Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 của iPOS.vn cho thấy, dù giảm 3,9% số lượng cửa hàng trên phạm vi toàn quốc nhưng doanh thu lại tăng trưởng tích cực.
Kết qủa này được nghiên cứu, tổng hợp từ gần 1.000 nhà hàng/quán café, hơn 2.300 thực khách và 1.307 nhân ngành ẩm thực và đồ uống (F&B) tại Việt Nam và tham chiếu các số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường, ý kiến các chuyên gia.
DOANH NGHIỆP NGƯỢC SÓNG
Ông Vũ Thanh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần iPOS.vn, cho biết trong nửa đầu năm 2024 toàn bộ ngành dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực F&B gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp F&B Việt Nam cho thấy sự linh hoạt đáng kinh ngạc khi nhanh chóng điều chỉnh hoạt động, cắt giảm chi phí không cần thiết và tối ưu hóa dòng tiền. Đồng thời, sáng tạo không ngừng trong việc phát triển sản phẩm, điều này mang đến những trải nghiệm ẩm thực mới lạ, thu hút đông đảo thực khách.
Trong thời gian đó, cả nước ghi nhận khoảng 304.700 cửa hàng, giảm tới 3,9% so với số liệu năm 2023. Có ít nhất 30.000 cửa hàng trên toàn quốc đóng cửa, cùng với số lượng mở mới có phần hạn chế.
TP. Hồ Chí Minh là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi giảm 5,97% số lượng cửa hàng trên toàn thành phố. Tại Hà Nội, số lượng cửa hàng đạt mức tăng trưởng nhẹ khoảng 0,1%.
Đại diện iPOS.vn đánh giá 6 tháng đầu năm thực sự là thời điểm khó khăn cho nền kinh tế nói chung cũng như đối với ngành F&B nói riêng. Số lượng cửa hàng với tuổi thọ ngắn dưới 3 tháng hoạt động đang tồn tại nhiều tại các thành phố lớn. Thời điểm này được coi là cuộc đại thanh lọc với ngành F&B.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, tổng giá trị doanh thu ngành F&B gây bất ngờ với con số 403,9 nghìn tỷ đồng, tương ứng 68,46% doanh thu cả năm 2023.
Lý giải doanh thu toàn ngành vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan, đại diện iPOS.vn cho rằng điều này có thể do các cửa hàng F&B thời gian qua tích cực đưa ra nhiều các chương trình khuyến mại để kích cầu, từ đó khách hàng ra quyết định mua hàng nhiều hơn.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang có xu hướng tiêu dùng thông minh hơn. Theo đó, thực khách sẽ chi trả mức chi phí cao hơn cho mỗi lần dùng bữa bên ngoài nhưng với kế hoạch rõ ràng hơn so với việc dùng bữa một cách ngẫu hứng. Yếu tố tiêu dùng có thể là một điểm nhấn tích cực trong giai đoạn đại thanh lọc của toàn bộ thị trường F&B tại Việt Nam.
Theo đó, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thị trường đồ ăn các doanh nghiệp ngược sóng vẫn tìm phương án để cải thiện tình hình kinh doanh, đón đầu các xu hướng tiêu dùng, chính sách vĩ mô và đang tìm kiếm mọi cách để thu hút và giữ chân khách hàng.
Kết quả khảo sát của iPOS.vn cho thấy 25% cửa hàng cho rằng chương trình khuyến mãi là một công cụ hiệu quả để tăng lượng khách hàng đến quán.
Chương trình khuyến mãi đang dần được doanh nghiệp F&B đặt ra thông minh hơn ví dụ, giảm 10% cho đặt bàn trước (mô hình nhà hàng dịch vụ đầy đủ) hay đi 4 thanh toán 3 (mô hình nhà hàng buffet), đang là những chương trình khuyến mãi phổ biến, giúp tăng lượng khách hàng tới trải nghiệm.
Bên cạnh đó, kinh doanh trên nền tảng trực tuyến cũng cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trước sức ép đang dần trở nên khốc liệt, các nhà kinh doanh trên ứng dụng trực tuyến về giao nhận đồ ăn và thức uống đang nỗ lực chuyển đổi để cân bằng bài toán chi phí vận hành và doanh thu để có thể bám trụ và khai thác tiềm năng thị trường. Ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Cơm Thố Anh Nguyễn cho rằng có sự thay đổi nền tảng kinh doanh trực tuyến trong nhiều năm trở lại đây, do đó, doanh nghiệp cần tối ưu vận hành, kiểm soát chi phí để đem đến hiệu quả tốt nhất.
Cũng theo iPOS.vn, tác động của Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt vẫn còn khá rõ rệt đối với ngành kinh doanh đồ uống có cồn. Mặc dù quy định này đã được triển khai trong nhiều năm nhưng chỉ có 10,8% doanh nghiệp cho rằng khách hàng hoàn toàn làm quen với việc không lái xe sau khi uống rượu bia.
Điều này cho thấy việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng là một quá trình lâu dài và cần có sự phối hợp của nhiều bên bao gồm cả các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân.
KHÓ KHĂN NHƯNG NHÀ HÀNG VẪN ĐÔNG KHÁCH
Báo cáo iPOS.vn cũng cho thấy sự khó khăn của nền kinh tế không làm giảm đi niềm yêu thích ẩm thực của người Việt Nam. Tại bất kỳ thời điểm nào, người tiêu dùng vẫn tìm ra cách thích nghi. Dù khó khăn của nền kinh tế và áp lực từ cuộc sống thường ngày, dịch vụ F&B vẫn phần nào là một điểm đến giải tỏa sau những giờ làm việc vất vả. Thay vì giảm chi tiêu cho ăn uống bên ngoài, nhiều người được hỏi cố gắng giữ tần suất đi ăn ngoài nhưng có kế hoạch cụ thể hơn về chi tiêu.
“Theo khảo sát, các mức tần suất cao (3-4 lần/tuần, hàng ngày) đều gần như không thay đổi so với năm 2023. Đồng thời, nhóm khách hàng có tần suất 1-2 lần/tuần, có xu hướng tăng lên 4,1% so với năm trước. Nhìn chung, nhóm khách hàng trung thành vẫn duy trì thói quen ăn uống như trước đây, cho thấy sức hút của ngành F&B vẫn rất lớn”, iPOS.vn đánh giá.
Cũng theo iPOS.vn, một xu hướng đáng chú ý trong năm nay là sự dịch chuyển rõ rệt sang phân khúc cao cấp hơn khi thực khách ăn bữa tối, đây vẫn luôn là thời điểm người Việt chi tiêu nhiều nhất cho ăn uống bên ngoài.
Cụ thể, tỷ lệ người tiêu dùng sẵn sàng chi từ 51.000 – 71.000 đồng cho một bữa tối, tăng 5,7% so với năm trước. Hơn nữa, 20% người Việt còn sẵn sàng chi hơn 100.000 đồng cho một bữa tối và tăng 5,1% so với năm 2023.
Điều này cho thấy, sức mua của người tiêu dùng Việt đang ngày càng tăng và họ không ngần ngại chi tiêu cho những trải nghiệm ẩm thực hàng ngày chất lượng.
Dù bữa trưa vội vàng đang dần trở nên ngày càng đắt đỏ hơn, do chi phí nguyên vật liệu ngày càng tăng cao song có tới 61,4% thực khách được hải chi tiêu ở mức 31.000 – 51.000 đồng cho chi phí bữa trưa, tăng tới 13,7% so với nghiên cứu năm 2023. Hiện phân khúc giá này đang cạnh tranh vô cùng gay gắt dẫn đến người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn phong phú, trong khi chi phí đang ăn mòn lợi nhuận của các cửa hàng kinh doanh đồ ăn nhanh tại Việt Nam.
Còn mức chi cho việc đi café giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2024, với tần suất cũng giảm đáng kể. Tỷ lệ người chi tiêu trên 100.000 đồng/ly đã giảm mạnh từ 6% xuống còn 1,7%. Điều này cho thấy kinh tế khó khăn đã khiến người tiêu dùng phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong việc chi tiêu cho những dịch vụ không thiết yếu.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/doanh-thu-nganh-fb-van-cao-ngat-nguong-du-kinh-te-kho-khan.htm