy vọng sẽ làm dịu bớt tác động của cuộc dịch chuyển không dễ dàng của mô hình kinh tế từ dựa vào bất động sản. Đồng thời, vấn đề dư thừa công suất của Trung Quốc cũng vấp phải phản ứng dữ dội từ ngày càng nhiều đối tác thương mại lớn của nước này.
Về phần mình, Trung Quốc tỏ ra xem nhẹ mối lo kinh tế. Trong một bài viết hồi tháng 4 trên truyền thông nhà nước, ông Jin Ruiting – Giám đốc Viện Kinh tế Quốc tế tại Học viện Nghiên cứu kinh tế vĩ mô Trung Quốc, cho rằng truyền thông và các chính trị gia phương Tây tiếp tục “làm ầm ĩ về những biến động kinh tế ngắn hạn của Trung Quốc” và “đơn phương phóng đại những vấn đề và thách thức của nền kinh tế Trung Quốc.”
Nhưng theo New York Times, những vấn đề cơ bản của kinh tế Trung Quốc vẫn còn đó.
Một số lượng lớn thanh niên Trung Quốc không có đủ công ăn việc làm. Tháng 7 năm nay, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong độ tuổi từ 16 đến 24 đã tăng lên mức trên 17%, từ 13% trong tháng 6.
Winnie Chen tốt nghiệp đại học vào mùa hè năm nay ở thành phố Nam Xương với tấm bằng kiểm toán. Cô đã tham gia kỳ thi công chức vào tháng 3 nhưng không đậu, một phần do phải chọi với hàng trăm ứng viên khác cho mỗi vị trí ứng tuyển.
Sau đó, Chen bắt đầu tìm việc làm tại các công ty tư nhân. Cô đã nhắn tin cho 1.229 công ty trên một ứng dụng tìm việc làm và nộp đơn xin việc đến 119 công việc trong lĩnh vực kế toán, thương mại điện tử, truyền thông xã hội và các ngành khác. Cô cho biết, sau hàng chục cuộc phỏng vấn, cô đã nhận được một số lời mời làm việc – nhưng tất cả đều đi kèm những điều kiện “vô lý”.
Một công việc trong số đó có mức lương tháng khởi điểm là 380 USD – một mức lương mà Chen cho là quá thấp để có thể sống được. Một công ty khác đề nghị cho cô một vị trí nhưng nói rằng cô sẽ phải làm việc vào các ngày lễ và không được nghỉ bù. Chen còn được mời làm một công việc khác về trang điểm, nhưng đã từ chối sau khi biết rằng cô thực chất sẽ phải làm việc trong một hộp đêm.
“Có vẻ như đang có quá nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng lại có quá ít việc làm”, Chen nói và cho biết nhiều bạn cùng lớp của cô đang thất nghiệp.
“Nền kinh tế đang ở trong một tình trạng tồi tệ”, Chen phát biểu.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/nguyen-nhan-khien-trung-quoc-kho-vuc-day-tang-truong-kinh-te.htm