Trầm cảm là gì?
Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến và nghiêm trọng, biểu hiện qua tâm trạng chán nản và mất hứng thú với các hoạt động hàng ngày trong một thời gian dài.
Đây không chỉ là những cảm xúc tiêu cực thoáng qua mà là một tình trạng y khoa cần được chẩn đoán và điều trị.
Trầm cảm có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống, từ học tập, làm việc cho đến các mối quan hệ xã hội và gia đình.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 280 triệu người trên toàn cầu mắc phải rối loạn này. Phụ nữ có nguy cơ cao hơn nam giới, và trầm cảm có thể xuất hiện ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh, được gọi là trầm cảm sau sinh.
Triệu chứng của bệnh trầm cảm
– Tâm trạng chán nản thường xuyên, gần như mỗi ngày.
– Giảm quan tâm hay niềm vui với tất cả hoạt động, hay sở thích.
– Chán ăn, sụt cân hoặc thèm ăn, tăng cân.
– Mất ngủ thường xuyên.
– Kích động hoặc thao tác chậm, phản ứng chậm, nói chậm hơn bình thường.
– Thường xuyên mệt mỏi và mất năng lượng.
– Có cảm giác bất lực, tội lỗi quá mức, tự thấy bản thân kém cỏi.
– Suy giảm khả năng tập trung, do dự, khó quyết định mọi thứ.
– Thường xuyên có ý nghĩ về cái chết, thường xuyên có ý định tự tử.
Nên giúp đỡ người bị trầm cảm như thế nào?
Biết lắng nghe: Hãy cho họ biết rằng bạn sẵn lòng lắng nghe một cách chân thành nhất và thấu hiểu cảm xúc của họ.
Khuyến khích tìm kiếm sự trợ giúp: Hãy khuyến khích người thân của bạn tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia như bác sĩ tâm lý hoặc nhà tâm lý học. Đôi khi, họ cần sự hỗ trợ chuyên nghiệp để vượt qua trầm cảm.
Khuyến khích theo dõi phác đồ điều trị: Hỗ trợ người thân của bạn trong việc tuân thủ phác đồ điều trị được chỉ định bởi bác sĩ. Theo dõi quá trình điều trị và đảm bảo rằng họ tuân thủ đúng liều lượng và thời gian uống thuốc.
Giúp đỡ trong các hoạt động hàng ngày: Hãy chủ động giúp đỡ người thân của bạn trong các công việc hàng ngày như nấu ăn, làm việc nhà hoặc đi ra ngoài. Điều này có thể giúp giảm áp lực và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hồi phục.
Kiên nhẫn: Hãy kiên nhẫn và thông cảm khi bạn gặp phải người thân bị trầm cảm. Hiểu rằng quá trình hồi phục có thể mất thời gian và có những khó khăn. Luôn truyền đạt cho họ sự ủng hộ và sẵn lòng đứng về phía họ.
Nguồn tin: https://laodong.vn/suc-khoe/5-cach-de-dong-vien-nguoi-bi-tram-cam-1383977.ldo