Tại hội nghị “Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền Thành phố” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM tổ chức vào ngày 30/6 vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã nêu lên những bất cập khó khăn liên quan đến tiếp cận vốn vay, nhất là với những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Không chỉ gặp khó khi tiếp cận vốn với lãi suất cho vay giảm nhỏ giọt, vấn đề “nóng” được nhiều doanh nghiệp phản ánh là thực trạng “ép” mua bảo hiểm khi vay vốn.
SẼ MẠNH TAY XỬ LÝ NGÂN HÀNG ÉP DOANH NGHIỆP MUA BẢO HIỂM
Một doanh nghiệp giấu tên nêu rằng dù ngân hàng không bắt buộc doanh nghiệp mua bảo hiểm nhân tho khi vay vốn, nhưng lại đưa ra 2 lựa chọn: gói vay không có bảo hiểm thì lãi suất cao, giải ngân chậm, trong khi gói vay có bảo hiểm có lãi suất tốt hơn. Điều này sẽ gây khó khăn, tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp, nhất là các SME và siêu nhỏ dù khoản tiền mua bảo hiểm với họ không quá lớn.
“Doanh nghiệp hiện không có lựa chọn nào khác là phải mua bảo hiểm. Do hồ sơ tín dụng, hồ sơ vay vốn đã gửi vào ngân hàng, tài sản thế chấp cũng đã ở ngân hàng, rất khó để chuyển từ ngân hàng sang ngân hàng khác”, doanh nghiệp này bộc bạch.
Người dân và các cơ quan, doanh nghiệp có thể phản ánh các vấn đề liên quan cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng (trong giờ hành chính) qua số điện thoại đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước: (024) 388266344, (024) 3936.1017 và email duongdaynong.cqttgsnh@sbv.gov.vn
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết đứng về góc độ rủi ro trong hoạt động tín dụng, khi khách hàng mua bảo hiểm, mức độ rủi ro tín dụng sẽ thấp hơn so với trường hợp không mua bảo hiểm. Do đó, việc ngân hàng áp dụng lãi suất đối với gói vay có bảo hiểm thì lãi suất thấp hơn so với gói vay không có bảo hiểm cũng là phù hợp với việc định giá rủi ro của khoản vay trong hoạt động cho vay đối với khách hàng.
“Riêng đối với bảo hiểm nhân thọ mà tổ chức tín dụng liên kết với công ty bảo hiểm, nếu “ép” khách hàng vay vốn là không được, quy định đã có và thậm chí có đường dây nóng phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng. Nếu bị “ép” mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp hãy phản ánh tới Ngân hàng Nhà nước, thông báo cụ thể tên nhân viên, phòng giao dịch hay chi nhánh ngân hàng nào. Khi có thông tin cụ thể, chúng tôi sẽ mạnh tay xử lý”, ông Lệnh nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm; rà soát, chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm trên toàn hệ thống, không để xảy ra trường hợp cán bộ, đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
KIẾN NGHỊ CÓ CƠ CHẾ CHO VAY TÍN CHẤP
Bên cạnh vấn đề bảo hiểm, nhiều doanh nghiệp cũng nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận vốn vay và mong muốn có cơ chế cho vay tín chấp.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, đại diện Công ty cổ phần Lữ hành Vietluxtour, cho biết: “Hiện nay, các công ty lữ hành là những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Tuy nhiên, để vay vốn mở rộng kinh doanh thì ngân hàng luôn yêu cầu có tài sản thế chấp. Chúng tôi mong muốn ngân hàng có cơ chế cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp lữ hành hoạt động kinh doanh uy tín và có lãi. Để hạn chế rủi ro cho ngân hàng khi cho vay tín chấp, doanh nghiệp sẵn sàng điều chuyển dòng tiền về cho ngân hàng”.
Tương tự, ông Lương Ngọc Trung, Giám đốc Công ty công nghệ Giải pháp công nghệ Con Voi, cũng cho rằng tất cả các ngân hàng đều yêu cầu phải có tài sản thế chấp, nhưng mọi tài sản thế chấp của công ty đều đã nằm trong ngân hàng. “Trong hoàn cảnh hiện tại, chúng tôi chỉ có thể chịu được mức lãi suất 10%-12%/năm nhưng đó là lãi suất cho vay thế chấp. Nếu vay tín chấp thì e rằng không gánh nổi chi phí lãi vay”, ông Trung nói.
Về vấn đền này, ông Nguyễn Đức Lệnh, cho biết hiện Ngân hàng Nhà nước giao tính chủ động về quy chế cho vay tín chấp hoặc thế chấp cho các ngân hàng thương mại tự quyết định. Thực tế, điều kiện cho vay tín chấp khó khăn hơn rất nhiều so với điều kiện cho vay thế chấp. Bởi lẽ, khi cho vay tín chấp tức, ngân hàng phải có niềm tin tuyệt đối với doanh nghiệp. Ngân hàng phải xác định được đó là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, xếp hạng tín dụng tốt, báo cáo tài chính minh bạch.
Theo ông Lệnh, nhiều doanh nghiệp phản ánh đều mong muốn được vay tín chấp mà không có gì cả (không có tài sản thế chấp, không có báo cáo hoạt động kinh doanh). Để được vay tín chấp, doanh nghiệp cũng cần nâng cao trình độ quản lý, công khai, minh bạch sổ sách kế toán. Dựa trên cơ sở đó, Ngân hàng Thương mại mới có thể thẩm định, đánh giá xem doanh nghiệp hoạt động hiệu quả ra sao, kết quả kinh doanh thế nào để kiểm soát dòng tiền và quyết định cho vay.
Nhiều doanh nghiệp cũng kêu khó tiếp cận gói lãi suất ưu đãi 2%/năm. Theo ông Lệnh, thực tế gói tín dụng này giải ngân chậm do chính bản thân doanh nghiệp e ngại khâu thanh tra, kiểm tra nên đã chủ động từ chối tham gia gói vay.
Được biết, sau 4 đợt cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường đã giảm rất mạnh, từ đó tạo dư địa cho các ngân hàng thương mại tiếp tục hạ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp.