Theo quy hoạch chung đến năm 2040 của TP. Thủ Đức, TP. HCM, Thủ Thiêm không chỉ là “điểm nhấn” mà còn được xác định trở thành trung tâm tài chính đẳng cấp quốc tế của TP. HCM và khu vực.
Thủ Thiêm là một khu vực từng bao quanh bởi dừa nước, gò tràm và sông rạch chằng chịt, đã trải qua nhiều giai đoạn quy hoạch và phát triển để đạt được tầm nhìn này.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, ý tưởng quy hoạch Thủ Thiêm xuất hiện lần đầu vào năm 1968 bởi Công ty tư vấn Doxiadis Associates (Hy Lạp). Dự án ban đầu dự định xây dựng 1.000 căn nhà trên 800ha đất, kết nối với trung tâm thành phố bằng cách kéo dài đại lộ Hàm Nghi qua sông Sài Gòn. Tuy nhiên, kế hoạch này không thành công do chi phí quá lớn.
Năm 1972, một nhóm công ty Mỹ đề xuất quy hoạch Thủ Thiêm – Thủ Đức thành trung tâm đa chức năng với các tuyến đường huyết mạch kết nối với trung tâm TP. HCM. Ý tưởng này lần đầu tiên định hướng khu Đông Thủ Thiêm trở thành trung tâm tài chính mới của thành phố.
Đến năm 1996, khi quyết định quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt được phê duyệt, Thủ Thiêm bắt đầu chuyển mình mạnh mẽ. Khu đô thị Thủ Thiêm được quy hoạch với diện tích 930ha, dân số 250.000 người, và kết nối với các quận trung tâm thông qua một đường hầm và năm cây cầu. Thời gian phát triển dự kiến là 20 năm với bốn giai đoạn.
>> Tỉnh sẽ là đô thị vệ tinh của TP. HCM, sắp đón khu công nghiệp hơn 322ha
Năm 2007, Công ty Niken-sake (Nhật Bản) đã quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm thành năm phân khu, bao gồm lõi trung tâm tài chính, khu văn hóa lịch sử, khu thấp tầng, khu bờ Tây sông Sài Gòn và khu lên tầng.
TP. HCM kỳ vọng Thủ Thiêm sẽ trở thành hạt nhân trong đề án biến thành phố này thành trung tâm tài chính cạnh tranh với Singapore, Hồng Kông và Seoul.
Theo các chuyên gia kinh tế, TP. Thủ Đức, đặc biệt là Thủ Thiêm, đang được kỳ vọng trở thành hình mẫu phát triển đô thị thông minh và bền vững. TP. HCM hiện chú trọng đầu tư vào kinh tế tri thức, khoa học công nghệ và hợp tác phát triển để Thủ Thiêm sớm trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo phía Đông.
>> Đầu tư gần 5.000 tỷ đồng xây cầu Thủ Thiêm 4
Thủ Thiêm được định hướng là trung tâm kinh tế tài chính quốc tế, với ba thành phần chính: thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thị trường vốn, và Sở Giao dịch và phát triển hàng hóa tại TP. HCM. Theo kế hoạch, đến năm 2025, Thủ Thiêm sẽ trở thành trung tâm tài chính quốc gia, đến năm 2030 là trung tâm tài chính khu vực, và sau năm 2030 là trung tâm tài chính toàn cầu.
Các chuyên gia cho rằng, công nghệ tài chính (Fintech) và ngân hàng số sẽ là yếu tố then chốt để Thủ Thiêm tạo ra đột phá. Để đạt được điều này, Thủ Thiêm cần có những quyết sách mới mẻ và đột phá về chính sách.
Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhấn mạnh rằng thể chế mới sẽ là yếu tố quan trọng thu hút đầu tư vào Thủ Thiêm. Trong khi đó, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia, cho rằng TP. HCM cần có chính sách đột phá để thu hút các quỹ đầu tư và định chế tài chính quốc tế, đặc biệt là những “con sếu đầu đàn” tập trung phát triển tại Thủ Thiêm.
Với diện tích 737ha, Thủ Thiêm nằm ở ví trí chiến lược bên trong vành đai tăng trưởng Đông bắc của TP. HCM. Nhờ vị trí độc đáo ở đối diện và chỉ cách khu vực lõi trung tâm lịch sử quận 1 một đoạn ngắn của sông Sài Gòn như một trái tim của thành phố, bán đảo này được chọn là trung tâm tổng hợp mới, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của một thành phố 10 triệu dân cùng lượng lớn người vãng lai.
>> Sắp có ‘Trung tâm dữ liệu siêu quy mô’ được đầu tư gần 7.700 tỷ đồng tại TP. Thủ Đức
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/trai-tim-cua-tp-hcm-se-la-manh-dat-hua-cho-cac-dai-bang-tai-chinh-vuon-canh-155042.html