Lễ khai mạc Thế vận hội người khuyết tật Paralympic Paris 2024 diễn ra từ 1h00 thứ Năm 29/8 theo giờ Hà Nội, ở không gian ngoài trời.
Lễ khai mạc được tổ chức tại Quảng trường Concorde và Đại lộ Champs-Elysees, sau khi Olympic Paris 2024 diễn ra trên sông Seine. Buổi lễ dự kiến đón tiếp 4.400 vận động viên, từ 184 đoàn thể thao, để mở đầu cho 11 ngày thi đấu.
Sau những lùm xùm ở lễ khai mạc Olympic 2024, Thomas Jolly vẫn được tin tưởng ngồi vào vị trí Giám đốc nghệ thuật lễ bế mạc Thế vận hội và giờ là khai mạc Paralympic 2024. Chương trình do Jolly chỉ đạo đặt sứ mệnh “giới thiệu các VĐV khuyết tật và những giá trị mà họ đem lại cho thế giới”.
Thomas Jolly cho biết: “Tôi mong cảnh tượng sẽ làm thay đổi trái tim Paris, với những màn trình diễn chưa từng thấy. Không chỉ giới thiệu VĐV, tôi muốn tạo nên cảnh tượng đoàn kết khán giả xem trực tiếp và qua truyền hình, xung quanh tinh thần độc đáo của Paralympic”.
Đây là lần đầu tiên lễ khai mạc Paralympic tổ chức ở ngoài khuôn viên sân vận động. Các VĐV diễu hành dọc đại lộ danh tiếng Champs-Elysees, qua Tháp Eiffel và vườn Trocadero. Điểm kết thúc là Quảng trường Concorde lớn nhất Paris, là nơi kết nối một số toà nhà và tượng đài thể hiện lịch sử phong phú của Pháp. Concorde tượng trưng cho di sản triết học, văn học và văn hoá của thời kỳ Khai sáng, từ cuối thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 19.
Biên đạo múa người Thuỵ Điển Alexander Ekman được kỳ vọng tạo nên màn trình diễn ấn tượng, với vũ đạo là trung tâm từ hơn 150 vũ công, bao gồm cả những người có tài năng đặc biệt. Ekman muốn kết hợp vũ đạo với âm nhạc của nhạc sĩ Pháp Victor Le Masne. Ekman được biết đến khi xây dựng tác phẩm kinh điển Hồ Thiên Nga, trên sân khấu với 6.000 lít nước, tại thủ đô Oslo của Na Uy năm 2016.
Trưởng Ban tổ chức Olympic và Paralympic 2024 Tony Estanguet, kỳ vọng lễ khai mạc là tiếng nói mạnh mẽ, minh hoạ cho tham vọng tận dụng cảnh quan ở nước chủ nhà, để đưa vấn đề hoà nhập của người khuyết tật vào trọng tâm trong xã hội. Dự kiến, 65.000 khán giả sẽ theo dõi trực tiếp, cùng 300 triệu người xem qua truyền hình.
Paralympic mùa hè lần đầu được tổ chức năm 1960, tại Rome, Italy, với 400 VĐV từ 23 đoàn thể thao, tranh tài ở 57 nội dung. Khi ấy, chỉ các VĐV ngồi xe lăn mới được tham gia. Phải đến năm 1976 tại Canada, các VĐV khuyết tật khác lần đầu tiên được tham gia.
Paralympic 1988 tại Hàn Quốc là lần đầu tiên sự kiện được tổ chức tại cùng địa điểm với Olympic, kéo dài đến nay. Khoảng cách giữa hai sự kiện là hai tuần. Paris 2024 có 4.440 VĐV, đến từ 168 đoàn thể thao, tranh tài ở 549 nội dung
Mỗi VĐV tham dự phải thuộc một trong 10 loại khuyết tật, gồm suy giảm sức mạnh cơ bắp, suy giảm phạm vi vận động, khuyết tật chi, chênh lệch chiều dài chân, vóc người thấp, tăng trương lực cơ (hypertonia), rối loạn vận động (ataxia), chứng loạn dưỡng cơ (athetosis), suy giảm thị lực và suy giảm trí tuệ.
Mỗi môn thể thao Paralympic lại có phân loại riêng, tuỳ thuộc vào nhu cầu thể chất mỗi nội dung. Các nội dung này được cấp một mã, gồm số và chữ cái, để mô tả sự kiện và phân loại VĐV.
Như ở môn bơi, các VĐV được phân loại thành ba nhóm, gồm S1 đến S10 là VĐV có mức độ suy giảm thể chất từ nghiêm trọng đến nhẹ, S11 đến S13 là VĐV suy giảm thị lực, S14 là dành cho người suy giảm trí tuệ. Hay như môn bắn cung dành cho các VĐV khuyết tật thể chất. Môn chia làm ba hạng mục, gồm W1 là VĐV tổn thương tuỷ sống và bại não, W2 là người dùng xe lăn có chức năng cánh tay đầy đủ và W3 là người cụt chân có thể đứng.
Paralympic Paris 2024 có 22 môn, gồm bắn cung, điền kinh, cầu lông, ném bóng màu (boccia), đua xe đạp, cưỡi ngựa, bóng đá năm người, ném bóng lục lạc (goalball), judo, para canoe, para triathlon, cử tạ, rowing, bắn súng, bóng chuyền ngồi, bơi, bóng bàn, taekwondo, bóng rổ xe lăn, đấu kiếm xe lăn, rugby xe lăn và tennis xe lăn.
Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự với 14 thành viên, gồm bốn cán bộ, ba HLV và bảy VĐV gồm Lê Văn Công, Nguyễn Bình An, Đặng Thị Linh Phượng, Châu Hoàng Tuyết Loan (cử tạ), Đỗ Thanh Hải, Lê Tiến Đạt (bơi) và Phạm Nguyễn Khánh Minh (điền kinh). Lực sĩ Lê Văn Công và Tuyết Loan sẽ cầm cờ cho đoàn tại lễ khai mạc.
Việt Nam lần đầu dự Parẩlympic tại Sydney 2000, với hai VĐV. Tại Rio 2016, đoàn thi đấu thành công nhất khi Lê Văn Công giành HC vàng đầu tiên ở nội dung 49 kg nam, Võ Thanh Tùng – HC bạc bơi tự do 50m S5, Đặng Thị Linh Phượng – HC đồng cử tạ 50 kg nữ và Cao Ngọc Hùng – HC đồng ném lao. Đến Tokyo 2020, lực sĩ Lê Văn Công tiếp tục giành HC bạc.
Sau 16 kỳ Paralympic, Mỹ dẫn đầu với 808 HC vàng, 736 HC bạc và 739 HC đồng. Xếp sau là Vương quốc Anh (667-621-626), Trung Quốc (535-400-302), Canada (400-338-346) và Australia (389-422-394).
Hiếu Lương
Nguồn tin: https://vnexpress.net/paralympic-2024-khai-mac-hom-nay-4786738.html