Trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu ngày càng gia tăng, các nhà khoa học đang khẩn trương tìm kiếm các giải pháp bền vững giúp giảm lượng khí thải nhà kính trên quy mô toàn cầu. Họ đã thúc đẩy các giải pháp xanh như giảm đốt nhiên liệu hóa thạch, tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo và tìm ra các quy trình sản xuất mới để làm mọi thứ trở nên thân thiện hơn với môi trường.
Những cuộc chuyển dịch trên mọi quy mô đang diễn ra, từ ống hút nhựa sang ống hút bằng cỏ, từ nhiệt điện sang điện mặt trời và từ xe chạy xăng sang xe nạp điện. Tuy nhiên, có một lĩnh vực đóng góp không nhỏ vào vấn đề khí hậu, nhưng lại chưa hề có sự chuyển dịch rõ rệt. Đó là ngành chăn nuôi.
Có một thực tế không thể chối cãi, ngành chăn nuôi chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng Trái Đất nóng lên.
Theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), hoạt động chăn nuôi gia súc lấy thịt đang phát thải ra khoảng 14,5% tổng lượng khí nhà kính trên quy mô toàn cầu. Trong đó, chỉ riêng chăn nuôi bò đã đóng góp 41% khí metan mỗi năm, tương đương với khoảng 7,1 gigaton CO2.
Hơn nữa, việc chăn nuôi gia súc đòi hỏi một lượng lớn tài nguyên nước và đất. Ước tính, để sản xuất 1 kg thịt bò, một trang trại trung bình cần tiêu tốn 15.000 lít nước, bao gồm nước uống cho bò, nước dùng để trồng cỏ và thau rửa chuồng trại.
Con số là khoảng 6.000 lít nước cho mỗi 1 kg thịt lợn và 4.300 lít cho mỗi kg thịt gà mà bạn thấy trong siêu thị. Về đất đai, để sản xuất 1 kg thịt bò, chúng ta cần tiêu tốn khoảng 25 mét vuông đất, so với khoảng 8-10 mét vuông đất cho thịt lợn và 7 mét vuông đất cho thịt gà.
Những con số này không chỉ khiến các nhà khoa học lo ngại mà còn thúc đẩy họ tìm kiếm những giải pháp thay thế nhằm giảm thiểu tác động của ngành chăn nuôi đối với môi trường.
Và trong hành trình đi tìm một loại thịt thân thiện và bền vững hơn với thiên nhiên đó, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đến từ Đại học Macquarie và Đại học Adelaide (Australia), Đại học Oxford (Anh Quốc) và Đại học Adelaide Witwatersrand (Nam Phi) đã tới Việt Nam.
Tại đây, họ nghĩ rằng mình đã tìm ra câu trả lời cho một loại thịt có thể giúp loài người hạn chế phát thải khí nhà kính, giảm diện tích đất cần thiết cho nông nghiệp, từ đó nhường chỗ cho những cánh rừng xanh mát giúp làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.
Một nguồn protein “xanh”
Loại thịt mà nhóm nghiên cứu quốc tế đã tìm thấy là thịt rắn và thịt trăn. Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Reports, các nhà khoa học cho biết mình đã dành hơn 1 năm tại Việt Nam để nghiên cứu quá trình sinh trưởng của hàng ngàn con rắn và trăn gấm thuộc giống Malayopython reticulatus.
Chúng được nuôi trong các trang trại thương mại ở Thành phố Hồ Chí Minh và An Giang để lấy da, phục vụ cho ngành da giày và thời trang cao cấp. Nhưng rắn và trăn cũng có thể được bán để lấy thịt. Và đó là một loại thịt rất chất lượng.
Nổi bật trong số các loài bò sát ở Việt Nam là trăn gấm. Chúng có thể dài tới 6 mét, đóng gói toàn bộ trong đó là khoảng 150 kg thịt trắng, loại thịt tốt cho sức khỏe hơn so với thịt đỏ đến từ gia súc. Lượng thịt này được chúng chuyển đổi rất hiệu quả từ các nguồn thức ăn hạn chế.
Các nhà khoa học cho biết trăn được nuôi ở Việt Nam thường chỉ ăn chuột, các phụ phẩm từ thịt lợn, gà, cá viên nhưng chúng lớn rất nhanh ngay từ năm đầu tiên. So với lợn, bò, gà và cả cá hồi, trăn cần ít thức ăn hơn để tạo ra mỗi 1 kg thịt, thuật ngữ khoa học gọi là tỷ lệ chuyển đổi thức ăn.
Mỗi ngày, một con trăn ở Việt Nam có thể tăng tới nửa cân thịt. Đó là nhờ vào tỷ lệ chuyển đổi thức ăn thấp của loài trăn. Chúng chỉ cần ăn 1,2 kg protein khô để tạo ra 1 kg thịt. Trong khi đó, con số là 1,5 lần nếu nói đến chuyện nuôi cá hồi. Gấp 2,1 lần khi nuôi dế, 2,8 lần khi nuôi gia cầm, 6 lần khi nuôn lợn và 10 lần khi nuôi bò.
Tỷ lệ chuyển đổi thức ăn càng thấp thì càng tốt. Ví dụ, cùng một lượng thức ăn để tạo ra 1 cân thịt bò thì bạn có thể tạo ra 8 cân thịt trăn.
“Tỷ lệ chuyển đổi thức ăn và protein của trăn vượt trội hơn tất cả các loài có trong nền nông nghiệp chính thống của loài người cho đến nay”, tiến sĩ Daniel Natusch, tác giả chính của nghiên cứu đến từ Đại học Macquarie nhấn mạnh. “Trăn phát triển rất nhanh chóng, và chúng sẽ đạt đến ‘trọng lượng giết mổ’ ngay trong năm đầu tiên, sau khi nở ra từ trứng”.
Xét về khía cạnh môi trường, trăn cũng có lợi thế. Bởi trên cùng một tỷ lệ cân nặng, các loài bò sát như rắn và trăn đều tạo ra ít khí nhà kính hơn so với động vật có vú. Đó là bởi chúng có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn, có khả năng tiêu hóa cả xương trong thức ăn và hầu như không bài tiết nước thải. Bò sát thải ra ít phân hơn mọi động vật có vú như lợn, trâu và bò.
Khả năng tiêu thụ nước thì còn ấn tượng hơn nữa. “Trăn cần rất ít nước và thậm chí có thể sống nhờ sương đọng trên vảy của chúng vào sáng sớm. Mỗi buổi sáng, một con trăn chỉ cần liếm vảy của mình và thế là đủ nước cho cả ngày“, tiến sĩ Natusch nói.
Điều này rất có lợi cho hoạt động chăn nuôi trăn ở các khu vực thường xuyên bị khô hạn trên thế giới vì tác động của biến đổi khí hậu. Những con trăn có thể sống tới một tháng mà không cần cho uống một giọt nước nào.
Ngoài ra, trăn cũng có thể nhịn ăn trong thời gian dài mà không bị giảm cân quá nhiều. Một con trăn ở Việt Nam có thể bị bỏ đói trong 127 ngày, nhưng chỉ mất vài % trọng lượng cơ thể. Tiến sĩ Natusch cho biết: “Về mặt lý thuyết, bạn có thể ngừng cho nó ăn trong vòng một năm”.
Những người nuôi trăn hoàn toàn có thể ngừng cho chúng ăn nếu điều kiện không cho phép. Tiến sĩ Natusch lấy ví dụ trong đại dịch COVID-19, những người nông dân đã không thể bán lợn vì sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Bởi việc tiếp tục cho lợn ăn là quá tốn kém, họ đã phải tiêu hủy lợn và biến thịt lợn thành phân bón.
“Vào thời điểm đó, tôi chỉ ước rằng giá mà những người nông dân ấy nuôi trăn“, anh nói.
Nhân rộng mô hình nuôi trăn ở Việt Nam ra toàn cầu?
Bất chấp những lợi thế của loài trăn, thịt của những con vật này chỉ đang được ưa chuộng tại một số nước châu Á như Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Ở Thái Lan, người dân thường nuôi loài trăn Miến Điện (Python bivittatus). Trong khi đó ở Trung Quốc, trăn cũng được nuôi để làm thuốc, làm thức ăn và cung cấp da cho ngành thời trang cao cấp.
Ước tính ở Việt Nam và Trung Quốc đang có hơn 4.000 trang trại nuôi rắn và trăn, cho sản lượng hàng triệu con mỗi năm. Liệu quy mô trang trại đó có thể được nhân rộng ra toàn cầu hay không?
Tiến sĩ Natusch cho biết có những lợi thế ủng hộ tương lai đó, nhưng cũng có những rào cản cần phải vượt qua.
Nói về lợi thế, ngành chăn nuôi trăn yêu cầu vốn đầu tư rất thấp, nghĩa là rào cản để gia nhập nó thấp hơn nhiều so với các ngành chăn nuôi truyền thống khác. Không cần lai tạo giống phức tạp, không cần hệ thống chuồng trại rộng lớn, những người nuôi trăn ở Việt Nam hiện có thể tận dụng ngay sân nhà hoặc nhà kho của mình để cải tạo thành một trang trại trăn cỡ nhỏ.
Mỗi con trăn chỉ cần một chiếc lồng rộng khoảng 2 mét vuông cho những nhu cầu sống cơ bản. Chúng có bản chất ít vận động và có thể chung sống vui vẻ với những con trăn khác. “Trăn cũng thể hiện ít vấn đề phức tạp về phúc lợi động vật thường thấy ở các loài chim và động vật có vú bị nhốt trong lồng”, các nhà nghiên cứu cho biết.
Mặc dù một số nhà bảo tồn bày tỏ lo ngại rằng việc nuôi rắn và trăn thương mại có thể dẫn đến việc săn bắt trái phép các quần thể hoang dã, tiến sĩ Natusch lập luận rằng điều ngược lại đã xảy ra. Ngành nuôi trăn tạo ra động lực tài chính cho cộng đồng địa phương phát triển, để bảo tồn các quần thể rắn hoang dã và môi trường sống mà chúng phụ thuộc.
Trong nghiên cứu của mình tại Việt Nam, tiến sĩ Natusch phát hiện một số trang trại còn thuê người dân địa phương, thường là những người đã nghỉ hưu, nuôi trăn non trong vòng 1 năm. Họ sẽ nhận trăn về nhà, tự bắt chuột cho chúng ăn, rồi bán lại cho trang trại lớn. Người dân địa phương không cần thiết phải đi bắt trăn hoặc rắn ngoài tự nhiên để có thêm thu nhập.
Với những lợi thế đó, các nhà khoa học nghĩ rằng nghề nuôi trăn ở Việt Nam hoàn toàn có thể được đưa sang các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia châu Phi, nơi đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực, vì thảm họa khí hậu gia tăng và kỹ thuật canh tác lạc hậu.
Hãy tưởng tượng những người nông dân ở châu Phi vừa bắt chuột trong ruộng ngô của họ vừa cho trăn ăn để có được một nguồn protein chất lượng cao và bền vững hơn cho môi trường sống.
Thế nhưng, việc nhân rộng mô hình nuôi trăn cũng gặp phải không ít rào cản. Đầu tiên chính là rào cản văn hóa. Ở các nước Á Đông, rắn và trăn từ lâu đã được coi là một vị thuốc quý, nên việc sử dụng chúng làm thức ăn thậm chí còn được ủng hộ.
Nói về các món ăn được chế biến từ thịt trăn và rắn, tiến sĩ Natusch cho biết anh đã thử một loạt các món từ súp trăn, rắn xào, rắn nướng, cà ri trăn và ruốc. “Về cơ bản thịt của chúng có vị như thịt gà, nhưng lẫn thêm một chút vị của thịt thú rừng”, anh nói.
Vì rắn không có chân, thịt của chúng có thể được lọc và chế biến rất triệt để. Có rất ít thứ bị bỏ phí trong quá trình giết mổ. Đặc biệt, chúng rất dễ phi lê. “Bạn chỉ cần đưa một con dao dọc theo sống lưng của chúng và bạn sẽ có hẳn một miếng thịt dài tới 4 mét”, tiến sĩ Natusch nói.
“Thịt bò sát cũng giống như thịt gà: giàu protein, ít chất béo bão hòa và có sức hấp dẫn về mặt thẩm mỹ và ẩm thực rộng rãi”, các nhà khoa học viết trong bài báo. Mặc dù vậy, chúng vẫn chưa được thị trường các nước Phương Tây chấp nhận.
Ngay tại quê hương mình, tiến sĩ Natusch cho biết người Australia thường có câu: “Con rắn tốt duy nhất là một con rắn chết. Người dân đất nước chúng tôi khá sợ chúng”.
Mặc dù trăn không có nọc độc và thường di chuyển chậm hơn rắn, nhưng chúng có răng lớn và có thể cắn người nếu bị khiêu khích. Đã có nhiều vụ việc trăn hoang dã xâm nhập nơi ở của con người và ăn thịt thú cưng, chó mèo.
“Tôi nghĩ sẽ còn rất lâu nữa bạn mới thấy bánh mì kẹp thịt trăn được phục vụ tại nhà hàng địa phương yêu thích của mình ở Australia“, tiến sĩ Natusch nói.
Tuy nhiên, bằng các nghiên cứu mới của mình, tiến sĩ Natusch đang muốn thay đổi nhận thức của người dân các nước Phương Tây về thịt trăn.
“Nghiên cứu của chúng tôi xác nhận các nghiên cứu trước đó rằng việc nhân giống và nuôi trăn trong các cơ sở sản xuất nuôi nhốt để phục vụ mục đích thương mại là khả thi về mặt sinh học và kinh tế”, anh viết trong bài báo trên tạp chí Science Reports.
Và trong trong một thế giới đang phải đối mặt với vô số vấn đề gây ra bởi biến đổi khí hậu, thịt trăn nói riêng và các loài bò sát gồm rắn nói chung có thể trở thành một phần giải pháp đơn giản cho tất cả.
Trăn và rắn cung cấp một nguồn protein xanh hơn cho loài người, tiễu trừ các loài sinh vật gặm nhấm gây hại mùa màng, giải quyết nạn đói ở nhiều quốc gia và giảm lượng phát thải từ hoạt động chăn nuôi gia cầm, gia súc.
Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên phổ cập những món ăn chế biến từ thịt rắn và thịt trăn vào thực đơn của loài người.
Nguồn: Tham khảo Nature, Popsci, Newscientist
Nguồn tin: https://genk.vn/nguoi-viet-dang-an-mot-loai-thit-ma-cac-nha-khoa-hoc-nghi-ca-the-gioi-nen-hoc-hoi-20240905124225137.chn