Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngày 20/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, giám sát nhằm đánh giá thực trạng nguồn nhân lực; làm rõ kết quả, hạn chế, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và giải pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển và sử dụng nguồn nhân lực.
Cơ quan trong diện giám sát gồm Chính phủ; các bộ Giáo dục và Đào tạo; Lao động Thương binh và Xã hội; Nội vụ; Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành liên quan. Ngoài ra, UBND 63 tỉnh thành và các cơ quan chuyên môn trực thuộc cũng trong diện giám sát về phát triển nhân lực.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn góp ý nên tập trung giám sát địa phương theo tiêu chí đại diện vùng miền, là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực. Đề cương giám sát nên làm rõ hơn về cơ cấu nguồn nhân lực hiện nay để đặt ra tiêu chí đào tạo, sử dụng hợp lý.
Hoạt động đào tạo phải đảm bảo có đầu ra, việc làm, đúng ngành nghề xã hội cần. “Có thời gian học theo phong trào, học vi tính, học quản trị kinh doanh, xã hội học, thấy lĩnh vực gì dễ thì đăng ký học nhưng không có việc làm, thầy nhiều hơn thợ”, ông Mẫn nói.
Chủ tịch Quốc hội đồng tình ngành nào cũng cần nhân lực chất lượng cao, song trong bối cảnh hiện nay cần tập trung cho lĩnh vực trọng tâm, then chốt. Đó là công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, thiết bị điện tử, viễn thông, thiết kế và sản xuất chip bán dẫn, công nghiệp năng lượng, ưu tiên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề xuất cá thể hóa đề cương giám sát cho từng vùng, miền hay địa phương, vì đặc thù mỗi nơi khác nhau. Bà lấy ví dụ, Đại học Thái Nguyên có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực không chỉ cho tỉnh Thái Nguyên mà cả vùng Việt Bắc. Nếu đề cương giám sát áp dụng cho tỉnh Bắc Kạn, nơi không có một trường đại học nào thì chưa hợp lý.
Bà Hải cũng đề nghị kế hoạch giám sát cần làm rõ mô hình hiệu quả thu hút nhân lực, nhân tài của địa phương. Trong đó có chính sách như đưa vào vị trí quản lý, đãi ngộ về nhà ở, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao xây dựng kinh tế địa phương.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thuong-vu-quoc-hoi-se-giam-sat-ve-phat-trien-nhan-luc-chat-luong-cao-4783694.html