Đầu tiên, nhằm giải bài toán về vấn đề hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ tại Khu kinh tế Nghi Sơn, từng bước xây dựng, phát triển nơi đây trở thành một trong những trung tâm công nghiệp – đô thị và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước, Thanh Hóa đã phê duyệt đề án giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn.
THÀNH LẬP BAN CHỈ ĐẠO
Để thực hiện có hiệu quả đề án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng đã có Quyết định số 1887 về việc thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ 1887) thực hiện đề án, với quyết tâm tạo “quỹ đất sạch” mời gọi nhà đầu tư. Ban chỉ đạo 1887 có 23 thành viên, do Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng làm trưởng ban. Đây được xem là “cú hích” mang tính đột phá chiến lược về hạ tầng, nhằm cải thiện vị thế thu hút đầu tư của Thanh Hóa.
Đề án sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng các Khu công nghiệp số 6, số 20 và số 21 nằm trong Khu kinh tế Nghi Sơn với số tiền đầu tư khoảng 11.300 tỷ đồng.
Tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng là hơn 1.500 ha. Trong đó, Khu công nghiệp số 21 sẽ cần 1.121 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng cho 395 ha đất; Khu công nghiệp số 6, cần khoảng 7.254 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng 549 ha và Khu công nghiệp số 20 cần khoảng 2.997 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng 604 ha đất.
Như vậy, theo lộ trình, từ 2023 – 2024, tập trung giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng 3 khu tái định cư, đồng thời giải phóng mặt bằng 604 ha đất tại khu công nghiệp này; từ năm 2023 – 2025, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng 4 khu tái định cư; từ năm 2025 – 2027, thực hiện giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp số 21, diện tích 395 ha và Khu công nghiệp số 6, diện tích 549ha.
Để thực hiện hiệu quả đề án, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo 1887, trên cương vị chức năng nhiệm vụ công tác của mình cần chủ động thực hiện tốt các phần việc được giao, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các thành viên khác để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu nhiệm vụ mà Ban chỉ đạo 1887 đã đề ra.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh, để triển khai các dự án đầu tư, trước hết phải thực hiện giải phóng mặt bằng; để giải phóng mặt bằng thuận lợi thì phải chẩn bị tốt nơi tái định cư cho các hộ bị thu hồi đất ở. Đây là công việc liên quan trực tiếp đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, của địa phương và đời sống người dân trong vùng ảnh hưởng. Do vậy, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị cần nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ công tác này.
NHỮNG CÁCH LÀM HIỆU QUẢ
Đối các địa phương, để công tác giải phóng mặt bằng đạt hiệu quả, tránh tình trạng khiếu kiện, tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị đầy đủ quỹ đất tái định cư để bồi thường bằng đất ở đối với trường hợp đủ điều kiện theo đúng quy định trước khi tổ chức thu hồi đất, cùng đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân có đất nằm trong dự án phải thu hồi đất đồng thuận với chủ trương, cơ chế, chính sách của nhà nước. Đối với các dự án còn tồn đọng chưa giải phóng mặt bằng xong, có kế hoạch, biện pháp cụ thể thực hiện theo thẩm quyền.
Đặc biệt, bố trí cán bộ làm nhiệm vụ này có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, có phẩm chất đạo đức tốt, đồng thời có biện pháp kiểm tra, giám sát thường xuyên để có chế độ khen thưởng, biểu dương, xử lý kịp thời.
Điển hình như tại huyện Thọ Xuân, từ ngày 15/3 đến 30/4/2024 đã thực hiện đợt cao điểm 45 ngày đêm giải phóng mặt bằng đối với 10 dự án đầu tư có sử dụng đất, với tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng là 85,37ha và 784 hộ bị ảnh hưởng. Ngay sau khi phát động, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng từ huyện đến cơ sở đã vào cuộc quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp. Kết quả, đã tổ chức chi trả kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho 770/784 hộ, diện tích 79,38/85,37ha, đạt 92,98% kế hoạch, với tổng kinh phí hơn 73,2 tỷ đồng.
Cụ thể, như Dự án khu dân cư mới dọc tuyến đường 506B, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân có tổng diện tích 8 ha. Trong đó, giai đoạn 1 triển khai 2 ha, với 59 hộ dân bị ảnh hưởng. Sau 45 ngày thực hiện đợt cao điểm về công tác giải phóng mặt bằng của huyện, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đến nay 59 hộ dân đã đồng thuận nhận tiền đền bù và bàn giao bặt bằng để triển khai dự án.
Ông Thái Hữu Cường, thôn 1, Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân cho biết: “Gia đình tôi có 1 sào đất thuộc diện thu hồi. Từ khi được giải thích tôi đã thấy chủ trương rất phù hợp với lợi ích người dân nên tôi đã tự nguyện nhận đền bù và bàn giao đất để triển khai dự án”.
Ông Lê Hải Huệ, Bí thư Chi bộ thôn 1, Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân cũng cho biết: “Nhờ sát Nhân dân nên chúng tôi đã nắm được các tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, tuyên truyền, giải thích tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Chính vì thế mà các hộ dân đã nhanh chóng bàn giao đất để triển khai dự án”.
Theo đó, 6/10 dự án nhanh chóng tại huyện Thọ Xuân được hoàn thành giải phóng mặt bằng trong thời gian chưa đến 45 ngày, gồm: Dự án khu dân cư mới dọc tuyến đường 506B, đoạn từ Thọ Lập đi Xuân Tín (thuộc xã Thọ Lập); dự án khu dân cư thôn 5, xã Xuân Sinh; khu dân cư Đồng Đình, Đồng Chùa, thôn 1 (giai đoạn 2), thuộc xã Xuân Giang; dự án khu dân cư Đồng Đằn, Cửa Lăng – Nai Hạ, thôn Trung Lập 2, xã Xuân Lập; dự án khu dân cư Xuân Lai (giai đoạn 2), xã Xuân Lai; dự án hạ tầng Khu Công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng (giai đoạn 2, 3).
Tại thị xã Nghi Sơn, địa phương có khối lượng công việc giải phóng mặt bằng rất lớn, khi có Khu kinh tế Nghi Sơn nằm trên địa bàn. Nơi đây tập trung hàng loạt các dự án trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, theo ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch UBND thị xã cho biết: “Đối các dự án, chúng tôi phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo “5 rõ”, gồm rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, từ đó góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng tại các dự án trên địa bàn thị xã”.
Nhờ vậy, năm 2024, thị xã Nghi Sơn được giao giải phóng mặt bằng đối với 59 dự án, với tổng diện tích 386,68 ha. Từ ngày 1/1/2024 đến ngày 31/7/2024, thị xã đã trình phê duyệt phương án bồi thường hơn 243 tỷ đồng/2.618 lượt hộ; đã phê duyệt phương án bồi thường hơn 350 tỷ đồng/2.564 lượt hộ; đã hoàn thành chi trả đạt gần 370 tỷ đồng/2.676 lượt hộ (bao gồm các phương án đã phê duyệt năm 2023 chuyển tiếp).
Từ đầu năm đến nay, thị xã Nghi Sơn đã hoàn thành chi trả và bàn giao mặt bằng 236,18 ha/386,68 ha tại 31 dự án (đạt 61,08% kế hoạch năm 2024). Trong đó, 12 dự án cơ bản hoàn thành và hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng.
Tiếp đến, huyện Triệu Sơn là địa phương trong những năm gần đây là điểm đến của nhiều nhà đầu tư, nhờ có quỹ đất “sạch”. Trong 7 tháng đầu năm nay, huyện này nằm trong 13 huyện, thành phố của tỉnh Thanh Hóa có tỉ lệ giải phóng mặt bằng đạt trên 80% kế hoạch, với hơn 101 ha, đạt 98,78%.
Để có được kết quả trên, theo ông Lương Văn Thịnh, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Triệu Sơn, cho biết trong quá trình thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện, lãnh đạo Huyện ủy, UBND Triệu Sơn luôn xác định khâu đầu tiên là tuyên truyền vận động người để người dân thấu hiểu được chủ trương, hiệu quả, lợi ích đầu tư các công trình đầu tư công, chấp hành tốt quy định của pháp luật để sớm bàn giao đất cho đơn vị thi công đúng tiến độ. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Triệu Sơn cùng với các xã, thị trấn thường xuyên giao ban để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, từ đó mới có thể kịp thời phân tích, tìm ra những “nút thắt” để tháo gỡ, giúp việc triển khai các dự án thuận lợi hơn.
“Giải phóng mặt bằng không phải là một cái nghề, khi được phân công nhiệm vụ, mỗi cán bộ đều phải linh hoạt, vận dụng các kinh nghiệm, kỹ năng để vừa đảm đảo các quy định pháp luật, vừa động viên, chia sẻ và phân tích để người dân đồng thuận cao”, ông Thịnh chia sẻ.
Mỗi dự án khi giải phóng mặt bằng lại có những khó khăn, thuận lợi khác nhau. Hơn 10 năm làm việc tại các ban quản lý dự án, giải phóng mặt bằng rất nhiều công trình, với những kinh nghiệm được rút ra, ông Lương Văn Thịnh hơn ai hết hiểu được rằng các dự án lớn, khối lượng công việc nhiều nhưng vẫn có thể thực hiện giải phóng mặt bằng thuận lợi, nếu công tác chuẩn bị kỹ lưỡng và triển khai đồng bộ. Nhưng nếu cứ thấy những dự án nhỏ, lại chủ quan thiếu sự chuẩn bị từ trước, thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong khi triển khai.
Đơn cử, như tại mỗi dự án khi đến vận động người dân, người cán bộ phải nắm rõ mục tiêu dự án, để giải thích những lợi ích mà dự án mang lại cho ngay chính những hộ dân bị ảnh hưởng. Cùng với đó, rà soát, nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật để áp dụng cho từng diện tích đất khi thu hồi, mới có thể lý giải những thắc mắc của từng hộ dân. Khi được cán bộ phân tích cặn kẽ, thì việc các hộ dân đồng thuận cũng sẽ đạt tỷ lệ cao.
Đón đọc bài 3: Thanh Hóa tìm đáp án cho bài toán giải phóng mặt bằng: Hái quả ngọt
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/bai-2-thanh-hoa-tim-dap-an-cho-bai-toan-giai-phong-mat-bang-cung-hanh-dong.htm