Không có cha mẹ sinh ra đã hoàn hảo, nhưng rất khó để giáo dục trẻ nếu cha mẹ ngừng học tập và từ chối trưởng thành.
Đại học Harvard từng kết luận, khả năng thành công trong cuộc đời của một người có 20% phụ thuộc vào chỉ số IQ, trong khi EQ (trí tuệ cảm xúc) chiếm 80%.
Các nhà nghiên cứu xác định, trí tuệ cảm xúc bao gồm năm khía cạnh: khả năng nhận biết cảm xúc, khả năng quản lý cảm xúc của chính mình, khả năng chịu đựng thất bại, khả năng hiểu được cảm xúc của người khác và khả năng quản lý các mối quan hệ giữa các cá nhân.
Gần đây, trên mạng Zhihu của Trung Quốc có một chủ đề nóng: “Bố mẹ EQ thấp sẽ có tác động như thế nào đến con cái?”. Một độc giả kể rằng, có lần khi đang ở sân bay nhìn thấy một người mất đồ khóc nức nở, anh rất đau lòng. Khi đó anh mới là cậu bé 15 tuổi kể lại chuyện này cho bố thì bị mắng: “Trẻ con hiểu thế nào là đau lòng. Đó không phải việc của con”. Một lần khác, anh lại bị mẹ khiển trách vì nhỡ kêu mệt. Người mẹ nói: “Mới trẻ mệt mỏi nỗi gì. Già như mẹ đây còn chẳng kêu”.
Cuối cùng người đàn ông này nói: “Tôi đã chọn cách đóng cửa vĩnh viễn với thế giới nội tâm cùng cha mẹ mình. Dù họ dày công nuôi nấng nhưng những lời nói vô ý đó ngày này qua ngày khác để lại hố sâu vô hình trong tuổi thơ và tuổi trẻ của tôi”.
Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Daniel Goleman đã viết trong cuốn sách: “Trí tuệ cảm xúc”: “Cuộc sống gia đình là trường học đầu tiên chúng ta học về cảm xúc. Cha mẹ có EQ cao sẽ có những đứa con EQ cao. Cha mẹ có EQ thấp có tác động tiêu cực đến sự phát triển của con cái”.
Thấu hiểu trẻ là món quà tuyệt vời nhất cha mẹ có thể tặng cho con cái
Tiến sĩ tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Susan Foward đã viết trong cuốn sách của mình: “Trẻ em sẽ không phân biệt được đâu là sự thật và đâu là chuyện đùa. Chúng sẽ tin những gì cha mẹ nói về mình và nghĩ mình sẽ giống như những gì cha mẹ nói”.
Điều này cũng giống như nhân vật Cóc trong cuốn sách điều trị tâm lý nổi tiếng có tên “Ông Cóc đi khám bệnh tâm lý” của tác giả Robert de Board.
Cóc hay gây rắc rối. Nhưng một ngày nọ, nó tự nhiên ít nói và không muốn tiếp xúc với động vật khác. Trong 10 lần đi khám tâm lý, Cóc cuối cùng đã tìm ra lý do về sự thay đổi của mình.
Khi bác sĩ hỏi: “Bố cháu là người thế nào?”, Cóc trả lời không chút do dự: “Nghiêm khắc. Ông ấy luôn la mắng cháu vì mọi điều. Ông ấy sẽ nhìn cháu với ánh mắt bất mãn và liên tục cằn nhằn”. Lâu dần, Cóc nghĩ rằng bố luôn làm đúng, còn nó luôn làm sai. Bác sĩ bảo Cóc bị mắc hội chứng “People please” (Người tử tế).
Những người mắc hội chứng này luôn tiếp cận cuộc sống và các mối quan hệ ở thế bị động. Thay vì lên tiếng cho bản thân thì họ lại để mọi người liên tục lấn lướt mình. Họ luôn cố gắng không ngừng nghỉ chỉ để làm hài lòng người khác. Họ luôn cảm thấy khó khăn khi nói “không” – cho dù với những yêu cầu vô lý. Nói tóm lại, họ “tử tế” đến mức sai trái. Khi muốn hoặc cần điều gì, họ ngại ngùng mở lời vì sợ làm phiền tới người khác. “Người tử tế” cũng tránh xung đột như tránh dịch bệnh, thà “làm theo” còn hơn “làm khác”.
Trong tâm lý học còn có khái niệm “Hiệu ứng gió nam”. Nó được bắt nguồn từ một câu chuyện của ngụ ngôn của tác giả nổi tiếng người Pháp là Jean de La Fontaine.
Một ngày nọ, gió Bắc và gió Nam thách đấu xem ai có thể thổi bay được chiếc áo của người đang đi đường. Chàng gió Bắc bắt đầu thổi, ra sức thổi thật mạnh nhưng nó không khiến người đi đường bị bay áo, ngược lại do quá lạnh người ta càng cuốn chặt và mặc nhiều áo hơn. Cô nàng gió Nam bắt đầu thổi, nàng thổi những cơn gió thật nhẹ, thoang thoảng cùng với một chút nắng. Người ta yêu khoảnh khắc đó và muốn cởi chiếc áo của mình ra để tận hưởng bầu không khí dịu nhẹ. Và kết quả chiến thắng đã thuộc về gió Nam.
Sở dĩ gió Nam đạt được mục đích là nó đã thuận theo những nhu cầu, mong muốn của con người. Sự cố chấp và quyết liệt chỉ mang lại những phản ứng ngược lại.
Cha mẹ giáo dục con cái cũng vậy, phải hiểu nhu cầu tâm lý của con cái và hòa thuận với trẻ một cách tử tế. Việc đánh, mắng sẽ chỉ khiến cho trẻ bướng bỉnh và khó bảo hơn. Ngược lại khi nhẹ nhàng chỉ bảo con sai ở đâu, sai chỗ nào trẻ sẽ dễ dàng hiểu ra vấn đề và bố mẹ chính là động lực để con cố gắng.
Quản lý cảm xúc là khóa học bắt buộc dành cho các bậc cha mẹ
Với nhiều phụ huynh, “hội chứng khủng bố” không còn là điều xa lạ. Bạn sẽ nổi cơn thịnh nộ khi lũ trẻ không chịu ngủ trưa? Huyết áp bạn sẽ tăng cao khi lũ trẻ không nghiêm túc làm bài tập về nhà?
Mới đây một phụ huynh ở Thượng Hải vì con làm bài tập không đạt yêu cầu đã tức giận đến mức đánh gãy tay con. Một cô bé lớp 4 vì không nghiêm túc trong lúc học trực tuyến đã bị mẹ lôi ra bãi biển, dọa dìm xuống nước… Những hình phạt cực đoan này chính là cách giáo dục tồi tệ nhất.
Trong cuốn sách “Nuôi dạy con thông minh bằng cảm xúc cao” có viết: “Giáo dục con cái bắt đầu từ việc nâng cao trí tuệ cảm xúc của cha mẹ. Hãy kiểm soát những cảm xúc tồi tệ của bản thân, lắng nghe và cảm nhận những cảm xúc của trẻ, đồng thời thể hiện tình yêu thương của bố mẹ thành lời nói và hành động mà trẻ có thể hiểu được”.
Cha mẹ EQ cao không chỉ kiểm soát cảm xúc của chính bản thân mình mà còn có thể điều khiển cảm xúc của con cái. Chỉ bằng cách chấp nhận cảm xúc của bản thân, tôn trọng ý kiến và quan tâm đến nhu cầu của con cái, trẻ mới tăng trí thông minh cảm xúc trong quá trình phát triển trí tuệ.
Sự nêu gương của cha mẹ là rất quan trọng đối với sự trưởng thành của trẻ
Trong phim tài liệu giáo dục gia đình “Tấm gương” có nói: “Trẻ em như một tờ giấy trắng, chúng sẽ là những tác phẩm hay hoặc dở đều phụ thuộc vào những gì cha mẹ viết lên trang giấy ấy”. Điều này cũng có nghĩa, muốn con cái trở thành người như thế nào thì trước hết bố mẹ phải trở thành người như thế.
Nhiều cha mẹ cứ rỗi rãi là ôm điện thoại di động nhưng lại luôn phàn nàn con mình không thích học và học không giỏi như những đứa trẻ khác. Thực tế nếu cha mẹ muốn trẻ giỏi như “con nhà người ta”, trước tiên phải trở thành “cha mẹ nhà người ta”.
Khi Mạc Ngôn (nhà văn nổi tiếng Trung Quốc) đạt giải Nobel, ông nói rằng: “Điều đầu tiên mỗi người khi sinh ra nhận được chính là giáo dục gia đình, ảnh hưởng lớn nhất cũng là giáo dục gia đình. Đây là cách giáo dục bằng lời nói và hành động, tức là dạy người khác thế nào, mình phải làm như vậy. Bản thân tôi cũng cảm thấy giáo dục bằng hành động quan trọng hơn lời nói. Trong gia đình bạn sống, cách người lớn đối xử với công việc, với người khác có ảnh hưởng trực tiếp, vô thức làm thay đổi đứa trẻ”.
Điều quan trọng nhất để có một nền giáo dục gia đình tốt không bao giờ là sự dư dả về vật chất, mà là tấm gương của cha mẹ. Khi bạn tốt hơn, đứa trẻ sẽ tốt hơn; khi cha mẹ tốt hơn, mọi thứ cũng sẽ tốt hơn.
Chỉ số EQ có thể cải thiện, chỉ cần bố mẹ kiên nhẫn giáo dục và hướng dẫn trẻ cẩn thận. Trên con đường trưởng thành, hãy để trí tuệ xúc cảm cao giúp trẻ dũng cảm mở cánh cửa ra thế giới.
Nguồn tin: https://cafef.vn/co-1-kieu-cha-me-khong-danh-don-la-mang-nhung-am-tham-huy-hoai-doi-con-10-nam-sau-nhan-ra-da-qua-muon-188240824161733723.chn