Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã đề nghị như vậy với hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng tại buổi làm việc với lãnh đạo hai địa phương này và nhà đầu tư về tình hình thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 3 dự án cao tốc Nha Trang – Đà Lạt, Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương, chiều ngày 04/9 vừa qua.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng cho rằng các dự án cao tốc kết nối nội vùng, liên vùng nói trên có vai trò hết sức quan trọng nhằm khai thác tiềm năng của Lâm Đồng, các tỉnh Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, các trung tâm kinh tế, cảng biển khu vực duyên hải Miền Trung, đáp ứng nhu cầu vận tải nhằm tạo dư địa, không gian phát triển mới.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, dự án cao tốc Nha Trang – Đà Lạt nối tỉnh duyên hải Khánh Hòa với tỉnh Tây Nguyên là Lâm Đồng có tổng chiều dài khoảng 80,8 km; trong đó, đoạn qua tỉnh Khánh Hòa dài khoảng 44 km, đoạn qua tỉnh Lâm Đồng là 36,8 km. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư có quy mô 4 làn xe ô tô, tốc độ thiết kế 80 – 100 km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 25.058 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2024 – 2028. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Nha Trang đến Đà Lạt còn 1,5 – 2 giờ đồng hồ so với hiện tại là 3,5 – 4 giờ qua quốc lộ 27C mà dự kiến sẽ mãn tải vào trước năm 2030.
Phương thức đầu tư là đối tác công tư (PPP). Cơ cấu nguồn vốn dự kiến như sau: Khánh Hòa hỗ trợ 70% và tỉnh đang trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư; còn lại nhà đầu tư sẽ huy động 30% nguồn vốn, triển khai xây dựng. Nhà đầu tư đề xuất dự án là Tập đoàn Sơn Hải. Ngoài ra, nhà đầu tư dự án cũng kiến nghị trung ương cho dự án được hưởng cơ chế đặc thù để triển khai tiếp các thủ tục, vì suất đầu tư cao do địa hình dự kiến rất phức tạp, hiểm trở, độ chênh rất lớn giữa điểm đầu – điểm cuối là hơn 1.500 m và thời gian thu hồi vốn đến trên 27 năm.
Về phía Lâm Đồng, báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Hồng Thái cho biết về công tác chuẩn bị hai dự án cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương cũng được thực hiện theo phương thức PPP. Cụ thể, dự án cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc có chiều dài 66 km, riêng đoạn qua tỉnh Lâm Đồng dài 55 km; ở giai đoạn hoàn chỉnh, dự án có quy mô 4 làn xe ô tô, tốc độ thiết kế 80 km/h; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 17.200 tỷ đồng.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết đến nay, hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng đã hoàn thiện khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án; cũng như bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hai địa phương cũng sơ bộ thống kê, tính toán khối lượng, phạm vi, diện tích bồi thường, giải phóng mặt bằng, dự kiến quỹ đất tái định canh, định cư; chuẩn bị công tác đầu tư xây dựng dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư; quy hoạch, bổ sung 7 mỏ vật liệu phục vụ thi công cao tốc; chuẩn bị công tác trồng rừng thay thế…
Đối với dự án cao tốc đoạn Bảo Lộc – Liên Khương (chiều dài 73,64 km, 4 làn xe ô tô, tốc độ thiết kế 100 km/h, tổng mức đầu tư khoảng 19.521 tỷ đồng), ông Thái cho biết đã thực hiện các thủ tục giao nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án lập báo cáo nghiên cứu khả thi; đang hoàn thiện hồ sơ đánh giá tác động môi trường; thông qua chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; thống kê, tính toán khối lượng, phạm vi, diện tích bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật; quy hoạch, bổ sung 11 mỏ vật liệu phục vụ thi công cao tốc…
Đánh giá ý nghĩa và tầm mức của cao tốc Nha Trang – Đà Lạt, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng dự án hết sức quan trọng, kết nối miền Trung với Tây Nguyên, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông đề nghị trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, nhà đầu tư đề xuất đầu tư cùng hai địa phương nói trên và Bộ Giao thông vận tải cần đồng hành, phối hợp để xây dựng các phương án kỹ thuật, giải pháp khoa học và công nghệ tối ưu nhất để dự án đạt hiệu quả đầu tư tốt nhất.
Đối với hai dự án Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị tỉnh Lâm Đồng khẩn trương làm rõ một số thay đổi trong báo cáo nghiên cứu khả thi (như điều chỉnh cục bộ đoạn tuyến, nhu cầu sử dụng đất, diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng…) nhằm sớm triển khai dự án theo chủ trương đầu tư dự án đã được phê duyệt. Đồng thời tỉnh cần phối hợp với các nhà đầu tư rà soát, báo cáo cụ thể những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc chứng minh năng lực tài chính để được hỗ trợ tín dụng.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/du-an-cao-toc-nha-trang-da-lat-can-tinh-toan-ky-nguon-von-va-hieu-qua-dau-tu.htm