Mâm cơm ngập màu sắc của con gái nấu cho cho mẹ mắc ung thư
Tháng 3/2023, cô Ngọc – mẹ của chị Phan Hiếu (SN 1993, Huế) đến viện khám sức khỏe sau một thời gian đau lưng kéo dài. Sau khi khám lâm sàng, siêu âm và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ chẩn đoán cô Ngọc đã mắc bệnh ung thư buồng trứng.
Nhận tin mẹ mắc ung thư, giống như bao người khác, chị Hiếu cũng có chung tâm lý lo lắng, hoang mang. Nhưng không dành nhiều thời gian để bi lụy, chị quyết định “biến đau thương thành hành động”.
Thay vì ngồi một chỗ ủ rũ và lo lắng những gì chưa xảy ra, chị Hiếu đã nghiên cứu, tìm hiểu để hàng ngày nấu cho mẹ những bữa ăn không chỉ đủ chất mà còn đẹp mắt và ngon miệng. Tất cả vì mục đích giúp mẹ có đủ sức khỏe và tinh thần để theo phác đồ của bác sĩ.
“Mình biết ở bệnh nhân ung thư, ngoài tinh thần lạc quan ra thì chế độ ăn uống rất quan trọng. Hơn nữa, việc lên thực đơn ăn uống mỗi ngày sẽ quyết định tới kết quả ở mỗi đợt hoá trị rất nhiều. Mẹ chăm sóc cho mình cả đời rồi nên giờ mẹ đau mình muốn mỗi ngày dành 1 ít thời gian để lo chuyện ăn uống cho mẹ“, chị Hiếu tâm sự.
Chị Phan Hiếu và mẹ (Ảnh: NVCC).
Thực đơn của mẹ được chị Hiếu chia nhỏ thành nhiều bữa, xếp sẵn thời gian biểu như sau:
– 6h phơi nắng + tập thể dục.
– 7h uống yến + ăn sáng: Bữa sáng thường có khoai lang/sữa yến mạch.
– 8h: Uống nước dừa.
– 9h: Uống nước cam.
– 10h: Uống nước ép rau củ (cải kale, cần tây, táo, dưa chuột, ớt chuông,…).
– 11h: Ăn cơm 1/2 chén gạo lứt.
– 2h chiều: 1 quả bơ hoặc các loại trái cây ít ngọt.
– 5h30 chiều: Ăn cơm tối.
– 7h tối: Ăn bột sắn dây.
Những bữa cơm ngon lành, nhiều màu sắc, đầy đủ dinh dưỡng mà chị Hiếu nấu cho mẹ (Ảnh: NVCC).
Nguyên tắc khi chế biến thực phẩm cho bệnh nhân ung thư
Chị Hiếu chia sẻ rằng kể từ khi mẹ mắc bệnh, chị giữ nguyên tắc nấu đồ ăn nhạt, không nêm gia vị nhiều. Hơn nữa còn nấu bằng muối hồng. Thực đơn hàng ngày cố gắng bổ sung nhiều rau xanh, ít thịt đỏ, ít ăn đồ kho và xào thay vào đó là ăn nhiều đồ hấp, luộc… Đồ ăn được sử dụng khi ở chế độ ấm, không ăn quá nóng, cũng không ăn cay.
Bữa cơm sẽ đầy đủ rau, cá, tôm, canh. Ngoài ra, hàng ngày chị cũng chuẩn bị cho mẹ một loại sữa hạt và một loại nước ép.
Vào 9h sáng mỗi ngày, cô Ngọc đều sẽ thưởng thức một cốc nước ép mà con gái chuẩn bị sẵn. Khi là cải kake + táo + ớt chuông, lúc lại là cần tây ép cùng táo, dưa leo, hoặc chỉ đơn giản là nước ép củ dền, nước ép cà rốt…
Các thức uống ngon lành mà chị Yến chuẩn bị cho mẹ mỗi ngày (Ảnh: NVCC).
Vào 2h chiều, chị Hiếu hay chuẩn bị cho mẹ mình sữa yến mạch + mè đen, sữa hạt macca + yến mạch, sữa hạnh nhân + yến mạch…
Chị Hiếu tâm sự, trong nhà có 2 loại máy là máy làm sữa hạt và máy ép hoa quả, cứ thay phiên nhau làm việc liên tục, không nghỉ ngày nào.
Trong thực đơn mỗi ngày, các loại rau củ họ cải, đặc biệt là bông cải xanh xuất hiện rất nhiều. Bởi theo tìm hiểu của chị Hiếu, loại rau này cung cấp một lượng đáng kể vitamin C rất quan trọng với hệ thống miễn dịch. Thêm nữa, bông cải xanh còn chứa sulforaphane, một hợp chất thực vật có tác dụng cải thiện sức khỏe não bộ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sulforaphane giúp giảm viêm và bảo vệ tế bào não khỏi bị tổn thương, tác động tích cực đến sức khỏe.
Sữa bột yến mạch cũng là thức uống chị thường xuyên làm để bồi bổ cho mẹ. Bột yến mạch chứa một lượng lớn carbohydrate, protein và chất chống oxy hóa, cũng như nhiều chất béo có lợi cho sức khỏe hơn đa phần các loại ngũ cốc khác. Bột yến mạch cũng giúp cân bằng đường ruột, vì có beta glucan, một loại chất xơ hòa tan loại vi khuẩn tốt trong đường ruột. Bản chất không có mùi vị và kết cấu mịn của bột yến mạch đặc biệt có lợi nếu bạn đang gặp phải các tác dụng phụ thông thường của hóa trị như khô miệng hoặc lở miệng.
Ngoài ra, bơ cũng là loại trái cây được chị Hiếu tích cực bổ sung vào chế độ ăn cho mẹ. Chị chia sẻ, quả bơ chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn tốt cho sức khỏe, có thể giúp giảm cholesterol LDL (xấu) và tăng cholesterol HDL (tốt).
“Bơ được coi là một quả bổ sung dinh dưỡng khi đang hóa trị ung thư giúp cải thiện chứng khô miệng, táo bón, lở miệng. Các bạn có thể xay nhuyễn và phết chúng lên bánh mì nướng hay cắt lát để phủ lên bát ngũ cốc, đậu hoặc súp“, chị Hiếu chia sẻ.
Các bữa cơm chị Hiếu nấu cho mẹ bao giờ cũng đa dạng các loại thực phẩm và đặc biệt nhiều rau xanh (Ảnh: NVCC).
Những ngày trước và sau hoá trị, cô Ngọc được con gái cho uống thêm nước ép củ dền và nước mía để bổ sung chất sắt. Bên cạnh đó, cô cũng ăn thêm các bữa ăn là hải sản (hàu, ốc, tôm, mực…) để có thêm thức khỏe.
Nhờ có con gái chăm sóc chu đáo về mặt dinh dưỡng, cô Ngọc hiện tại đang có sức khỏe tốt sau 3 đợt truyền hóa chất.
Chị Hiếu kể: “Đầu mỗi đợt hoá trị, mẹ được test máu và kết quả các chỉ số về bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu của mẹ đều tốt, không thiếu. Thực ra trước đây mẹ mình chưa bao giờ ăn theo chế độ này. Nhưng kể từ khi biết bị bệnh mẹ cũng rất cố gắng chăm lo cho việc ăn uống.
Nhiều người cứ bảo mẹ mình sao ăn uống giỏi vậy? Hoá trị về mà không mệt à? Mệt chứ, có khi mấy ngày đầu sau hoá trị về mẹ mình chỉ nằm mà không ăn uống được, mỏi tay mỏi chân, nôn thốc nôn tháo đấy chứ. Nhưng cứ nghĩ về con về cháu, về gia đình là cố gắng vực dậy ăn uống, mình làm món gì ra mẹ cũng ủng hộ và ăn hết phần”, chị Hiếu tâm sự.
Chị Hiếu cũng chia sẻ, mỗi ngày chị đều chuẩn bị bữa ăn cho mẹ từ bữa sáng đến bữa tối, cẩn trọng và chi tiết đến từng thứ một… chị coi đó là niềm vui và hạnh phúc chứ không hề thấy mệt. Với những bữa ăn mình nấu, chị chỉ mong muốn mẹ sẽ luôn có sức khỏe thật tốt.
Hơn nữa, chị cũng mong muốn có thể truyền động lực đến những bệnh nhân bị ung thư, đó là hãy duy trì một chế độ ăn hợp lý, khoa học. Và quan trọng là cần có niềm tin vào cuộc đời, để vui vẻ, lạc quan chiến thắng bệnh tật.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 95.000 người qua đời vì bệnh ung thư. Trong đó có đến 30% tử vong vì suy kiệt chứ không phải vì sự tấn công của các tế bào ác tính.
Phần lớn bệnh nhân khi phát hiện ra bệnh chỉ tập trung vào điều trị mà hiếm khi quan tâm đến chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Thậm chí, vì quá lo lắng nên người bệnh bỏ ăn, kiêng ăn dẫn đến tình trạng sụt cân, suy dinh dưỡng.
Theo Thạc sỹ, BS Bùi Quang Biểu (Khoa Xạ trị – Xạ phẫu, Bệnh viện Trung ương quân đội 108): Việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý trước, trong và sau quá trình điều trị ung thư đều nhằm đến mục tiêu là tăng cường thể lực cho bệnh nhân.
Dinh dưỡng có thể giúp cho bệnh nhân giảm thiểu được những bất lợi do các tác dụng phụ của phương pháp điều trị và giúp bệnh nhân có cảm giác sống khỏe hơn.
Để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân ung thư, cần lưu ý:
– Ăn uống đầy đủ thực phẩm đảm bảo các nhóm chất: đạm – bột đường – béo – vitamin, khoáng chất – nước.
– Một chế độ ăn nhiều cá, rau, ít thịt, thêm dầu thực vật, uống nhiều nước và vận động, tập thể dục thể thao…. sẽ giúp cơ thể đủ chất dinh dưỡng và sức khoẻ để chống lại ung thư chứ không phải là ‘cung cấp thêm chất đạm cho khối u’ như nhiều người vẫn lầm tưởng.
– Nên chiều theo khẩu vị của người bệnh, chia nhỏ các bữa ăn để người bệnh dễ hấp thụ dưỡng chất.
– Người nhà cũng nên khuyên người bệnh chịu khó vận động, ít nằm một chỗ để cơ thể được thoải mái, đầu óc được thư giãn, tránh suy nghĩ quá sẽ giúp cho việc điều trị đạt kết quả cao hơn.