Trung Quốc có một khu vực gọi là Công viên rừng quốc gia Thần Nông Giá, vốn được xem là ‘vựa nghiên cứu sinh học’ khổng lồ. Nằm ở phía tây bắc của tỉnh Hồ Bắc (miền Trung Trung Quốc), Thần Nông Giá là một lâm khu (vùng rừng) tương đương cấp huyện duy nhất tại quốc gia này.
Với tổng diện tích là 3.253 km vuông với những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, Thần Nông Giá hiện lên như ‘tiên giới chốn đại ngàn’. Được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và Công viên địa chất toàn cầu, Thần Nông Giá vẫn là nơi thu hút các nhà khoa học đến khám phá.
Tại đây từng có đoàn thám hiểm khoa học Trung Quốc đến và phát hiện điều kỳ lạ trên đường đi.
“Rắn nghìn chân” kỳ lạ tại Thần Nông Giá
Chuyện kể rằng, trong giờ nghỉ giải lao, một thành viên nữ trong đoàn thám hiểm đã phát hiện một “con rắn” màu xám đen kỳ lạ đang di chuyển. Điều khó hiểu là nó không có đầu hay vảy bao phủ cơ thể giống như các loài rắn khác.
Càng kỳ lạ hơn khi nhìn kỹ, “con rắn” này dường như có nhiều chân nhỏ khiến ai nấy cũng phải sởn gai ốc. Trí tò mò nổi lên, nữ nhà khoa học dùng cành cây chạm vào người “con rắn”.
Bất ngờ, thân của nó như gãy ra nhiều mảnh.
Phần thân bị chia ra rải rác thành hàng trăm, hàng nghìn con giòi bò khắp nơi, nhưng không lâu sau, những con giòi này từ từ tụ tập thành “con rắn” ban đầu. Chúng dường như nhận ra môi trường xung quanh không an toàn nên nhanh chóng bò về phía trước và biến mất dưới tảng đá.
Trước khi kịp suy nghĩ, nữ nhà khoa học đã nhanh chóng báo cáo tình hình cho vị trưởng đoàn vì cho rằng cô vừaã phát hiện ra một loài mới.
Không ngờ vị trưởng đoàn này lại cười, nói: Loại sinh vật này đã tồn tại từ xa xưa, người dân địa phương ở Thần Nông Giá gọi nó là “Rắn nghìn chân”. Nhưng “con rắn” này với loài rắn bình thường không hề có mối liên quan đến nhau.
Bởi, cái gọi là “con rắn” này thực chất được tạo thành từ hàng trăm, nghìn con ấu trùng của ruồi nấm cánh sẫm Sciaridae.
Vì chúng quá yếu và dễ bị chim hoặc các loài săn mồi khác tấn công nên kể từ khi đẻ ra, chúng xếp chồng lên nhau rồi di chuyển để tìm mồi ăn. Hình dạng đó tạo thành ảo giác cho con người khi nhìn từ xa là “con rắn”.
Trong tự nhiên, nhiều loài động vật hoặc côn trùng có nhiều cơ chế tự bảo vệ khác nhau, chẳng hạn như một số loài động vật sẽ giả vờ chết để tránh kẻ thù tự nhiên, và một số loài động vật sẽ cắt đuôi để gây nhầm lẫn cho kẻ thù.
Những cách đặc biệt này được thiết kế để bảo vệ bản thân chúng trước mọi mối đe dọa. Ảo ảnh về “con rắn nghìn chân” chính xác là mánh khóe được ấu trùng của Sciaridae sử dụng để tồn tại.
Sciaridae – là một họ ruồi, thường được gọi là ruồi nấm cánh đen – xuất hiện trên toàn thế giới, ngay cả ở những môi trường sống khắc nghiệt như các đảo cận Nam Cực và các vùng núi cao trên 4.000 m. Những loài khác (như Parapnyxia) được tìm thấy ở các sa mạc, nơi chúng đào sâu vào cát ở nhiệt độ khắc nghiệt.
Một số loài chỉ sống trong hang động. Tuy nhiên, hầu hết các loài sống trong tán lá ở trong các cánh rừng, đầm lầy và đồng cỏ ẩm ướt. Chúng cũng thường được tìm thấy trong các chậu hoa.
Hiện nay, khoảng 1.700 loài được mô tả, nhưng ước tính có khoảng 20.000 loài đang chờ được khám phá, chủ yếu ở vùng nhiệt đới. Hơn 600 loài được biết đến từ châu Âu.
Con ruồi nấm cánh sẫm Sciaridae cái trưởng thành đẻ khoảng 300 trứng trong suốt vào đất ẩm (mỗi trứng dài khoảng 1 mm). Sau khoảng một tuần, ấu trùng nở. Khoảng 90% ấu trùng là con cái. Có thể tìm thấy tới 2.500 ấu trùng trên một mét vuông.
Ấu trùng của một số loài thuộc họ Sciaridae (đặc biệt là Sciara militaris) có thể được tìm thấy di cư theo đoàn dài tới 10 mét, bao gồm hàng nghìn cá thể ấu trùng xếp chồng lên nhau.
Ở giai đoạn ấu trùng, ruồi nấm cánh sẫm Sciaridae có màu trắng xám, thon dài và hình trụ, chiều dài cơ thể khoảng 10-13 mm, phần da mỏng có thể nhìn thấy ruột bên trong. Chúng ăn các chất hữu cơ đang phân hủy; đồng thời đóng vai trò là chất phân hủy trong hệ sinh thái. Mặc dù có kích thước nhỏ nhưng chúng lại là chuyên gia gây hại cho cây trồng.
Ấu trùng của Sciaridae ăn rễ và lá cây. Khi cây bị chúng tấn công, lá có thể chuyển sang màu vàng, thối hoặc thậm chí chết.
Trong vòng 28 ngày, ấu trùng sẽ phát triển thành ruồi trưởng thành và tiếp tục sinh sản nhanh chóng. Ruồi nấm Sciaridae là loài ruồi đen rất nhỏ, chỉ có kích thước khoảng 3 mm. Chúng dễ dàng được nhận biết bởi hai cánh dài và bay chậm chạp, lảo đảo.
Ruồi nấm cánh sẫm Sciaridae chỉ ăn chất lỏng và chỉ sống đủ lâu để giao phối và đẻ trứng. Chúng chết sau khoảng 5 ngày.
Tham khảo: Sohu, iNaturalist
Nguồn tin: https://genk.vn/vao-rung-tham-hiem-chuyen-gia-dung-do-ran-nghin-chan-nhin-ky-ai-nay-deu-son-gai-oc-20240811105905347.chn