Lý do bạn đầy hơi khi ngủ
Tiến sĩ Ranga Santosh Kumar, bác sĩ tư vấn đa khoa và là bác sĩ chuyên khoa tiểu đường, Bệnh viện Yashoda, Hyderabad (Ấn Độ) cho biết: “Có khí trong đường tiêu hóa và xì hơi khi ngủ là phản ứng bình thường của cơ thể, đặc biệt là nếu bạn đi ngủ ngay sau khi ăn tối”.
Khi cơ thể tiêu hóa thức ăn, vi khuẩn tự nhiên tạo ra khí trong ruột già. Trong khi một lượng khí nhất định là bình thường, thì khí quá mức có thể do nuốt không khí, ăn một số loại thực phẩm, mang thai và kinh nguyệt, và nhiều rối loạn tiêu hóa khác nhau.
Tiến sĩ Kumar cho biết: “Một số tình trạng sức khỏe, lối sống và những gì bạn ăn, uống trong ngày có thể ảnh hưởng đến lượng khí mà cơ thể bạn sản xuất ra”.
Theo Tiến sĩ Kumar, một người bình thường hoàn toàn có thể ợ hoặc xì hơi khoảng 13 đến 21 lần một ngày. Hầu hết khí được xì ra khi họ đang thức. Hệ tiêu hóa sẽ hoạt động chậm lại sau khi một người ngủ và làm giảm lượng khí được tạo ra khoảng một nửa so với thông thường.
Mặc dù đầy hơi thường không có gì đáng lo ngại, nhưng nó có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nếu kèm theo các triệu chứng khác, chẳng hạn như đau, nôn hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân.
Tiến sĩ Kumar giải thích rằng, mặc dù mọi người có thể kiểm soát phần nào thời điểm xì hơi trong ngày, nhưng các cơ ở cơ thắt hậu môn sẽ thư giãn sau khi ngủ và khí sẽ thoát ra ngoài một cách không tự chủ.
Cần lưu ý điều gì?
Mọi người đều nuốt một lượng không khí nhất định, nhưng nuốt quá nhiều không khí có thể làm tăng khí trong cơ thể. Tiến sĩ Kumar cho biết: “Không khí nuốt vào không được giải phóng khi ợ hơi sẽ tích tụ và được giải phóng qua việc xì hơi”.
Chúng ta có thể nuốt nhiều không khí hơn vào một số thời điểm và hoạt động nhất định bao gồm:
– Hút thuốc.
– Ăn quá nhanh hoặc ăn khi đang đứng.
– Uống bằng ống hút.
– Cảm thấy bồn chồn hoặc lo lắng.
– Đeo răng giả không vừa vặn.
– Ăn kẹo cao su.
Tiến sĩ Kumar đề cập rằng, một số loại thực phẩm nhất định cũng có thể góp phần gây ra chứng đầy hơi, đặc biệt là những loại có chứa chất xơ, đường và tinh bột bị phân hủy trong ruột già.
“Không phải ai cũng bị ảnh hưởng bởi cùng một loại thực phẩm, nhưng một số loại thực phẩm được biết là làm tăng lượng khí bao gồm sữa, đậu, trái cây, một số loại rau, bao gồm măng tây, cải Brussel, bông cải xanh, ngô và khoai tây, bánh mì và các loại thực phẩm khác làm từ ngũ cốc nguyên hạt, đồ uống có ga, chẳng hạn như soda và nước khoáng có ga, và chất tạo ngọt nhân tạo”, Tiến sĩ Kumar nói.
Các rối loạn tiêu hóa liên quan đến chứng đầy hơi bao gồm táo bón, hội chứng ruột kích thích hay IBS, bệnh Crohn, bệnh celiac, tình trạng vi khuẩn phát triển quá mức ở ruột non và bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Do đó, nếu bạn muốn kiểm soát tình trạng này, đặc biệt trong lúc ngủ, hãy áp dụng thói quen ăn uống lành mạnh, hạn chế việc ăn quá nhiều và chú ý đến các nguyên nhân dẫn đến đầy hơi đã đề cập ở phía trên.