Được kích hoạt bởi động thái can thiệp của nhà chức trách Nhật, xung lực tăng của đồng yên mỗi lúc một mạnh thêm khi các nhà bán khống – lực lượng đã đẩy đồng yên xuống mức thấp nhất 38 năm vào đầu tháng 7 – tháo chạy ồ ạt khỏi các vị thế này.
Trong vòng 3 tuần, đồng yên đã tăng giá 8% so với đồng USD và tốc độ tăng này đã khiến nhiều nhà tham gia thị trường bất ngờ. Theo hãng tin Reuters, các quỹ đầu tư và cố vấn giao dịch hàng hóa theo xu hướng (trend-following CTA) – những người đã thiết lập trạng thái bán khống đồng yên ở những thời điểm thị trường yên ắng hơn – đối mặt nguy cơ thua lỗ hoặc ít nhất một phép tính rủi ro mới.
BÁN KHỐNG YÊN ĐỘT NHIÊN THẤT THẾ
Tỷ giá đồng yên đã trượt dài từ mức 140 yên đổi 1 USD vào tháng 1 nay xuống mức gần 162 yên đổi 1 USD vào đầu tháng 7 – mức thấp nhất 38 năm, tiếp đó là phục hồi chóng mặt. Sáng nay (2/8), tỷ giá đồng yên so với USD giao dịch ở mức dưới 149 yên đổi 1 USD.
Ở mức tỷ giá này, các nhà đầu cơ bán khống đồng yên từ đầu năm đã mất một nửa thành quả lãi trên giấy tờ. Ngoài ra, mức độ biến động mạnh khiến họ ngày càng cảm thất bất an với vị thế bán khống này.
Sau các cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ ở Mỹ và Nhật Bản gần đây, với định hướng lãi suất trái chiều của hai nền kinh tế, giới phân tích và các nhà giao dịch cho rằng động thái tiếp theo của các nhà đầu cơ sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ là yếu tố quyết định diễn biến thị trường. Và điều đó có thể đồng nghĩa rằng đồng yên còn tiếp tục tăng giá.
“Thực sự là diễn biến tỷ giá lại chính là nhân tố chi phối tỷ giá đồng yên với đồng USD”, chiến lược gia vĩ mô James Malcolm của ngân hàng UBS nhận xét.
Khi các nhà giao dịch theo xu hướng đồng loạt bắt cùng một tín hiệu dịch chuyển từ thị trường, một sự biến động vốn đã lớn sẽ càng trở lên lớn hơn và nhanh hơn.
“Khi đồng yên tăng lên mức dưới 152 yên đổi 1 USD, các nhà giao dịch dạng CTA sẽ bắt đầu hành động, không chỉ giảm vị thế đầu cơ giá lên đồng USD, mà thực chất bắt đầu bán khống USD trong cặp USD/yên”, ông Malcolm nói.
Bán khống yên – đồng tiền có lợi suất ngắn hạn đã duy trì ở mức gần 0 suốt từ đầu những năm 2000 – vốn đã là giao dịch tiền tệ lãi suất nhiều năm qua. Khả năng sinh lời của giao dịch này sẽ càng lớn khi đồng yên trượt giá đều và biến động tỷ giá ở mức thấp.
Giờ đây, những yếu tố hậu thuẫn kỳ vọng rằng đồng yên sẽ vừa rẻ vừa ổn định đang có sự dịch chuyển đột ngột. Xu hướng tăng điểm gần đây của thị trường chứng khoán Nhật Bản đã khuyến khích các nhà đầu tư nước này chuyển vốn từ nước ngoài về nước nhiều hơn, và thâm hụt thương mại của Nhật cũng đã thu hẹp.
Năm nay, các nhà đầu tư Nhật đã rút ròng 2,2 nghìn tỷ yên, tương đương 15 tỷ USD, khỏi các thị trường chứng khoán nước ngoài, lớn hơn lượng vốn ròng 621,2 tỷ yên mà họ đổ vào trái phiếu nước ngoài – theo số liệu chính thức.
Cùng với đó, chỉ trong vòng 4 tháng, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã có 2 đợt tăng lãi suất và xóa bỏ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) – vốn được xem là một “tấm lưới an toàn” cho các vị thế bán khống đồng yên vì đảm bảo lãi suất đồng yên duy trì ở mức siêu thấp.
“Chúng tôi vẫn tin tưởng rằng sự suy yếu của đồng yên trong 2 năm qua không phải là biểu hiện của một sự dịch chuyển mang tính cơ cấu. Tình trạng bán yên kéo dài đó có bản chất là tính chu kỳ và hoàn toàn có thể đảo ngược”, chiến lược gia Gareth Berry của công ty Macquarie nhận định. Ông dự báo tỷ giá đồng yên so với USD hồi về mức 125 yên đổi 1 USD trước cuối năm 2025.
ĐỒNG YÊN SẼ TIẾP TỤC TĂNG GIÁ?
Trong vòng 1 tháng trở lại đây, các nhà đầu cơ đã cắt giảm vị thế bán khống yên với mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Ở mức 8,61 tỷ USD, vị thế bán khống yên hiện thấp hơn 40% so với mức đỉnh của 7 năm ghi nhận vào tháng 4 – theo dữ liệu từ cơ quan giám sát thị trường Mỹ.
“Các yếu tố kỹ thuật của cặp tỷ giá USD/yên đã đảo ngược. Với việc BOJ trở nên cứng rắn hơn, thị trường bây giờ quan tâm xem liệu cơ quan này có thể tăng lãi suất bao nhiêu, thay vì việc họ có tăng lãi suất nữa hay không”, nhà quản lý danh mục Rong Ren Goh của công ty Eastspring Investments nhận định. Ông Goh dự báo yên tiếp tục tăng giá, ngay cả khi thị trường tiếp tục bán khống đồng tiền này.
Một điều chắc chắn là vẫn có những yếu tố nền tảng khiến đồng yên còn yếu. Lãi suất cơ bản của Nhật đang thấp hơn khoảng 5 điểm phần trăm so với lãi suất cơ bản của Mỹ và thị trường dự báo sau 1 năm nữa chênh lệch này vẫn sẽ lớn hơn 3 điểm phần trăm. Tuy nhiên, những nhà đầu tư còn nhớ thời kỳ tháo chạy khỏi hoạt động chênh lệch lãi suất (carry-trade) hồi năm 1998, khi đồng yên tăng từ 147 lên 101 yên đổi 1 USD chỉ trong vòng vài tuần, đang rút lui nhanh chóng.
Ông Tareck Horchani, trưởng môi giới tại công ty Maybank Securities ở Singapore, dự báo các quỹ phòng hộ sẽ tránh các giao dịch bán khống yên đơn thuần chỉ dựa vào diễn biến giá và không tính đến các yếu tố kỹ thuật, mà thay vào đó thông qua các hợp đồng quyền chọn để đặt cược vào sự biến động tỷ giá lớn hơn.
Nhà quản lý quỹ Bart Wakabayashi của công ty State Street cho biết các nhà đầu tư không sử dụng đòn bẩy đã mua mạnh đồng yên trong những tuần gần đây, với dòng vốn được ghi nhận là mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Cùng với đó, các nhà quản lý quỹ cũng đang chuyển từ trạng thái giảm tỷ trọng nắm giữ yên sang trạng thái trung tính.
“Điều mà bây giờ ai cũng quan tâm là vị thế bán khống đồng yên sẽ dẫn tới những hệ quả như thế nào và sẽ kéo dài trong bao lâu. Tỷ giá đồng yên đã vượt qua ngưỡng bình quân 200 ngày, nên một bức tranh kỹ thuật khác biệt có lẽ đã được tạo ra”, ông Wakabayashi nói.
Theo nhà quản lý quỹ này, biểu đồ kỹ thuật hiện tại cho thấy đồng USD đang gặp phải ngưỡng kháng cự kỹ thuật ở mức 150,5 yên đổi 1 USD, và cặp tỷ giá này có thể sẽ dao động trong khoảng 145-150 yên/USD.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/cac-nha-ban-khong-yen-nhat-nhu-ngoi-tren-dong-lua.htm