Trước đó, Thị trường Tài chính đã thông tin, Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Hiệp Phước (HPI) đã công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2024, ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 29,5 tỷ đồng, tăng 11,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kiểm toán từ Công ty TNHH Kiểm toán AFC Việt Nam đã lưu ý về ba vấn đề quan trọng, bao gồm các khoản trích lập dự phòng đối với đầu tư vào Khu kỹ nghệ Việt Nhật, trích trước giá vốn cho thuê đất, và thanh lý hợp đồng liên quan đến hoạt động cho thuê đất.
Tính tới cuối tháng 6/2024, HIPC có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, trong đó có 2 cổ đông lớn gồm CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc nắm 33% vốn và Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) nắm 41% vốn.
Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) nắm 41% vốn tại HIPC
Tân Thuận (IPC) lãi lớn nhờ doanh thu tài chính
Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (gọi tắt là Công ty Tân Thuận) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc UBND TP.HCM.
Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Ông Nguyễn Hữu Tín đang là Chủ tịch Hội đồng Thành viên của IPC.
Trong 6 tháng đầu năm, Tân Thuận ghi nhận vỏn vẹn 14,3 tỷ đồng doanh thu, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu hoạt động tài chính gấp tới 2,2 lần so cùng kỳ lên 929,2 tỷ đồng. Theo đó, lãi sau thuế của Tân Thuận cũng gấp 2,2 lần lên tới 897,3 tỷ đồng.
Tổng tài sản của doanh nghiệp tính tới 30/6/2024 đạt 4.754 tỷ đồng, giảm tới 25% so với đầu năm. Đáng chú ý, khoản tiền và tương đương tiền giảm sâu từ 231,5 tỷ đồng giảm xuống còn hơn 9 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn cũng giảm từ 2.281,6 tỷ đồng xuống 898,1 tỷ đồng.
Nợ phải trả tăng tới 39% lên 983,4 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cũng giảm mạnh từ 5.641 tỷ đồng xuống 3.770 tỷ đồng.
Tại báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024, Tân Thuận ghi nhận khoản lợi nhuận được chia từ Công ty TNHH Sepzone Linh Trung hơn 88 tỷ đồng và từ Công ty TNHH Phú Mỹ Hưng là 800,1 tỷ đồng
Tân Thuận xin giãn thời gian nộp ngân sách hơn 2.200 tỷ đồng
Vào đầu năm 2024, Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC), một trong 35 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại TP.HCM đã được UBND TP yêu cầu nộp khoản chênh lệch vốn chủ sở hữu vượt mức vốn điều lệ, với tổng số tiền lên đến 2.263,882 tỷ đồng.
Trong công văn gửi UBND TP.HCM, Công ty Tân Thuận cho biết, theo báo cáo của UBND TP, công ty này sẽ tiếp tục hoạt động dưới hình thức công ty TNHH MTV trong giai đoạn 2021-2025. Để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án chiến lược, tháng 6/2022, Công ty Tân Thuận đã đề xuất phương án tăng vốn điều lệ trong giai đoạn này, với tổng nhu cầu đầu tư lên đến hơn 2.300 tỷ đồng. Trong đó, dự án khu dân cư Hiệp Phước 1 cần thêm 2.100 tỷ và tòa nhà văn phòng IPC giai đoạn 2 cần hơn 240 tỷ đồng.
Tại thời điểm đầu năm, Công ty Tân Thuận đang tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan đến hai dự án này và hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Sở Tài chính, để trình UBND TP phương án tăng vốn điều lệ.
Tuy nhiên, theo Công ty Tân Thuận, nếu phải nộp ngay khoản tiền hơn 2.200 tỷ đồng theo quyết định của UBND TP, công ty sẽ gặp khó khăn lớn trong việc tiếp tục triển khai các dự án này, do thiếu hụt nguồn vốn. Tại thời điểm 31/12/2023, số dư tiền mặt và các khoản tương đương tiền của công ty chỉ khoảng 2.500 tỷ đồng. Nếu nộp toàn bộ số tiền yêu cầu, số dư còn lại chỉ là 41 tỷ đồng, trong khi chi phí thực hiện các dự án đang triển khai lên tới hơn 1.300 tỷ đồng.
Do đó, Công ty Tân Thuận đã kiến nghị UBND TP.HCM xem xét cho giãn thời gian nộp khoản tiền hơn 2.200 tỷ đồng này. Việc giãn thời gian sẽ giúp công ty tận dụng dòng tiền từ hoạt động tài chính trong năm 2023 và 2024, đảm bảo khả năng thanh toán và nghĩa vụ trả nợ, đồng thời cam kết sẽ nộp toàn bộ số tiền này trong năm 2024.
Trước đó vào năm 2021-2022, Ông Tề Trí Dũng (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận) và các thuộc cấp đã bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Theo truy tố, IPC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, còn Công ty phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) là công ty con của IPC. Năm 1997, UBND TP.HCM giao Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh làm chủ đầu tư dự án khu tái định cư An Phú Tây 47ha. Đến cuối tháng 4/2001, UBND TP.HCM chuyển giao dự án này cho SADECO. Tháng 9/2006, IPC đề nghị Ban quản lý khu Nam bố trí nền đất tái định cư, nhưng do không đủ nên Ban quản lý đề nghị IPC mua lại khu đất của SADECO. IPC và SADECO ký hợp đồng trị giá 214 tỷ đồng, IPC đã chuyển cho SADECO 208 tỷ đồng từ 7/2008 đến 11/2016.
Ngày 18/5/2016, Tề Trí Dũng ký tờ trình đề nghị Hội đồng thành viên IPC thông qua chủ trương giá bán sỉ các nền đất tại dự án An Phú Tây và được chấp thuận. Sau đó, SADECO đề xuất chuyển nhượng 35 nền đất với giá 7 triệu đồng/m2 cho nhiều cá nhân và được ký duyệt, trong khi giá thị trường tại thời điểm này thấp nhất là 8,16 triệu đồng/m2 và cao nhất là 16,8 triệu đồng/m2.
Từ năm 2016 đến năm 2018, IPC đã chuyển nhượng 149 nền đất, thu 186 tỷ đồng, trong khi giá thị trường là hơn 313 tỷ đồng, gây thất thoát 127 tỷ đồng. IPC đã chuyển tên 143/149 nền đất cho bốn cá nhân, những người này tiếp tục chuyển nhượng nên không thể thu hồi. 6/149 nền đất còn lại chưa chuyển tên, việc chuyển nhượng được xác định trái luật và cần thu hồi. IPC đã trả lại cho một cá nhân trên 9,1 tỷ đồng.
Tháng 6/2022, Tề Trí Dũng bị TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên phạt 19 năm tù về tội “tham ô tài sản” và “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” trong vụ án bán rẻ 9 triệu cổ phần SADECO cho Nguyễn Kim.
>> Nhân viên Nhà Khang Điền (KDH) sắp được mua cổ phiếu giá siêu ưu đãi
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/cong-ty-tan-thuan-ipc-doanh-thu-leo-teo-van-lai-gan-1-000-ty-dong-tien-mat-dang-can-dan-151834.html