Kim Beom-su, founder tập đoàn công nghệ Kakao, đã bị bắt vào tháng trước với cáo buộc thao túng cổ phiếu liên quan đến cuộc chiến thâu tóm một trong những hãng thu âm K-pop hàng đầu đất nước. Vụ việc đẩy một trong những công ty nổi tiếng nhất nhì xứ kim chi rơi vào tình cảnh hỗn loạn, trong một vụ án tác động không nhỏ đến ngành ngân hàng và tham vọng trí tuệ nhân tạo.
Kakao tiếp quản công ty giải trí hàng đầu K-pop SM Entertainment vào năm ngoái sau cuộc đấu thầu đầy kịch tính với Hybe – công ty quản lý của nhóm nhạc BTS. Phía các công tố viên cáo buộc Kim và các giám đốc điều hành khác của Kakao mua vào 240 tỷ Won (174 triệu USD) cổ phiếu SM để “chơi xấu” Hybe.
Các doanh nghiệp dưới trướng Kakao trải dài từ ứng dụng nhắn tin thống trị Hàn Quốc đến các công ty giải trí, công nghệ tài chính và một công ty liên kết AI mới thành lập. Nếu bị kết tội, Kim buộc phải từ bỏ quyền kiểm soát ngân hàng Internet lớn nhất cả nước.
Cuộc khủng hoảng mang tên Kakao hiện đang dấy lên mối lo ngại lớn về mối quan hệ bất ổn giữa kinh doanh, chính trị và thực thi pháp luật. “Câu chuyện đi lên từ nghèo khó của Kim đã biến ông trở thành bộ mặt đại diện của nền kinh tế kỹ thuật số mới”, Park Sangin, giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul cho biết. “Nhưng cuối cùng, công ty của ông ta lại tiếp tục vướng phải những hoạt động kinh doanh có vấn đề như trước đây”.
Tự thân lập nghiệp và xây dựng nên cơ đồ thông qua các nền tảng kỹ thuật số, Kim — còn được gọi là Brian Kim — nổi bật trong một nền kinh tế do những người thừa kế thế hệ thứ hai và thứ ba thống trị. Ông là con thứ ba trong một gia đình nghèo năm anh em, có bố làm công nhân và mẹ là phục vụ khách sạn.
Năm 2010, ông thành lập Kakao Talk, ứng dụng nhắn tin hiện được hơn 90% người Hàn Quốc sử dụng. Thành công vang dội đã mở đường cho Kim mở rộng đế chế của mình sang lĩnh vực trò chơi di động, gọi xe, thanh toán trực tuyến và ngân hàng.
Những người từng làm việc với Kim nhấn mạnh quyết tâm điều hành Kakao của ông khác với phong cách quản lý theo kiểu chuyên quyền vốn được các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc ưa chuộng. Nổi tiếng với sự khiêm tốn, ông khuyến khích nhân viên tự khởi nghiệp dưới sự bảo trợ của Kakao, trao cho họ quyền tự chủ cao và cơ hội kiếm tiền thông qua các đợt chào bán công khai ban đầu tại địa phương.
“Không giống như các ông trùm tập đoàn, Brian luôn lắng nghe những gì nhân viên của mình nói”, một người cho biết.
Tuy nhiên, phần lớn đều đồng ý rằng cấu trúc phát triển theo chiều ngang của Kakao và mô hình “khởi nghiệp trong một công ty khởi nghiệp” cuối cùng đã mất kiểm soát. Những người ít kinh nghiệm đâm đầu kiếm tiền thông qua việc niêm yết vội vã, trong khi tập đoàn mở rộng lên tới 124 chi nhánh theo chủ trương của Kim.
“Kim không bao giờ tức giận với bất kỳ ai. Ông ấy trao quyền tự chủ và tự do cho cấp dưới, tuy nhiên, việc thiếu khả năng lãnh đạo mạnh mẽ đã biến đây trở thành một cuộc chiến giữa các giám đốc điều hành để kiếm tiền”, Park Yong-hu, một cố vấn không chính thức của công ty cho biết.
Sự phổ biến quá mức của Kakao trong cuộc sống hàng ngày ở Hàn Quốc cũng góp phần gia tăng làn sóng thù địch của công chúng đối với tập đoàn công nghệ này. Họ cáo buộc các nền tảng kỹ thuật số của Kakao khai thác các chủ doanh nghiệp nhỏ, sau đó phàn nàn rằng các dịch vụ trực tuyến của công ty khiến người dân quá phụ thuộc. Các nhà đầu tư bán lẻ địa phương thì tức giận về việc các CEO công ty liên kết Kakao bán cổ phiếu ngay sau khi niêm yết công khai, từ đó khiến định giá giảm.
Sự thất vọng lên đến đỉnh điểm vào năm 2022, khi vụ hỏa hoạn tại trung tâm dữ liệu Kakao thuê ‘đóng băng’ mọi dịch vụ trong nhiều tiếng đồng hồ. 53 triệu người dùng trên toàn cầu của hãng đã bị ảnh hưởng. Giới chức Hàn Quốc khi đó đã phản ứng với sự cố ngừng bằng cách kêu gọi điều tra các hoạt động độc quyền bị cáo buộc của Kakao.
“Dù mạng lưới này được điều hành bởi một công ty tư nhân nhưng thực tế nó như cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia vậy. Nếu có tình trạng độc quyền, chúng ta phải thực hiện các biện pháp có hệ thống từ cấp quốc gia vì lợi ích của người dân”, Tổng thống Hàn Quốc nói.
“Kakao đã nằm trong tầm ngắm của chính phủ kể từ năm 2022”, một người bình luận.
Kim phủ nhận các cáo buộc chống lại mình, nhưng ông Park của Đại học Quốc gia Seoul cho biết vấn đề rộng hơn là “thao túng cổ phiếu và giao dịch nội gián đang lan rộng trong lĩnh vực tài chính Hàn Quốc”.
“Kakao dường như không có đủ kỹ năng điều hướng luật pháp và chính trị Hàn Quốc”, ông nói thêm.
Trong một tuyên bố, tập đoàn công nghệ này cho biết sẽ “cải thiện cơ cấu quản trị tập đoàn để tập trung hơn vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi”. Không rõ ai sẽ mua lại Ngân hàng Kakao nếu Kim buộc phải bán cổ phần của mình do luật cấm những người bị kết tội kiểm soát hơn 10% một ngân hàng Hàn Quốc.
Theo Wi Jong-hyun, giáo sư kinh doanh tại Đại học Chung-Ang, điều này có nghĩa là Kakao sẽ “mất một trong những trụ cột kinh doanh quan trọng” khi tập đoàn này đang tìm cách chuyển sang cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số hỗ trợ AI. Wi lưu ý rằng Kakao và tập đoàn công nghệ đối thủ Naver của Hàn Quốc đang phải vật lộn chống lại sự cạnh tranh từ những gã khổng lồ Mỹ muốn xâm chiếm thị trường của quốc gia này. “Vào thời điểm các công ty như Kakao cần tập trung phát triển dịch vụ AI, các giám đốc điều hành của công ty lại tập trung giải quyết tranh chấp pháp lý”, ông Park của Đại học Quốc gia Seoul cho biết.
Kakao hiện đang kinh doanh quảng cáo, thương mại điện tử, bản đồ trực tuyến, game và dịch vụ tài chính. Công ty còn có webtoon, một dạng truyện tranh cuốn chiếu xuất bản trên mạng rất được ưa chuộng.
Thành công nhất phải kể đến các ứng dụng nhắn tin và thanh toán của Kakao sau khi chúng trở thành cơ sở hạ tầng quan trọng tại Hàn Quốc. Công ty hiện được định giá khoảng 12 tỷ USD.
Theo: Financial Times, The New York Times
Nguồn tin: https://genk.vn/su-hon-loan-ben-trong-kakao-founder-bi-bat-tu-day-tap-doan-vao-ngo-cut-vi-khuyen-khich-nhan-vien-khoi-nghiep-doc-quyen-den-muc-nguoi-dan-chan-ghet-20240808073710429.chn