Sau cưới, bà Lắng chuyển hẳn vào rừng, cùng chồng xây tổ ấm. Ba người con lần lượt ra đời. Đến tuổi đi học, chúng lên bờ ở với ông bà, cuối tuần mới về phụ cha mẹ.
Hơn 20 năm đầu ở rừng, vợ chồng ông chỉ sống bằng đèn dầu vì không thể kéo điện vào. Đến năm 2001, các hộ giữ rừng mới được hỗ trợ vay mua tấm điện năng lượng mặt trời công suất 36W.
“Cái tấm năng lượng được cưng chưa từng thấy. Cháy được cái bóng đèn, hát được TV đen trắng xíu rồi xong”, ông Tùng nhớ lại. Hai vợ chồng tích lũy lương giữ rừng trong vòng 4 năm mới trả xong 8 triệu – tương đương 2 cây vàng. Giờ đây, nhà ông đã có 3 tấm pin năng lượng mặt trời, nhưng vẫn giữ thói quen “hà tiện điện”, chỉ sử dụng 1/3 để tích điện cho mùa mưa.
Trước khi được Nhà nước xây mới chốt bảo vệ rừng vào năm 2012, gia đình ông sống trong nhà lá, cửa không đóng kín được, phải đốt đèn dầu ăn cơm trong mùng để tránh muỗi. “Mỗi đêm thuỷ triều lên, sáng dậy thấy nước cuốn trôi mất đôi dép”, bà Lắng cười, kể lại ký ức ở căn nhà cũ hơn 20 năm trước.
Sau này, chốt mới được xây, cuộc sống của hai vợ chồng ông tiện nghi hơn. Tiền khoán bảo vệ rừng cũng tăng lên, ông nhận khoảng 173 triệu đồng mỗi năm để canh giữ 150 ha rừng. Để có thêm tiền cho các con ăn học, vợ chồng ông nuôi cá thòi lòi và ốc len trên khoảng sân trước nhà.
Cuộc sống vẫn chưa đủ đầy. Mùa nắng hạn chế nước ngọt, mùa mưa lại thiếu nắng cho điện mặt trời. Sóng tivi, điện thoại lúc được lúc không. Dù hai vợ chồng chưa bao giờ có ý định rời rừng, những đứa con của ông thì không muốn quẩn quanh mãi trong vòng lặp của khuôn mặt, âm thanh, và bối cảnh quen thuộc.
“Thôi con không ở rừng nữa đâu, con lên thành phố đây”, ông Tùng thuật lại lời của con trai đầu năm 2018. Sau khi học xong, anh giữ rừng được 6 năm, rồi đến Đồng Nai tìm việc mới.
Sau đó, con gái thứ hai cũng chỉ giữ rừng được 3 năm. Họ lần lượt lập gia đình ở thành phố, chỉ khi được nghỉ phép và “cần sự bình yên” mới về rừng thăm cha mẹ.
“Có thể khi già sẽ tính chuyện về rừng ở, còn trẻ thì muốn bon chen một chút ở thành phố”, chị Mỹ Linh (28 tuổi), con gái của ông Tùng, chia sẻ.
Vợ chồng ông Tùng tôn trọng hai con, không ép đứa nào ở lại rừng, một phần hiểu rằng chúng đang ở độ tuổi cần biết về thế giới. Phần còn lại, ông muốn để các con đi thay cho thanh xuân của mình.
Người tiếp nối
Từ ngày lắp được wifi thay cho sóng điện thoại, vợ chồng ông có thêm phương tiện để liên lạc với các con, dù nhiều lúc mạng chập chờn. Bà Lắng rất thích ngắm ảnh cháu, cứ mong chúng về thăm. Nhưng càng lớn, những chuyến về rừng của tụi nhỏ càng ít lại.
“Hồi nhỏ xíu nó thích vào rừng lắm, giờ nhắc tới là sợ”, bà kể.
Vợ chồng ông Tùng cả đời ở rừng “sống riết thành quen”. Nhưng Bà Hồng – mẹ ông Tùng nhiều lúc nghĩ lại, bà tiếc thay cho đứa con đã thừa hưởng trọn vẹn tình yêu rừng của bà.
“Tuổi già về rừng ở được, tuổi trẻ thì mất thanh xuân. Như thằng Tùng, ở rừng mãi chẳng đi đâu”, bà Hồng nói.
Từ khi bà về hưu và giao khoán rừng cho ông Tùng năm 2011, hai mẹ con ít gặp hơn bởi ông bám chốt 24/7. Lúc nào ông cũng lo nếu rời đi lâu, có chuyện sẽ không kịp xử lý. Những lúc bà Hồng nhớ rừng, ông chạy vỏ lãi lên xã Tam Thôn Hiệp – cách nhà gần 10 km, rước mẹ về rừng chơi, ôn lại chuyện cũ, cập nhật tình hình của cánh rừng họ từng chăm sóc.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/doi-giu-rung-4777103.html