Thực hiện Quyết định số 511/QĐ-KTNN ngày 15/3/2024 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2023 của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tiến hành kiểm toán tại Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) từ ngày 18/3-16/5.
Kết quả kiểm toán cho thấy còn tình trạng nợ phải thu khó đòi, phải trích lập dự phòng tại thời điểm 31/12/2023. Một số trường hợp đối chiếu nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ; còn trường hợp chưa tuân thủ quy định nội bộ trong việc cho khách hàng nợ không có bảo lãnh ngân hàng; một số đơn vị chưa ban hành quy chế quản lý nợ phải thu…
Về các khoản đầu tư tài chính dài hạn, KTNN cho biết, Công ty mẹ TKV còn một số khoản đầu tư tài chính chưa và không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro tài chính. Đó là khoản đầu tư vào CTCP Cromit Cổ Định Thanh Hóa, Công ty liên doanh Alumina Campuchia – Việt Nam, Công ty TNHH Vinacomin Lào, CTCP Sắt Thạch Khê, Công ty LD Khoáng sản Steung Treng,…
Tổng công ty Khoáng sản TKV – CTCP còn một số khoản đầu tư tài chính chưa chia cổ tức năm 2023 do lợi nhuận sau khi phân phối không đủ để chia cổ tức hoặc có lãi nhưng còn lỗ lũy kế.
Ngoài ra, theo KTNN, còn có trường hợp tồn kho lâu ngày chưa sử dụng hết, tồn kho cao hơn so với quy định nội bộ; chưa tiêu thụ và thu hồi được vốn đối với hàng tồn kho đã kiến nghị từ các năm trước; kiểm kê kho than tồn kho nhưng không đồng thời lấy mẫu xác định chất lượng than tồn kho theo từng chủng loại.
Công ty Nhiệt điện Đông Triều TKV – Chi nhánh Tổng công ty Điện lực TKV chưa thực hiện đo đạc kiểm kê xác định khối lượng tro bay, tro xỉ; chưa làm rõ nguyên nhân một số thiết bị khai thác, thiết bị vận tải có mức tiêu hao nhiên liệu thực tế cao hơn định mức của đơn vị….
Còn tình trạng tài sản cố định (TSCĐ) đưa vào sử dụng nhưng chưa quyết toán giá trị, chưa hạch toán, kiểm kê theo dõi trên sổ kế toán kịp thời. Về xây dựng và thực hiện quy định nội bộ, còn trường hợp: một số máy móc thiết bị đưa vào trung đại tu vượt định ngạch sửa chữa thiết bị của đơn vị; chưa thực hiện gắn mã TSCĐ; Biên bản kiểm kê tài sản không đầy đủ thông tin. Còn có phân xưởng tuyển có công suất thực tế thấp hơn so với công suất thiết kế…
Về chi phí, giá thành sản xuất kinh doanh, chưa ban hành đầy đủ các định mức kinh tế – kỹ thuật; chưa xây dựng, ban hành tỷ lệ hao hụt đối với công đoạn vận chuyển than theo từng loại phương tiện, độ ẩm thực tế áp dụng…
Về các khoản nộp NSNN, có đơn vị chưa kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng quà tặng; tính thiếu thuế thu nhập cá nhân; thiếu phí bảo vệ môi trường; chưa loại trừ một số khoản chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; tính thiếu thuế tài nguyên hoặc chưa kê khai quyết toán thuế tài nguyên theo quy định đối với một số loại khoáng sản;…
Qua kiểm toán, tăng thu NSNN hơn 109 tỷ, giảm thuế GTGT được khấu trừ 33 triệu đồng, giảm giá trị thanh, quyết toán các dự án được kiển toán 2,01 tỷ đồng và xử lý khác các dự án được kiểm toán 5,9 tỷ đồng.
Qua kiểm toán chọn mẫu một số gói thầu mua sắm hàng hóa, sửa chữa TSCĐ, thuê ngoài cung cấp dịch vụ tại các đơn vị được kiểm toán cho thấy còn tồn tại trong lựa chọn hình thức mua sắm; lập dự toán, lập hồ sơ mời thầu; đăng tải thông tin, lựa chọn nhà cung cấp gửi thư mời chào giá, lựa chọn nhà thầu; nghiệm thu, thanh toán….
Về khai thác tài nguyên khoáng sản, theo KTNN, còn trường hợp trữ lượng thực tế khai thác chênh lệch tăng so với trữ lượng thiết kế bản vẽ thi công hoặc chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản và nộp tiền cấp quyền đối với phần tài nguyên đã nâng cấp trữ lượng…
>>Tập đoàn Than-khoáng sản Việt Nam duy trì các chỉ số tài chính ở mức an toàn
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/kiem-toan-nha-nuoc-chi-ro-cac-khoan-dau-tu-kem-hieu-qua-cua-tap-doan-than-154842.html