1. Phở bò: 2,3 triệu đồng/tô
Đầu tiên có thể kể đến với phở – món ngon nức tiếng của Việt Nam được đánh giá vô cùng hợp lý với túi tiền của người lao động. Vậy nhưng, khi được “cải tiến” với các nguyên liệu đắt đỏ thì phở được nâng tầm lên thành món ăn không phải ai cũng có thể chi trả mức giá “trên trời” này để thưởng thức.
Cụ thể, bát phở đắt nhất Việt Nam hiện nay có giá 100 USD, được bán tại một nhà hàng trên đường Tôn Thất Đạm, quận 1, TP.HCM. Bát phở này từng được Sonny Side, MC nổi tiếng của chương trình Best Ever Food Review trải nghiệm.
Thông thường, phở bò được dùng hai loạt thịt tái và chín, thường là thịt nạm bò. Tuy nhiên, bát phở 100 USD này có tới 7 loại thịt gồm bò viên, gân bò thái mỏng, lưỡi bò, bắp bò, nạm bò, diềm thăn bò và thịt bò Angus.
Tuy nhiên, không phải cứ đến nhà hàng trên là khách hàng sẽ được thưởng thức tô phở tiền triệu này.
Theo một thực khách từng thưởng thức tô phở 100 USD này, khách hàng phải đặt trước một ngày và chuyển trước 50% tiền bát phở (tương đương 50 USD ). Nguyên nhân do nước phở phải được ninh trong 12 tiếng và nhà hàng chỉ phục vụ bát phở khi có yêu cầu của khách hàng.
Cận cảnh hình ảnh bát phở đắt nhất Việt Nam hiện với mức giá lên đến 100 USD.
Ngoài ra, nguyên nhân khác khiến bát phở này có giá tiền triệu do trong thành phần có thịt bò Wagyu và nấm Truffle đắt nhất thế giới. Được biết giá mỗi cân nấm Truffle đen dao động trong khoảng 3.000 – 4.000 USD/kg, trong khi nấm Truffle trắng có giá lên tới 7.000 USD /kg.
Trong một video trên kênh Youtube của Best Ever Food Review từng đăng tải, đầu bếp gốc Việt Peter Cường Franklin – người sáng lập Anan Saigon chia sẻ rằng người Việt rất xem trọng món ăn này nên ông cũng muốn làm nó trong một tâm thế tôn trọng hương vị truyền thống của nền ẩm thực Việt mà vẫn muốn duy trì linh hồn của món ăn.
Đầu bếp gốc Việt Peter Cường Franklin – người sáng lập Anan Saigon (bên phải) trực tiếp đích thân nấu tô phở tiền triệu này.
“Tôi chỉ thay đổi chứ không phải phát minh ra thêm món phở mới. Đầu tiên có thể nói tinh túy của món ăn nằm ở nước lèo, phải nấu trước 1 ngày ninh trong khoảng 12 tiếng, hôm sau sẽ nêm nếm thêm gia vị và thanh lọc nó để nước lèo trở nên trong hơn.
Ngoài ra còn cho thêm thịt bò, lòng trắng trứng, gừng và hành để làm dậy mùi của món ăn. Vừa lọc sạch nước lèo vừa làm nồng nàn thêm hương vị cho món phở.”
Vị đầu bếp này cho hay lợi ích của việc nấu một nồi nước cốt thay vì nước lèo bình thường sẽ mang món ăn lên một tầm cao mới. Đó là màu nước dùng sẽ trong như nước trà, một màu vàng ánh rất đẹp.
“Khi lọc nước cốt 2 lần, chúng ta sẽ chuyển sang phần thịt. Thường trong một tô phở có 2 loại thịt là bò tái và bò chín, phần thịt chín sẽ là phần thịt ức. Tuy nhiên, để đổi mới thêm hương vị, tô phở đặc biệt này sẽ có tổng cộng 7 loại thịt bao gồm: Bò viên, gân thái mỏng, lưỡi bò, bắp bò, nạm bò, diềm thăn bò và thịt bò Angus.
Lưỡi bò sau khi luộc chín trong vòng từ 4-5 tiếng sẽ được làm sạch và cắt thành từng lát mỏng hình vuông
Phần bắp bò rất ngon vì đó là phần chắc nhất của con bò, ống xương bò cần có một chút tủy bên trong trước khi chúng được bỏ vào nồi nước cốt. Cuối cùng là thịt bò Angus được ướp với gừng cay và tiêu sọ, khò đốt phần thịt bò cho có mùi thơm để món ăn thêm đậm vị.
Có một điều bí mật trong việc dùng đèn khò đó là nó giúp người ta an tâm hơn khi ăn vì họ biết đồ ăn đã được nấu chín hoàn toàn.
Bạn biết bánh phở Hà Nội là ngon nhất trong các loại bánh phở không? Vì họ làm bánh bằng tay, cắt ra bằng tay nên bánh phở rất mềm mịn và dễ ngấm nước dùng”, ông nói.
Đặc biệt, theo người sáng lập của Anan Saigon, thay vì cho chung tất cả các loại nguyên liệu vào một tô như bình thường thì thịt bò Angus và bánh phở sẽ được để riêng và nhúng nó vào nước dùng sau, đi chung với trứng chần trong nước lèo phủ lên bằng sốt truffle, rau thơm ăn kèm, tương đen đỏ và cuối cùng thêm một lớp sốt nấm truffle.
Ngoài bát phở 100 USD, được biết giá bát phở thông thường tại nhà hàng này chỉ vào khoảng 200.000 đồng/bát.
2. Cơm hộp văn phòng: 29 triệu đồng/hộp
Nếu nhìn qua có lẽ ai cũng đoán đây chỉ là một hộp cơm văn phòng bình thường nhưng thực chất đây là một suất cơm đặc biệt được chào bán tại một nhà hàng ở Việt Nam với mức giá lên đến 29 triệu đồng/hộp. Và đây chính là sản phẩm được mệnh danh là “cơm hộp văn phòng đắt nhất Việt Nam”.
Được biết, một trong những nhân tố quyết định đến độ đắt đỏ của hộp cơm này chính là thịt bò Kobe nhập khẩu từ Nhật Bản. Tại thị trường Việt Nam, số lượng công ty nhập được loại thịt bò chính hiệu này vô cùng ít, trong khi đó hộp cơm này lại sử dụng bò Kobe A5 loại thượng hạng được bán với giá 14,5 triệu đồng/kg.
Hình ảnh cơm hộp văn phòng đắt nhất Việt Nam với mức giá 29 triệu đồng.
Đây là giống bò đen được chăm sóc tỉ mĩ kĩ tất cả càng từ tinh thần đến thể chất, tâm hồn,… làm sao để tạo ra được chất lượng thịt thơm ngon mà vân thịt phải đều như gỗ.
Bên cạnh đó, chưa kể đến nhiều loại nguyên liệu khác nhau và công sức chế biến của đầu bếp cũng cực kỳ công phu để đảm bảo cho thức ăn trong hộp cơm luôn giữ được độ tươi ngon nhất.
Tuy nhiên, không phải ai có tiền cũng có thể mua được hộp cơm này vì đặc thù của giống bò Kobe vốn dĩ không có sẵn nên nếu muốn thưởng thức, khách hàng cũng phải đặc trước từ 10-15 ngày mới có hàng.
3. Cơm rang tỷ phú “dát vàng”: 880 nghìn đồng/phần
Cơm rang vốn là một món ăn bình dân dễ dàng bắt gặp ở bất cứ đâu trên đường phố Việt Nam, chỉ với những nguyên liệu đơn giản có thể dễ dàng chế biến ra một đĩa cơm ngon lành cho thực khách.
Tuy nhiên, tại một nhà hàng Hong Kong (Trung Quốc) ở TP.HCM đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi xuất hiện món cơm rang trị giá gần 1 triệu đồng/nồi trong thực đơn.
Cận cảnh nồi “Cơm chiên tỷ phú” dát vàng.
Được biết, nhà hàng đã đặt tên cho món ăn này là “Cơm chiên tỷ phú” và bật mí những nguyên liệu đắt đỏ để chế biến ra bao gồm gạo Nhật, bò Mỹ Black Angus, gan ngỗng, nấm Truffles, lạp xưởng Hong Kong cùng một miếng vàng dát mỏng phủ lên trên.
Đặc biệt, phần cơm chiên được chế biến vô cùng cầu kỳ. Khi ăn thực khách phải trộn đều tất cả các nguyên liệu và thưởng thức khi cơm còn nóng hổi. Phần cơm dẻo, ăn cùng gan ngỗng béo ngậy hòa tan cùng vị ngọt đậm đà của thịt bò, lạp xưởng sẽ tạo nên nét đặc trưng riêng cho món ăn.
Ngoài ra, một nét độc đáo của nhà hàng này là thay vì để cơm và trang trí ra đĩa như bình thường thì họ sẽ bày trí các nguyên liệu sau khi chế biến vào một chiếc nồi gang cỡ vừa, đủ cho 4 người ăn.
4. Bánh mì: 2,2 triệu đồng
Bánh mì vốn được xem là món ăn tiện lợi vì giá thành rẻ, có thể dùng làm bữa chính hoặc phụ bởi giá trị dinh dưỡng đầy đủ và dễ dàng tìm thấy ở mọi đường phố trên Việt Nam.
Tuy nhiên, theo thời gian, bánh mì tiếp tục được phát triển và biến tấu với nhiều hình thức và cách phối hợp nguyên liệu mới, đáp ứng nhu cầu ẩm thực và khẩu vị của người Việt như bánh mì dân tổ, bánh mì xíu mại trứng muối,…
Gần đây nhất, tại một nhà hàng ở TP.HCM đã từng gây xôn xao khi đưa vào thực đơn món bánh mì siêu “đắt đỏ” với mức giá lên đến 2,2 triệu đồng.
Theo lý giải của nhà hàng, chiếc bánh mỳ “siêu đắt” này được làm từ những nguyên liệu có giá thành cao như gan ngỗng béo và sườn heo nướng.
Quy trình làm khá kỳ công, trước tiên, gan ngỗng được áp chảo cho mỡ chảy ra, đầu bếp sẽ dùng phần nước mỡ rưới lên toàn bộ bánh mỳ vào khâu cuối để tạo độ béo, ngậy. Sườn cũng được nướng đảm bảo độ mềm, ngọt của thịt.
Ngoài ra, nguyên liệu làm nên chiếc bánh mỳ đắt đỏ này còn có trứng cá tầm, rau sống, dưa leo, cà rốt thái sợi…
Mỗi chiếc bánh mì, nhà hàng dùng khoảng 4 miếng gan ngỗng khoảng 40 gram/ miếng và một phần bánh mì có thể đủ cho 2-3 người ăn cùng lúc.