“Lúc nghe canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính, tôi thấy vừa xa lạ, vừa mơ hồ, không nghĩ có hiệu quả”, ông Chiếu, Giám đốc HTX Kênh 7B, kể lại cuộc gặp năm 2012 với các nhà khoa học từ Đại học Cần Thơ.
Khi đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang đang tìm nơi thí điểm dự án trồng lúa ít phát thải. HTX kênh 7B được chọn do có hệ thống trạm bơm nước tập trung, tiện quản lý ruộng đồng.
Các nhà khoa học giải thích, sản xuất lúa chiếm một nửa lượng khí phát thải của ngành nông nghiệp, khiến thời tiết cực đoan hơn. Nếu thay đổi cách canh tác, không chỉ giảm phát thải mà còn tăng lợi nhuận đến 50% so với phương pháp truyền thống nhờ giảm lượng giống, phân hoá học, thuốc trừ sâu và công lao động.
“Nghe cũng được. Lúc đó lợi nhuận trồng lúa chưa tới 30% mà hụt lên hụt xuống”, ông Chiếu kể về lý do tham gia dự án.
Ruộng của HTX Kênh 7B thuộc 540 ha đầu tiên thí điểm canh tác lúa giảm phát thải nhà kính tại huyện Tân Hiệp, Kiên Giang và Phú Tân, An Giang. Dự án do Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL thực hiện từ năm 2012 với tài trợ từ Chính phủ Australia.
Từ kết quả dự án trên, mô hình canh tác này tiếp tục trải qua hơn 10 năm thử nghiệm tại nhiều nơi, trước khi được nhân rộng trong đề án phát triển bền vững một triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, được Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2023.
Vụ lúa “3 thu”
Sau khi nhận lời thí điểm, Giám đốc Chiếu vận động xã viên cùng làm, nhưng không dễ thuyết phục. Mô hình mới yêu cầu giảm mật độ sạ giống chỉ còn 120 kg/ha – bằng một nửa so với cách làm truyền thống khi đó (230 kg/ha). Công thức tưới nước cũng thay đổi, từ ngập liên tục sang ngập – khô xen kẽ, khiến nhiều nông dân lo ngại.
“Nông dân hồi xưa sợ vì họ chỉ có ruộng thôi, thất bại thì thiệt hại lắm. Phải vận động dữ lắm họ mới làm”, ông Chiếu kể. Ông tổ chức nhiều buổi họp, nhấn mạnh hiệu quả lợi nhuận của mô hình mới, để thuyết phục từ đội trưởng đến từng xã viên. Nhiều người chưa tin hẳn, nhưng cũng theo HTX, nhận lời thử.
Một mảnh ruộng được chọn thử nghiệm để so sánh: một nửa áp dụng mô hình mới, một nửa vẫn theo cách cũ. Theo hướng dẫn của các nhà khoa học, nông dân áp dụng quy trình “1 phải 5 giảm”: phải sử dụng giống lúa xác nhận; giảm giống, giảm nước, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, và giảm thất thoát sau thu hoạch. Tất cả để đi đến kết quả giảm phát thải.
PGS.TS Huỳnh Quang Tín, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ), người tham gia trực tiếp dự án giải thích, lúa là cây trồng ngập nước, phát ra nhiều khí thải nhất, đặc biệt là metan (CH4) – chiếm tới 75% khí thải nông nghiệp. Để giảm lượng khí này, nông dân cần thay đổi cách tưới nước từ ngập liên tục sang ngập – khô xen kẽ, chỉ tưới 5-6 lần mỗi vụ, mỗi lần ngập không quá 3 cm.
Ban đầu, vụ thí điểm Đông Xuân 2012-2013 gặp khó khăn do thời tiết bất lợi. Nông dân lại chưa quen với phương pháp mới, quy trình tưới chưa chuẩn. Tuy nhiên, các chuyên gia và cán bộ khuyến nông kiên trì theo xuống tận ruộng, hướng dẫn viết Sổ nhật ký nông hộ. Nông dân dần quen nhịp canh tác mới.
“Khi làm thành công, thấy có lợi, hạt gạo lại sạch, bà con tự động chuyển đổi dần theo mô hình mới, không cần thuyết phục”, ông Chiếu kể. Sau khoảng ba vụ, toàn bộ HTX đều theo cách canh tác mới.
Mô hình đã đạt “ba thu”: thu lương thực (tăng năng suất), thu tiền (tăng lợi nhuận), và thu tác động tốt cho môi trường (giảm phát thải). Kết quả đối chứng cho thấy năng suất lúa tăng 9%, thu nhập tăng 31%, lợi nhuận thuần tăng 7,27 triệu đồng/ha so với cách làm cũ, lượng khí metan phát thải giảm 19-31%.
“Thành công ngoài mong đợi”, PGS.TS Huỳnh Quang Tín đánh giá.
Dù sạ thưa, phương pháp mới cho số bông và hạt tương tự như cách sạ dày ở ruộng đối chứng. Quy trình tưới ngập – khô xen kẽ giúp cây lúa chống đổ ngã, thuận lợi thu hoạch bằng máy móc và giảm phân, thuốc hóa học.
Sau dự án, các nhà khoa học ước tính nếu áp dụng quy trình này trên toàn bộ 1,8 triệu ha lúa ở ĐBSCL, có thể tiết kiệm 7.400 tỷ đồng, giảm 2,4 tỷ m3 nước và giảm 13,86 triệu tấn CO2 khí thải.
“Thời điểm đó, chúng tôi đã nghĩ đến bán tín chỉ carbon để nông dân có thêm thu nhập. Bởi thế giới có nhiều thị trường tự nguyện mua nhằm mục đích bảo vệ môi trường”, TS Tín nói.
Tuy nhiên, khi ấy vấn đề này chưa thật sự được quan tâm, theo TS Tín. Việt Nam chưa có chính sách cụ thể về giảm phát thải khí nhà kính, và việc đo đạc tín chỉ carbon quy mô lớn quá tốn kém. Dự án phải dừng lại ở mức sản xuất, không thể tiến xa hơn.
“Chúng tôi đi sớm quá. Địa phương tham gia vì nó thật sự mang lại lợi ích cho nông dân, tăng lợi nhuận, còn họ cũng chưa hình dung liên quan tới môi trường thế nào”, ông đánh giá.
Dự án sau đó được mở rộng ra An Giang, Kiên Giang và thêm một số địa phương khác. Năm 2023, đề án một triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp được phê duyệt, đặt mục tiêu giảm 20% chi phí sản xuất và tăng 50% lợi nhuận cho nông dân đến năm 2030.
Đây được kỳ vọng là cuộc cách mạng mới với cây lúa miền Tây, mở ra con đường để nông dân chuyển trọng tâm sản xuất từ lượng sang chất.
Kiểm soát “hơi thở” của lúa
Đầu tháng 7, trên cánh đồng 50 ha của HTX Thuận Tiến, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, những chiếc máy gặt đập liên hợp chia nhau xẻ ngang dọc cánh đồng lúa vàng rực. Đây là vụ thu hoạch đầu tiên của chương trình thí điểm trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp từ vụ hè thu 2024. Cùng với Cần Thơ, Bộ NN&PTNT đã chọn thêm 4 mô hình thí điểm tại Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang – những vùng phù sa, phèn mặn.
Suốt cả vụ lúa, nông dân gần như không phải đặt chân xuống ruộng. Từ làm đất, sạ giống đến bón phân, thu hoạch đều được máy móc đảm nhiệm.
Giám đốc Hợp tác xã Thuận Tiến Nguyễn Cao Khải so sánh, một máy gặt đập liên hợp tuỳ công suất mỗi ngày có thể thu hoạch 5-7 ha lúa, còn nếu gặt tay phải cần 100-140 người. Hay như drone phun thuốc, một máy làm được 10 ha mỗi tiếng, trong khi người dùng bình phun thủ công truyền thống làm tối đa được 2 ha một ngày.
“Nhờ kỹ thuật sản xuất lúa tiên tiến, máy móc thiết bị hiện đại, mỗi nông dân có thể đảm nhiệm canh tác 15-20 ha lúa. Những cánh đồng lúa giờ đây không còn dấu chân người”, ông Khải nói.
Ông Khải cho biết vụ đầu tiên, HTX giảm lượng giống gieo sạ chỉ còn 60 kg/ha, giảm 50% so với trước đó. Nông dân không cần sạ tay mà dùng máy hoàn toàn, giảm bón phân từ 3-4 lần còn 2 lần mỗi vụ, tiết kiệm 20% lượng phân bón. Kết quả thu hoạch cho thấy năng suất tăng từ 6,1 tấn lên 6,5 tấn/ha, cây lúa không đổ ngã. Chi phí sản xuất giảm, giúp lợi nhuận của người dân tăng cao nhất 6,2 triệu, đồng thời giảm 2-5 tấn CO2 phát thải mỗi ha so với cách làm truyền thống.
“Nếu mô hình 50 ha thí điểm này thành công, chúng tôi sẽ nhân rộng ra toàn bộ 512 ha còn lại, hướng tới hình thành hợp tác xã trồng lúa giảm phát thải”, ông Khải nói, tràn trề hy vọng về tương lai của cây lúa chất lượng cao.
Theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT, đến năm tới, 12 tỉnh, thành sẽ trồng 180.000 ha lúa phát thải thấp và thí điểm cấp tín chỉ carbon cho vùng đạt chuẩn. Đến năm 2030, diện tích mở rộng lên 820.000 ha. Với dự án một triệu ha lúa chất lượng cao, giá trị tín chỉ carbon có thể đạt tới 100 triệu USD mỗi năm nếu bán với giá 10 USD mỗi tín chỉ. Hiện, 36 quốc gia tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, là cơ hội lớn cho nông dân Việt Nam.
Từng tham gia triển khai mô hình tương tự ở 4 tỉnh miền Tây, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên trưởng khoa Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ, cho rằng phương pháp canh tác lúa phát thải thấp là lối ra cho nông dân sau thời gian dài luẩn quẩn: thiên nhiên càng khắc nghiệt – năng suất giảm – tăng phân bón, nước… – tăng phát thải khí nhà kính.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng mô hình này chỉ thành công khi canh tác trên diện tích lớn, sử dụng công nghệ cao, đòi hỏi đầu tư hàng tỷ đồng, không phù hợp với những cánh đồng nhỏ lẻ.
“Cánh đồng lớn lại là một trong những khó khăn của đề án một triệu ha”, TS Vệ nói. Nông dân cần tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác để triển khai đồng bộ phương thức sản xuất mới, giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Doanh nghiệp cũng cần liên kết chặt để tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao với giá ổn định, lâu dài.
Đây cũng chính là “vết xe đổ” của chương trình cánh đồng mẫu lớn tại ĐBSCL năm 2011. Sự liên kết lỏng lẻo giữa nông dân và doanh nghiệp, cùng với rủi ro cao và lợi nhuận thấp trong sản xuất lúa gạo khiến ít đơn vị đầu tư.
“Các doanh nghiệp Nhà nước chủ yếu tập trung vào các hợp đồng Chính phủ, hiện chiếm 53% tổng lượng gạo xuất khẩu, mà ít quan tâm đến chất lượng, mở rộng thị trường, và xây dựng thương hiệu gạo”, ông Vệ nói.
TS Vệ kiến nghị cần có chính sách để doanh nghiệp chịu trách nhiệm từ sản xuất đến thương mại, nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất như cổ đông. Trong quá trình này, vai trò hỗ trợ của Nhà nước về vốn và đất đai rất quan trọng.
“Đề án một triệu ha lúa thành công sẽ là hướng đi bền vững, giúp nông dân trồng lúa có thể khá giàu”, TS Vệ đánh giá.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh ĐBSCL (VCCI Cần Thơ) cho rằng, doanh nghiệp chủ yếu thu mua và sơ chế riêng lẻ, xuất khẩu gạo thô, ít chú trọng đến sản phẩm giá trị gia tăng từ hạt gạo. Khâu hậu cần như logistics cũng chưa chuyên môn hóa, dẫn đến chi phí vận chuyển cao.
Hiện, 90% lượng gạo xuất khẩu từ miền Tây phải trung chuyển qua TP HCM và Đông Nam Bộ, làm tăng chi phí thêm 10-13 USD mỗi tấn. Sau đó, một lượng lớn gạo lại xuất đi qua đường biển đến các nước trong khu vực. Nếu có thể xuất khẩu trực tiếp từ các cảng như Cần Thơ hay Sóc Trăng, chi phí sẽ tiết kiệm đáng kể.
“Chi phí vận chuyển lúa gạo hiện cao hơn nhiều so với các mặt hàng khác. Để phát triển bền vững ngành, cần đầu tư xây dựng cảng chuyên dụng và hệ thống logistics tại trung tâm miền Tây”, ông Lam đề xuất.
“Giữ nghề” cho nông dân
“Người trồng lúa hay lương thực nói chung luôn chịu thua thiệt khi gánh trách nhiệm đảm bảo ‘nồi cơm’ cho cả nước. Nhưng so với các cây trồng khác, thu nhập không thể cao bằng”, cố GS Võ Tòng Xuân nói với VnExpress trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 7.
Do đó, hầu hết quốc gia đều tài trợ cho người trồng lương thực để họ tiếp tục canh tác. Ông dẫn chứng, châu Âu hiện hỗ trợ mỗi nông dân trồng một ha lúa mì 5.000 USD mỗi năm. Thậm chí, Hội đồng Liên minh châu Âu cho rằng mức này còn thấp và đang đàm phán để tăng tài trợ do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao.
Tại Việt Nam, các địa phương có diện tích đất chuyên trồng lúa nước sẽ được ngân sách hỗ trợ theo mức 1 triệu đồng/ha/năm. Bộ NN&PTNT đang đề xuất tăng mức này lên gấp đôi, và bổ sung 3 triệu đồng/ha/năm cho những vùng quy hoạch trồng lúa cần bảo vệ hoặc hạn chế chuyển đổi để áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại.
Theo cố GS Xuân, nếu muốn chuyển từ tăng năng suất sang tăng chất lượng và giá trị, cần quyết tâm lớn từ ngành nông nghiệp. “Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao mà Bộ NN&PTNT đang triển khai thể hiện quyết tâm này. Nhưng nông dân trồng lúa muốn cứu mình cũng cần thay đổi tập quán sản xuất, chăm sóc sức khỏe mảnh đất và quan tâm hơn đến các vấn đề môi trường. Đó là con đường duy nhất”, ông nói.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cho biết đề án một triệu ha lúa chất lượng cao không chỉ tập trung vào kỹ thuật và hạ tầng cơ sở, mà còn nhằm tổ chức lại toàn bộ ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL. Mục tiêu là giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị hạt gạo, giảm phát thải, và phát triển bền vững khu vực nông thôn.
Nguồn vốn cho dự án sẽ đến từ địa phương, Trung ương, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) và doanh nghiệp. Trung ương sẽ chi trả cho kỹ thuật mô hình, địa phương lo về vật tư và hạ tầng. Nòng cốt là thành lập các hợp tác xã, tổ chức nông dân, liên kết chặt với doanh nghiệp để tiêu thụ lúa gạo với giá trị cao hơn, ổn định và lâu dài.
“Nông dân tham gia thực hiện thí điểm sẽ không bỏ ra đồng nào trong ba vụ liên tiếp. Chúng ta hỗ trợ tất cả để nông dân phấn khởi làm”, ông khẳng định.
Sau khi kết thúc 6 vụ thí điểm giai đoạn 2012-2014, toàn bộ HTX Kênh 7B (Kiên Giang) đã chuyển hẳn sang mô hình trồng lúa phát thải thấp. “Giờ bảo nông dân quay lại cách làm truyền thống họ không chịu đâu, vì không có lợi nhuận,” ông Chiếu cười nói.
Ruộng lúa của HTX Kênh 7B đã trở thành hình mẫu để nhiều hợp tác xã và chuyên gia từ khắp nơi đến tham quan, học hỏi. Những nông dân đầu tiên tham gia thí điểm phấn khởi khi thấy mô hình này được lan rộng ra nhiều nơi.
Tuy nhiên, khi được hỏi về việc bán tín chỉ carbon, ông Chiếu cho biết nông dân vẫn chưa hình dung rõ ràng. Sau 12 năm canh tác theo mô hình lúa phát thải thấp, ông cũng không biết HTX Kênh 7B đã tích lũy được bao nhiêu tín chỉ carbon hay bán được bao nhiêu tiền.
“Nông dân nghe nói bán không khí thì biết vậy thôi. Có hướng dẫn cụ thể, họ sẽ làm. Chừng nào thấy tiền trong tay, họ mới tin,” ông nói.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/pha-bo-loi-nguyen-lam-lua-khong-giau-4785526.html