Cô gái người Dao tên Pu – Thu Hà Ceri đóng – đậu đại học nhưng bị bố ép lấy chồng, trong phim “Đi giữa trời rực rỡ”.
* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Trong số nhiều phim truyền hình về đề tài cuộc sống gia đình hiện đại, Đi giữa trời rực rỡ của đạo diễn Đỗ Thanh Sơn gây chú ý khi mô tả sinh hoạt của con người vùng cao. Không có dàn diễn viên nổi tiếng, dự án thu hút khán giả bằng nội dung nhẹ nhàng, khai thác đề tài cuộc sống người trẻ.
Nội dung xoay quanh Pu – cô gái ưa khám phá, không muốn quanh quẩn ở ruộng nương rồi lấy chồng sớm như bạn bè cùng lứa. Khi đậu đại học, Pu đối mặt nhiều rắc rối khi cha không lo tiền học phí, còn Chải (Nguyễn Long Vũ) – người bạn thân từ nhỏ, muốn cưới cô. Cuộc hôn nhân ban đầu được sắp đặt để giải quyết nợ nần, nhưng sau đó Chải phải lòng Pu.
Tác phẩm lồng ghép câu chuyện tình yêu và gia đình, làm nổi bật tính cách nhân vật chính. Pu luôn muốn thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Cô ra sức bảo vệ người yếu thế, đồng thời không muốn bị áp đặt bởi tục tảo hôn. Nhiều lần bị Chải bám đuổi, Pu liên tục từ chối tình cảm của anh. Cô luôn muốn rời vùng quê để lên thành phố trải nghiệm nhiều điều mới mẻ. Nhưng rào cản về kinh tế và gia đình khiến con đường cô chọn gặp nhiều chông gai.
Biên kịch miêu tả nhân vật với cảm xúc đa chiều, khiến người xem đồng cảm lẫn xúc động. Khi nói chuyện với bố, Pu thường cộc cằn vì không hiểu được suy nghĩ của ông, gây ra nhiều mâu thuẫn. Với mẹ và em gái, cô quan tâm, yêu thương họ. Còn khi nói chuyện bạn bè trong bản, Pu nhẹ nhàng, ân cần, thậm chí cô còn tìm cách giúp đỡ mẹ con Mẩy (Phan Thị Ngọc Thương) lúc sinh nở.
Trong tập bốn, khi thấy bố bán con trâu duy nhất trong nhà, Pu òa khóc vì thương con vật gắn bó với mình nhiều năm. Cô sẵn sàng giúp bệnh nhân trong khi chờ bác sĩ cứu chữa. Nhân vật quan niệm việc học tập và khám phá cuộc sống giúp bản thân trải nghiệm và trưởng thành. Sau khi có đủ kinh nghiệm, cô sẽ cống hiến và giúp sức cho quê hương phát triển.
Xen lẫn ước mơ của nữ chính là câu chuyện về vùng quê nghèo. Gia đình Pu vốn làm nghề hái thuốc, chỉ kiếm đủ miếng ăn cho bốn thành viên. Khi nghe tin Pu đậu đại học, mẹ cô – bà Dến (Vân Anh) – cố gắng xoay xở để lo cho con, còn bố Pu – ông Xuồn (Minh Hải) – ngăn cản chuyện học hành. Khi biết bà Dến trộm tiền để đóng học phí, ông Xuồn chì chiết vợ và con gái, khiến mối quan hệ gia đình căng thẳng.
Nỗi niềm của người đàn ông cô đơn khi vợ qua đời được thể hiện qua nhân vật bố Chải – ông Chiểu (Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Hải thủ vai). Ông là người nhiều của cải nhất vùng nhưng góa vợ, dành hết tình thương cho Chải dù cậu ham chơi, không lo học hành. Nội dung còn đề cập nạn tảo hôn, bạo lực gia đình qua tuyến truyện của các nhân vật phụ, qua đó cho thấy góc khuất của xã hội. Những câu chuyện đan cài với nhau, mô tả bất công mà phụ nữ phải đối mặt.
Màn diễn xuất của cặp diễn viên chính gây ấn tượng với người xem. Thu Hà Ceri có nhiều đất diễn, truyền tải sự thông minh, nỗ lực vươn lên số phận của nhân vật Pu qua hành động và biểu cảm gương mặt. Ở phân đoạn đóng chung với Long Vũ (vai Chải), Thu Hà Ceri bộc lộ nét đanh đá, cau có. Còn khi diễn với nghệ sĩ Vân Anh (vai bà Dến), cô toát lên sự dịu dàng, hiền hậu.
Long Vũ tròn vai thiếu gia được cưng chiều nhưng thiếu vắng tình thương của mẹ. Khán giả nhận xét anh có nét diễn tự nhiên, với nhiều hành động bộc phát của cậu thanh niên mới lớn. Dù lần đầu đóng chung, Long Vũ kết hợp ăn ý Thu Hà Ceri, thể hiện tính cách trẻ con nhưng giàu tình cảm. Nhân vật có một số câu nói tạo xu hướng như ”Pu chỉ cần làm vợ tôi thôi, cái gì tôi cũng gật”.
Tác phẩm có nhiều cảnh quay thiên nhiên vùng núi Cao Bằng, kết hợp nét văn hóa truyền thống. Hình ảnh thửa ruộng, con suối, thung lũng được nhà làm phim miêu tả qua góc máy toàn cảnh, cùng trang phục truyền thống của người Dao, tạo nên bầu không khí tươi mới, nhiều màu sắc cho dự án.
Tuy nhiên, phim còn nhiều hạn chế. Ở phân đoạn Mẩy bị băng huyết khi sinh con, cần tiền gấp để phẫu thuật trong tập 10, Pu gọi Chải đến để nhờ giúp đỡ. Thay vì nhẹ nhàng năn nỉ người bạn, cô quát Chải nhằm mượn tiền. Theo một số khán giả, biên kịch nên xây dựng vai Pu bản lĩnh, cá tính mạnh nhưng đồng thời phải biết tôn trọng người khác.
Một số ý kiến cho rằng khâu trang phục trong phim chưa chính xác. Khán giả Ma Thị Luyến (dân tộc Dao) cho biết điểm sai sót ở hình ảnh nhân vật nữ mặc lễ phục người Dao đỏ đi chăn trâu, hay nhân vật Chải đeo yếm nữ nhảy múa. Gia đình đãi khách trong bếp, phụ nữ ngồi quay lưng vào bàn thờ đều không đúng phép tắc, tín ngưỡng văn hóa người Dao.
Đại diện đoàn phim cho biết các trang phục được chuyên gia tư vấn và Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng xét duyệt. Song khán giả nói cách xây dựng hình ảnh người dân tộc mang định kiến, áp đặt.
Tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân nhận định phim ảnh không phải chỉ xem để giải trí mà còn cung cấp kiến thức, giáo dục, làm ảnh hưởng đến nhận thức khán giả. Sự sai lệch dù là vô tình dễ làm công chúng hiểu sai về văn hóa dân tộc.
Theo bà Hà Thanh Vân, trước khi thực hiện dự án đề tài văn hóa, êkíp nên tìm hiểu kiến thức qua những lần đi thực tế, khảo sát địa điểm ghi hình. Đội ngũ có thể mời người dân, chuyên gia tham gia với vị trí cố vấn văn hóa hoặc đóng phim. “Làm phim là quá trình tự học hỏi của thành viên êkíp, giúp họ có trải nghiệm, đưa chất liệu đời sống lên màn ảnh. Các nhà làm phim nên lắng nghe ý kiến phản hồi của công chúng để rút kinh nghiệm cho dự án sau”, bà Hà Thanh Vân nói.
Quế Chi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/giai-tri/phim/thu-vien-phim/di-giua-troi-ruc-ro-723