Quảng Ninh được biết đến là bể than lớn của vùng Đông Bắc, với trữ lượng thăm dò xấp xỉ 4 tỷ tấn, trải dài từ Cẩm Phả, Hạ Long đến Uông Bí, Đông Triều. Trung bình mỗi năm, các mỏ than vùng Quảng Ninh cung cấp cho nền kinh tế hơn 40 triệu tấn than nguyên khai.
Ngành than đã đóng góp rất lớn vào ngân sách của Quảng Ninh, tạo ra việc làm cho khoảng 100.000 lao động. Đặc biệt, trong giai đoạn ngành dịch vụ, du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, ngành than đã trụ vững, khẳng định vai trò trụ cột của ngành công nghiệp đối với sự ổn định, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Trong năm 2023, với nhiều yếu tố hỗ trợ như nhu cầu tiêu thụ của thị trường, diễn biến giá than thế giới tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp than tại Quảng Ninh ghi nhận kết quả lãi ròng quý I/2023 tăng trưởng tích cực.
Theo đó, “ông lớn” Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) ghi nhận doanh thu quý I/2023 ước đạt 40.595 tỷ đồng, đạt 24% kế hoạch năm, tăng 20% so với cùng kỳ 2022; lợi nhuận dự kiến 1.300 tỷ, đạt 26% kế hoạch đề ra.
Ngoài TKV, một số đơn vị như CTCP Than Hà Tu – Vinaconin (mã THT) và CTCP Than Mông Dương – Vinacomin (mã MDC) gây chú ý với tăng trưởng lãi ròng đạt 3 chữ số so với quý I/2022.
Cụ thể, Than Hà Tu – Vinacomin quý I/2023 ghi nhận doanh thu thuần đạt 904 tỷ đồng, giảm 10,67% so với cùng kỳ năm ngoái. Song, nhờ việc tiết giảm chi phí, lãi sau thuế công ty tăng mạnh 101,22% lên 16,5 tỷ đồng.
Khác với Than Hà Tu, doanh thu thuần Than Mông Dương – Vinacomin trong kỳ đạt 665 tỷ đồng, tăng 30%; lãi ròng tăng 141% lên đến 14 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác cũng báo lợi nhuận tăng là CTCP Vận tải và Chế biến than Đông Bắc. Xét theo BCTC năm 2022 (đã kiểm toán), doanh thu Đông Bắc đạt 5.516 tỷ đồng, tăng 13,5%. Bóc tách cơ cấu doanh thu, mảng than chiếm đến 94% tổng doanh thu (tương đương đạt 5.212 tỷ đồng). Tính ra, việc bán than đem về cho Đông Bắc hơn 14 tỷ đồng/ngày. Sau khi trừ đi các chi phí và giá vốn, Đông Bắc trong năm 2022 báo lãi sau thuế 48 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã tăng gấp 2,2 lần.
Với kết quả trên, Đông Bắc đã lần lượt vượt 79% chỉ tiêu doanh thu năm 2022 và 116% kế hoạch lợi nhuận.
Xếp sau những Than Hà Tu – Vinacomin và Than Mông Dương – Vinacomin là CTCP Than Đèo Nai – Vinacomin (lãi tăng 93%), CTCP Than Hà Lầm – Vinacomin (lãi tăng 75%), và CTCP Than Núi Béo – Vinacomin (lãi tăng 56,96%).
Ở chiều ngược lại, 2 trường hợp duy nhất báo lãi ròng quý I/2023 giảm so với cùng kỳ năm trước là CTCP Than Vàng Danh – Vinacomin (-82,53%) và CTCP Than Cọc Sáu – Vinacomin (-1,6%).
Triển vọng sáng ngành than năm 2023
Giá than và sản lượng than được dự báo nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì mặt bằng cao. Điều này đến từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại, ngành than Việt Nam sẽ được hưởng lợi, hoạt động xuất khẩu các mặt hàng than dự kiến được đẩy mạnh, doanh thu và lợi nhuận của các công ty than năm 2023 tiếp tục tăng trưởng.
Ngoài ra, một yếu tố khác đến từ bối cảnh chu kỳ Lalina kết thúc và bắt đầu chu kỳ mới Elnino, Việt Nam bước vào mùa nắng nóng và mực nước của các hồ thủy điện rơi xuống mức báo động. Điều này có nghĩa Việt Nam phải huy động điện từ các nguồn khác như năng lượng tái tạo hoặc nhiệt điện than. Đây cũng được kỳ vọng là yếu tố phần nào ảnh hưởng tích cực đến tình hình kinh doanh doanh nghiệp than trong năm 2023.
Về dài hạn, ngành than Việt Nam được đánh giá có nhiều triển vọng. Theo đó, về tổng thể, năng lực sản của ngành than Việt Nam hiện chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu trong nước nên hàng năm vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn, nhưng vẫn đồng thời thực hiện xuất khẩu than.
Theo số liệu từ TKV, Việt Nam (trong giai đoạn đến năm 2025) mỗi năm sẽ xuất khẩu gần 2 triệu tấn than chất lượng cao (trong nước không có nhu cầu sử dụng, hoặc sử dụng không hết) và nhập về 70-75 triệu tấn than chất lượng kém hơn cho sản xuất công nghiệp (điện, phân bón, xi măng, luyện kim…). Hiện tại, sản lượng than của Việt Nam xuất sang Trung Quốc chỉ đáp ứng được khoảng 5% tổng nhu cầu nên tiềm năng của thị trường này còn rất lớn.
Dù vậy, một số ý kiến nhìn nhận về dài hạn, công suất điện than có thể bị cắt giảm do những chủ trương quyết liệt từ Chính phủ nhằm chuyển đổi năng lượng xanh mạnh mẽ.
Sau khi quyết định sẽ không phát triển thêm điện than sau năm 2030, dự thảo Quy hoạch điện VIII mới nhất tiếp tục đưa 5 dự án tổng công suất 6.800MW ra khỏi quy hoạch do những khó khăn trong việc thu xếp vốn của các dự án này. Sau điều chỉnh, công suất điện than dự kiến đạt 30.127MW vào năm 2030, chiếm 18,9% tổng công suất trước khi thu hẹp tỷ trọng xuống còn 6,6% vào năm 2045.