Ngoài Sở Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa – Thể thao, LĐTB&XH, đơn vị còn khuyết lãnh đạo sẽ đăng ký với Sở Nội vụ để thi tuyển trong năm nay.
Yêu cầu được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đưa ra tại hội nghị tổng kết đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương trên địa bàn, sáng 6/8. Năm 2022, đã có 7 cơ quan, đơn vị trên địa bàn hoàn thành thi tuyển 13 chức danh lãnh đạo, quản lý như giám đốc Bệnh viện Mắt TP HCM, phó hiệu trưởng một số trường công lập, trưởng phòng thuộc Sở Công Thương…
Theo dự thảo của Sở Nội vụ, năm nay, thành phố sẽ thi tuyển chức danh phó giám đốc tại 4 sở gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa – Thể thao, Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH). Tuy nhiên, từ nay đến cuối tháng 9, khi hoàn thành kế hoạch, số lượng, đơn vị có thể thay đổi khi một số chức danh đã được kiện toàn nhưng nhiều đơn vị khác lại khuyết và cần bổ sung.
Theo ông Mãi, hiện các sở Tài chính, An toàn thực phẩm đang khuyết phó giám đốc. Phía địa phương có quận 6 thiếu phó chủ tịch UBND, một số doanh nghiệp nhà nước cũng đang cần các vị trí lãnh đạo giám đốc, tổng giám đốc… “Các sở ngành, quận huyện cần sớm đăng ký với Sở Nội vụ để đưa vào kế hoạch thi tuyển”, ông yêu cầu.
Chủ tịch UBND thành phố cho rằng thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương đã tạo sự thay đổi lớn về nhận thức, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Việc này cũng giúp phát hiện, thu hút, lựa chọn người thực sự có năng lực phù hợp, có phẩm chất chính trị, đạo đức góp phần thực hiện tốt quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.
“Việc đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý các cấp đã khắc phục tâm lý ngại khó khăn, thiếu chủ động, cục bộ, khép kín trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ”, ông Mãi nói.
Trong đợt thi tuyển chức danh lãnh đạo năm nay, Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu cầu các đơn vị khắc phục tình trạng vị trí tuyển dụng không có ứng viên bằng cách rà soát, tiếp xúc với cán bộ nguồn đáp ứng tiêu chí để mời tham dự; hội đồng thi tuyển phải tăng cường thêm cán bộ quản lý giỏi trong cùng lĩnh vực để có đánh giá ứng viên xác đáng.
Bên cạnh đó, người ứng tuyển cần cam kết chương trình hành động trong 3-5 năm tới nhằm ghi nhận dấu ấn cá nhân trong từng vị trí. Đối với các chức danh lãnh đạo, ngoài kiến thức chung, đề thi cần có tình huống giả định để ứng viên thể hiện được tư duy, tố chất riêng, khả năng xử lý tình huống…
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng, cho biết quá trình thi tuyển chức danh giám đốc Bệnh viện Mắt, đến ngày hết hạn nhận hồ sơ mà chỉ có một ứng viên. Ban giám đốc phải rà hết danh sách các lãnh đạo bệnh viện cấp hai, mời lên nói chuyện và khuyến khích đăng ký thi.
Theo ông Thượng, mấu chốt của thi tuyển là cần một nhà quản lý giỏi chứ không quá đề cao bác sĩ có chuyên môn cao về mắt. Sau buổi làm việc có 28 ứng viên đăng ký và 25 người đủ tiêu chuẩn thi tuyển. Kết quả Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM đã trúng tuyển.
“Để hỗ trợ người mới, sau khi bổ nhiệm, ban giám đốc thường xuyên trao đổi, tháo gỡ vướng mắc để cán bộ mới hoàn thành được công việc”, lãnh đạo Sở Y tế nói và cho rằng việc tìm kiếm ứng viên rất quan trọng và cần sáng tạo, linh hoạt, chủ động từ đơn vị tuyển dụng.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho rằng khi thi tuyển vị trí phó hiệu trưởng các trường, nội dung quan trọng là phân tích điểm mạnh, yếu của trường và đề xuất hướng phát triển. Quy chế yêu cầu lãnh đạo trường cung cấp thông tin cho ứng viên nhưng thực tế sẽ không thể nào am hiểu bằng người tại chỗ.
Theo ông Hiếu, quy định này chưa công bằng với các ứng viên ngoài trường. Do đó, thay cho nội dung này, đề thi nên giả định các tình huống chung mà các trường thành phố đang gặp phải để ứng viên xử lý sẽ phù hợp hơn. Bên cạnh đó, thành phố nên có thêm chính sách ưu tiên về sau khi bổ nhiệm cho những người thi tuyển điểm cao và chỉ xếp sau người trúng tuyển 1-2 điểm để khuyến khích cán bộ.
Lê Tuyết
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tp-hcm-mo-rong-thi-tuyen-lanh-dao-so-nganh-4778326.html