Hoàng Doãn Duy, sinh năm 1998, sở hữu xe Porsche, Aston Martin Lagonda, 400 mẫu đất trồng lá chè (đơn vị đo diện tích tại Trung Quốc), sau khi tốt nghiệp đại học, anh quay trở về quê thuộc một huyện nhỏ thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, không phải bán trà, anh kiếm được tiền thông qua việc chăm sóc lá chè giúp khách hàng.
01
Động lực muốn kiếm tiền từ sớm
Ngay từ khi học năm nhất đại học vào năm 2016, Hoàng Doãn Duy đã bắt đầu nghĩ cách kiếm tiền, lý do là bởi “Vì khi đó nghèo, rất nghèo. Hồi đi học cấp 2, cấp 3 tôi chưa bao giờ dám rủ bạn bè về nhà, tan học cũng không dám đi về cùng bạn bè, đợi bạn bè về hết rồi tôi mới dám về. Lần đầu tiên tôi tới ngôi nhà của mình, tường khi đó không phải màu trắng, chỉ toàn một màu xám, tôi ấn tượng rất sâu sắc mẹ tôi khi đó tự mình phải cầm cây sơn để sơn lại tường. Tới tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in cảnh tượng đó. Có lẽ, nghèo chính là động lực. Vì quá sợ nghèo, nên tôi không cho phép bản thân mình lười biếng dù chỉ một giây”.
“Vì khi đó kinh tế không tốt, tôi không có cách nào chọn hoàn cảnh gia đình nên khi đó tôi quyết tâm muốn làm chủ cuộc sống của mình, muốn làm được điều đó thì chỉ có thể tự mình kiếm tiền. Tôi nghĩ đây là điều mà ai cũng muốn, ai cũng muốn kiếm tiền để có một cuộc sống tốt đẹp hơn“, Hoàng Doãn Duy chia sẻ.
02
Bắt đầu con đường kinh doanh ở tuổi 18
Công việc đầu tiên của Hoàng Doãn Duy trong khoảng thời gian đợi nhập học là gia sư và nhân viên phục vụ tại quán bar, “ban ngày tôi làm gia sư, ban đêm làm việc tại quán bar, một tháng kiếm được hơn 6000 tệ (khoảng 20 triệu đồng), bình thường thu nhập kì hè của người khác chỉ là 2000 tệ.”
Chân ướt chân ráo lên thành phố, cậu thiếu niên 18 tuổi Hoàng Doãn Duy cũng từng bị người khác lừa tiền, “Khi đó trên mạng có người nói sẽ dạy cách bán hàng trên Taobao, cách bán hàng mà không cần nhập hàng gì đó, khi đó tôi cũng muốn tự mình bán một cái gì đó kiếm tiền, kết quả là bị lừa.”
Sau khi nhập học, chính thức trở thành sinh viên năm nhất, Hoàng Doãn Duy có cơ hội gặp và làm quen với một người anh cùng quê học khóa trên, hai người hợp tác bán máy giặt cho sinh viên, “sau đó thì anh ấy chuyển hết công việc làm ăn của mình cho tôi, tôi trả anh ấy 5000 tệ (khoảng 17 triệu đồng).”
“Máy giặt thì chúng tôi tìm tới những người có uy tín để nhập hàng, mỗi chiếc khi đó có giá khoảng 800-900 tệ, giá nhập khoảng 500-600 tệ, có người mua chúng tôi sẽ chở tới tận nơi ở và lắp đặt cho họ. Khi đó chúng tôi thuê một nhóm sinh viên muốn kiếm thêm tiền làm cộng tác viên, mỗi chiếc bán được sẽ được chia lợi nhuận, bán được bao nhiêu chiếc sẽ có tiền thưởng“, Hoàng Doãn Duy chia sẻ về công việc kinh doanh nghiêm túc đầu tiên của mình.
Ngoài việc bán máy giặt, chàng trai 25 tuổi này còn từng hợp tác với một vài người bạn mở một quán trà sữa, “Năm thứ 2, tôi từng mở một cửa hàng trà sữa, mở cùng một vài người bạn. Ngoài bán máy giặt ra thì còn bán trà sữa, mở được 9 tháng, mở trong trường, tiền thuê một năm hơn 10.000 tệ, một ngày bán được 400 tệ. Tháng nào cũng lỗ, một tháng lỗ khoảng 5000-6000 tệ. Tôi và một người bạn khác mỗi người lỗ 30.000 tệ (khoảng 103 triệu đồng)“, Hoàng Doãn Duy nhớ lại.
03
Bén duyên với lá chè
Vì ở quê có nghề trồng chè, gia đình của Hoàng Doãn Duy cũng không ngoại lệ, sau dịp nghỉ lễ Quốc Khánh, anh mang một ít lá chè của gia đình lên cho một vài người bạn làm quà, “ban đầu tôi cũng không nghĩ sẽ bán, chỉ đơn giản là mang tặng bạn bè, họ nói thấy ngon, muốn bán, lúc này tôi mới nghĩ liệu có thể kiếm tiền từ việc này hay không.”
Dịp Tết của một năm nọ, anh bán được 10.000 tệ (khoảng 34 triệu đồng) tiền bán lá chè, “Vì mọi người về nhà ai cũng muốn mua quà về cho gia đình, khi đó tôi đi giới thiệu với tất cả bạn học mà mình biết. Ban đầu chỉ tập trung bán cho bạn bè, thầy cô, anh chị khóa trên, sau đó tôi bắt đầu bán trên Xianyu (một ứng dụng trao đổi buôn bán hàng hóa).”
Hoàng Doãn Duy chia sẻ bản thân rất thích xem những câu chuyện về khởi nghiệp, học tập những người từng trải, anh bắt đầu mở bán lá chè trên Pingduoduo (một sàn thương mại điện tử), “có những đợt 1 tuần có thể có 1000-2000 đơn hàng, bán với giá 9,9 tệ, không kiếm được là bao nhưng bù lại có được một lượng khách hàng.“
Hình thức marketing của Hoàng Doãn Duy cũng vô cùng đặc biệt, anh sử dụng hình thức bình luận để quảng cáo dưới các bài viết trên Toutiao (một trang thông tin điện tử), để lại thông tin liên lạc của mình trên Wechat (ứng dụng liên lạc) dưới mỗi phần bình luận, “Dạo đó không học hành đàng hoàng, suốt ngày chỉ đi bình luận. Tôi nhớ có một lần, tôi cũng vẫn đi bình luận vào các bài viết như mọi ngày, bài viết vừa hay đó được vô cùng nhiều lượt đọc, bình luận của tôi lại là bình luận đầu tiên, kết quả là tôi cũng nhờ vậy mà hot theo. Lúc về kí túc xá, tôi phát hiện ra có hơn 100 người kết bạn với tôi, ngày hôm sau 300-400 người gửi lời mời kết bạn cho tôi, khoảng thời gian đó, một ngày có thể bán được 10.000 tệ.”
Sau khi tốt nghiệp, Hoàng Doãn Duy sớm đã kiếm được 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,4 tỷ đồng) nhờ sự đa-zi-năng của mình, và, “tôi bỏ ra 700.000 tệ ( khoảng 22 tỷ đồng) để mua Porsche. Khi đó ngoài việc không học hành đàng hoàng ra việc gì tôi cũng làm, yêu cầu của tôi chỉ đơn giản là đủ điểm qua môn, cầm tấm bằng tốt nghiệp, thời gian còn lại đầu tư cho việc kiếm tiền, muốn thứ gì đó nhưng không thể xin ba mẹ thì phải tự mình kiếm, không có lựa chọn nào khác, chỉ có thể tự mình kiếm tiền.”
Sau đó, nhận thấy việc bán lá chè không đủ sức cạnh tranh, Hoàng Doãn Duy cho rằng thay vì làm tốt hơn, anh muốn làm gì đó khác biệt, làm thứ gì đó thật đặc biệt mà không nhiều người dám làm, “Thực ra, bắt đầu từ năm 2018 tôi đã bắt đầu hình thức nhận chăm sóc lá chè cho khách hàng, năm 3 đại học có được khách hàng đầu tiên, nhưng cả một năm đó có duy nhất một khách hàng.”
Chia sẻ về hình thức kinh doanh của mình, Hoàng Doãn Duy hào hứng, “ví dụ, nếu chúng tôi nhận chăm sóc 1 mẫu vườn trà tư nhân, chúng tôi sẽ làm cho khách hàng một tờ giấy kỉ niệm, kiểu như “trên trái đất này, có một vườn trà thuộc về tôi”. Tiền thuê một mẫu lá chè có giá 18.000 tệ (khoảng 58 triệu đồng), sau một năm, chúng tôi có thể giao cho khách hàng 40kg lá chè đóng gói theo yêu cầu của cá nhân khách hàng, Khách hàng có thể yêu cầu dán nhãn tên hoặc logo của mình. Khách có thể tự uống, cũng có thể dùng làm quà tặng, cũng có thể mang đi bán số lá chè đó.”
Khi được hỏi khách hàng có được gì từ dịch vụ này, Hoàng Doãn Duy thẳng thắn, “Đầu tiên là lá chè. Thứ hai là phương diện thể diện, có một thứ gì đó mang tên mình, chúng tôi thậm chí còn cung cấp cho khách hàng một video vô cùng xịn xò, khách hàng đăng lên trang cá nhân, thỏa mãn giá trị cảm xúc của bản thân. Chưa kể, nó cũng có thể trở thành một nghề tay trái hết sức ổn định. Có người muốn bán trà, có người muốn bán sản phẩm, nếu bạn bán sản phẩm của người khác vậy thì bạn chỉ là kinh doanh trung gian, nhưng nếu bạn thầu một vườn trà của chúng tôi, nhờ chúng tôi chăm sóc, chúng tôi giúp bạn đóng gói, như vậy thì độ tin cậy sẽ lớn hơn. Ngay cả khi không bán đi được cũng có thể tự mình uống, còn có thể làm quà tặng mang đi biếu. Chẳng hạn 1 mẫu sản xuất được 40kg, khách hàng muốn bán cho 80 người, họ không cần làm gì, chúng tôi giúp họ đóng gói rồi vận chuyển tới địa chỉ của người mua, họ chỉ cần gửi địa chỉ của khách hàng cho chúng tôi, chúng tôi có thể vận chuyển tới tay 80 người tiêu dùng. Thời hạn sử dụng của lá trà đủ lâu, năm nay không bán được, năm sau bán. Trước mắt chúng tôi thu phí theo năm chứ không phải bán đứt luôn.”
04
Ý nghĩa của việc kiếm tiền
Trước khi tốt nghiệp, Hoàng Doãn Duy đã kiếm được cho mình 1 triệu tệ đầu tiên và trở thành “triệu phú”. Hiện tại, nhờ công việc kinh doanh trước mắt, anh kiếm được tiền dư giả để mua những chiếc xe đắt đỏ nhất.
Khi được hỏi về khó khăn trên con đường khởi nghiệp, Hoàng Doãn Duy khiêm tốn, “Tôi không cảm thấy mình vất vả, ngoài kia còn nhiều người vất vả hơn tôi.”
Bàn về việc người trẻ nên học hành thật tốt hay lập nghiệp kiếm tiền từ sớm, Hoàng Doãn Duy cũng có những kiến giải của riêng mình, “tôi nghĩ vẫn là nên đi học, tuy cả 4 năm đại học tôi tập trung nhiều hơn vào việc kiếm tiền, con đường học hành tuy không có thành tựu nhưng việc đi học đại học không phải là vô ích, tôi quen được rất nhiều người, những người mà bạn quen biết, giao tiếp là vô cùng quan trọng. Khách hàng đầu tiên tìm tới tôi nhờ tôi chăm sóc lá chè chính là người bạn đại học của tôi.”
“Với tôi, ý nghĩa của việc kiếm tiền là mang lại cho bản thân và gia đình một cuộc sống tốt đẹp hơn”, Hoàng Doãn Duy chia sẻ.
Nguồn tin: https://cafef.vn/sinh-nam-1998-khoi-nghiep-voi-mo-hinh-cham-soc-la-che-giup-khach-hang-25-tuoi-so-huu-sieu-xe-hon-20-ty-dong-so-ngheo-nen-toi-khong-dam-luoi-du-chi-mot-giay-188240820201607024.chn