Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Hải Dương vừa thông qua nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc; KCN Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ; và đồ án quy hoạch phân khu xây dựng KCN Tân Trường mở rộng, huyện Cẩm Giàng, tất cả đều có tỷ lệ 1/2000.
Cụ thể, nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng KCN Hoàng Diệu (huyện Gia Lộc) với tỷ lệ 1/2000 đã được HĐND tỉnh Hải Dương phê duyệt, có quy mô nghiên cứu quy hoạch khoảng hơn 258ha, trong đó diện tích lập quy hoạch là 250ha và quy mô lao động dự kiến là 11.500 người.
Cơ quan tổ chức lập quy hoạch là UBND huyện Gia Lộc. Khu vực nghiên cứu quy hoạch phân khu thuộc địa giới hành chính của thị trấn Gia Lộc và các xã Hoàng Diệu, Gia Khánh, Hồng Hưng (huyện Gia Lộc). Về ranh giới, phía Bắc giáp đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thuộc xã Gia Khánh và thị trấn Gia Lộc; phía Nam giáp đất nông nghiệp và khu dân cư các thôn Phong Lâm, Văn Lâm, Trúc Lâm (xã Hoàng Diệu); phía Đông giáp đường huyện 191D, đất nông nghiệp xã Gia Khánh và xã Hoàng Diệu cùng khu dân cư thôn Đại Lương (xã Hoàng Diệu); phía Tây giáp quốc lộ 37 và KCN Gia Lộc.
Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng KCN Hưng Đạo (huyện Tứ Kỳ) cũng có tỷ lệ 1/2000, do UBND huyện Tứ Kỳ tổ chức lập quy hoạch. Khu vực nghiên cứu quy hoạch thuộc địa giới hành chính của 4 xã Hưng Đạo, Ngọc Kỳ, Tái Sơn, Tân Kỳ (huyện Tứ Kỳ) với diện tích nghiên cứu hơn 212ha, trong đó diện tích lập quy hoạch là khoảng 200 ha và quy mô lao động dự kiến khoảng 10.000 người.
Ranh giới quy hoạch: phía Bắc giáp đất nông nghiệp và tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cùng đường gom của cao tốc thuộc 3 xã Ngọc Kỳ, Hưng Đạo, Tái Sơn; phía Nam giáp đất nông nghiệp và khu dân cư Tân Lập của xã Tân Kỳ; phía Đông giáp đất nông nghiệp và khu dân cư các thôn Trung Sơn, Thượng Sơn, Thiết Tái (xã Tái Sơn); phía Tây giáp đất nông nghiệp và khu dân cư các thôn Tứ Kỳ Thượng, Đại Đình, Kim Đồi, Ngọc Lý (xã Ngọc Kỳ).
Mục tiêu lập quy hoạch của hai KCN này nhằm cụ thể hóa quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, và điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Gia Lộc và huyện Tứ Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt. Việc thông qua nhiệm vụ quy hoạch này sẽ tạo cơ sở để lập và quản lý các dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch, khai thác và sử dụng quỹ đất hợp lý, đồng thời hình thành các KCN có hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với khu vực xung quanh.
Cả hai KCN này đều nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp dịch vụ. Các KCN sẽ có hệ thống công trình dịch vụ, công trình xã hội công cộng tiện ích, cùng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo kiến trúc cảnh quan và môi trường khu vực. Đồng thời, cả hai khu cũng có tính chất là KCN tổng hợp đa ngành, thu hút các dự án sản xuất công nghiệp có giá trị gia tăng cao, xây dựng và kinh doanh kho bãi, nhà xưởng cho thuê, văn phòng, bãi đỗ xe, vận tải, logistics, trung tâm dữ liệu và các dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động của KCN.
>> Toàn cảnh đại dự án cầu vượt cửa biển lớn nhất miền Trung
HĐND tỉnh Hải Dương cũng đã thông qua đồ án quy hoạch KCN Tân Trường mở rộng (huyện Cẩm Giàng) với tỷ lệ 1/2000, quy mô nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch hơn 115ha, trong đó diện tích đất xây dựng KCN là hơn 112,6ha, và diện tích nghiên cứu quy hoạch khớp nối hạ tầng là hơn 2,7ha. Khu đất nghiên cứu quy hoạch thuộc địa bàn xã Tân Trường và xã Đình Sơn (huyện Cẩm Giàng), với ranh giới: phía Đông giáp đất nông nghiệp, phía Tây giáp đất nông nghiệp, đất dân cư và đất sản xuất hiện hữu, phía Bắc giáp tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, và phía Nam giáp Quốc lộ 5.
KCN Tân Trường có tính chất là KCN đa ngành với công nghệ hiện đại, tiên tiến, và thân thiện môi trường, bao gồm các lĩnh vực sản xuất như thiết bị điện, điện tử, điện lạnh, sản phẩm công nghệ kỹ thuật cao phục vụ các ngành điện tử, công nghệ thông tin, chế tạo cơ khí máy móc, và hàng tiêu dùng. Theo quy hoạch, KCN Tân Trường được chia thành 5 khu chức năng chính: khu dịch vụ điều hành, khu vực nhà máy kho tàng, khu dịch vụ tiện ích công cộng, khu hạ tầng kỹ thuật và bãi đỗ xe, và khu đất cây xanh, mặt nước.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, 8 tháng năm 2024, tỉnh đã thu hút được gần 320 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bằng 93% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thực hiện cấp mới cho 46 dự án với tổng vốn đăng ký 202,5 triệu USD, gồm 10 dự án ngoài khu công nghiệp và 36 dự án trong khu công nghiệp.
Tính đến hết tháng 8/2024, Hải Dương có 577 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 10,6 tỷ USD đến từ 27 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hải Dương phấn đấu năm 2024 thu hút 500 triệu USD vốn FDI, vốn đầu tư thực hiện là 850 triệu USD.
Các dự án FDI mới chủ yếu ở các khu công nghiệp mới như Đại An mở rộng, Phúc Điền mở rộng, An Phát 1 với hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, chế biến, chế tạo, văn phòng phẩm…
>> Miền Bắc Việt Nam sắp đón thêm một thành phố trực thuộc Trung ương
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/tinh-mien-bac-la-ngoi-sao-moi-ve-thu-hut-fdi-sap-don-them-3-khu-cong-nghiep-lon-156312.html