Nhiều cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập quá tải nhưng không chuyển trẻ đi nơi khác mà giữ lại nhằm thu hút nguồn tài trợ từ cộng đồng, theo Cục trưởng Trẻ em.
Ngày 5/9, một ngày sau vụ việc bạo hành trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng (đường Tô Ký, quận 12, TP HCM) được báo chí phản ánh, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết luật quy định ưu tiên nuôi dưỡng trẻ trong môi trường gia đình hoặc chăm sóc thay thế, đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội và chăm sóc tập trung là biện pháp cuối cùng. Tuy nhiên quy định này không được thực hiện nghiêm dẫn tới tình trạng cơ sở quá tải nhưng không báo cáo để chuyển trẻ đi nơi khác mà giữ lại để dễ vận động các nguồn lực xã hội.
“Nguyên nhân là cơ sở ngoài công lập chăm sóc không thu phí nên được phép vận động các nguồn lực đóng góp từ xã hội, người dân, gồm tiền bạc, hàng hóa, vật chất để nuôi dưỡng trẻ”, ông nói.
Dẫn chứng về trường hợp Mái ấm Hoa Hồng, Cục trưởng Cục Trẻ em nói theo quy định, nơi này chỉ được nuôi dưỡng tối đa 39 trẻ nhưng thực tế lại nuôi đến 86 trẻ, thậm chí có lúc lên tới gần 100 em. Tình trạng quá tải nghiêm trọng này đã dẫn đến việc bạo hành trẻ em, mặc dù cơ sở đã từng được kiểm tra. Để đảm bảo an toàn cho các bé, ngay trong ngày hôm qua, tất cả đã được chuyển đến các cơ sở chăm sóc xã hội khác.
Ông Đặng Hoa Nam đã chỉ ra lỗ hổng nghiêm trọng trong hệ thống giám sát các cơ sở trợ giúp xã hội, đặc biệt là các cơ sở ngoài công lập là thiếu vắng các công cụ giám sát hiện đại như camera an ninh. Điều này tạo điều kiện cho các hành vi bạo hành, và “trình diễn” hình ảnh tốt đẹp trước mặt nhà tài trợ.
Lỗ hổng khác theo ông Nam là sự thiếu hụt nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp tại các cơ sở; cơ quan quản lý cũng gặp áp lực lớn khi không đủ người giám sát thường xuyên tại hàng trăm cơ sở trợ giúp xã hội. Vì vậy, Cục Trẻ em sẽ nghiên cứu đề xuất đưa những nội dung này vào luật.
Trước hết, để giải quyết tình trạng quá tải tại các cơ sở trợ giúp xã hội, ông Nam đề xuất thiết lập cơ chế chuyển tuyến bắt buộc. Theo đó, khi một cơ sở vượt quá năng lực tiếp nhận, địa phương phải có trách nhiệm chuyển trẻ đến các cơ sở khác. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm Công tác xã hội cấp tỉnh sẽ là đầu mối để điều phối công việc này.
Mái ấm Hoa Hồng (TP HCM) được Phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận 12 cấp phép hoạt động ngày 7/7/2023, do bà Giáp Thị Sông Hương đại diện pháp luật. Trụ sở nơi này từng là khách sạn chuyển đổi, được truyền thông là “nơi cưu mang các thai phụ, người già có hoàn cảnh khó khăn; sinh viên học sinh mang thai ngoài ý muốn…”. Song theo điều tra của báo Thanh Niên, bảo mẫu tại cơ sở này chăm sóc hàng chục trẻ sơ sinh, trẻ dưới 3 tuổi và thường xuyên sử dụng bạo lực với các em.
Ngày 4/9, Công an quận 12 đã cùng cơ quan chức năng mở cuộc điều tra về hoạt động của mái ấm, bước đầu xác định có việc trẻ bị bạo hành, hành vi xảy ra nhiều lần do các nhân viên tại đây thực hiện. Chiều nay, bão mẫu Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, 46 tuổi, bị tạm giữ hình sự về tội Hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật Hình sự. UBND quận 12 đã đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép mái ấm này.
Trong cuộc họp chiều qua, ông Nguyễn Tăng Minh, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM, nói vụ bạo hành “rất nghiêm trọng, đáng tiếc, tiêu cực, có sự buông lỏng quản lý từ địa phương”. Những tổ chức, cá nhân liên quan “chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm minh, không bao che”.
Hoàng Phương
Nguồn tin: https://vnexpress.net/co-co-so-qua-tai-van-co-giu-tre-em-de-hut-tai-tro-4789460.html