Kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2019, nam sinh Trần Hoàng (Giang Tây, Trung Quốc) đạt số điểm 425/750 điểm, đủ để cậu lựa chọn trường đại học tốt tại địa phương. Thế nhưng cậu lại nhận giấy báo nhập học của một ngôi trường cao đẳng không có danh tiếng dù chưa từng đăng ký. Chuyện gì đã xảy ra?
Giả mạo đơn đăng ký nguyện vọng
Sau khi thi xong, nam sinh Trần Hoàng cùng bạn thân Lý Tăng đăng ký làm thêm tại ở thành phố Hàng Châu và chuyển đến ký túc xá của công ty. Vào ngày mở cổng thông tin điền nguyện vọng, Trần Hoàng đã đăng ký một đại học vốn có điểm đầu vào cao, còn Lý Tăng điểm kém hơn chỉ có thể chọn học cao đẳng.
Hai ngôi trường họ chọn có vị trí rất xa nhau, điều này khiến Lý Tăng vừa cảm thấy ghen tỵ với điểm thi của bạn, vừa cho rằng Trần Hoàng không muốn cả hai chơi thân nữa. Vốn Trần Hoàng và Lý Tăng có học lực tương đối ngang nhau, nhưng kết quả thi lại chênh lệch do Lý Tăng bất cẩn phạm nhiều lỗi sai cơ bản. Thế nhưng điều này càng làm nam sinh này thấy bất công với bản thân, còn cho rằng Trần Hoàng quá may mắn.
Sau ngày điền nguyện vọng, Lý Tăng lợi dụng việc Trần Hoàng đi làm ca đêm để lấy máy tính truy cập vào cổng thông tin tuyển sinh. Do chơi thân nên nam sinh biết mật khẩu của bạn, dễ dàng thay đổi nguyện vọng đầu tiên của Trần Hoàng thành chính trường cao đẳng mà Lý Tăng đăng ký, đồng thời xoá các lựa chọn khác để đảm bảo Trần Hoàng chỉ có thể đỗ duy nhất 1 trường.
Do công việc bận rộn, Trần Hoàng không để ý đến việc bản thân bị thay đổi nguyện vọng. Chỉ đến ngày nhận giấy báo nhập học, Trần Hoàng mới ngỡ ngàng khi không có thư mời từ ngôi trường cậu mong muốn mà là của trường cao đẳng điểm thấp.
Nhận thấy việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của bản thân nên Trần Hoàng đã nộp đơn khiếu nại lên Phòng Giáo dục địa phương để được tra soát nguyên nhân dẫn đến sự nhầm lẫn này.
Sai lầm bồng bột, hậu quả nghiêm trọng
Biết Trần Hoàng nộp đơn khiếu nại thì các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra, Lý Tăng lập tức tự thú, khai nhận hành vi với cảnh sát. Theo quy định của Bộ luật Hình sự Trung Quốc, hành vi tự ý xoá, sửa hoặc xử lý dữ liệu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử phạt tù không quá 5 năm. Nếu việc giả mạo đơn đăng ký dẫn đến xâm phạm quyền lợi cá nhân, tài sản, có thể bị xử lý hình sự.
Sau đó, Viện Kiểm sát địa phương quyết định không truy tố Lý Tăng do tình tiết phạm tội không nghiêm trọng, đã nhận tội và chấp nhận hình phạt, cũng như bồi thường cho người bị hại. Gia đình Lý Tăng và Trần Hoàng đã đạt thoả thuận về việc bồi thường, dù thực tế Trần Hoàng vẫn phải chấp nhận thi lại 1 năm vì các trường đã hết thời hạn đăng ký tuyển sinh.
Năm 2023, vụ việc tương tự xảy ra ở tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) khi một nữ sinh cho biết đơn đăng ký thi tuyển sinh đại học của cô đã bị giả mạo, dẫn đến thay đổi kết quả thi. Sau khi cảnh sát vào cuộc điều tra, thủ phạm chính là bạn cùng lớp của nữ sinh.
Do mối quan hệ không tốt nên người này đã tìm cách chụp lại giấy đăng ký dự thi có thông tin của nữ sinh trên, sau đó truy cập cổng thông tin để đổi các nguyện vọng. Các cơ quan chức năng lưu ý các thí sinh nên nâng cao cảnh giác với thông tin cá nhân của bản thân, cũng như kiểm tra, theo dõi kỹ càng quá trình nộp hồ sơ thi đại học để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.
Nguồn tin: https://cafef.vn/nam-sinh-diem-cao-bang-hoang-nhan-giay-bao-nhap-hoc-tu-truong-cao-dang-khong-dang-ky-canh-sat-chua-dieu-tra-1-nguoi-da-lap-tuc-tu-thu-188240820141407845.chn