Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã khiến phần lớn giới chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư bất ngờ khi cắt giảm lãi suất chính sách ngắn hạn – động thái được xem như dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng lo lắng về tình trạng suy yếu của tăng trưởng và gấp rút hành động để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.
Trong một tuyên bố ra ngày 13/6, PBOC cho biết đã giảm lãi suất mua lại đảo ngược (repo) kỳ hạn 7 ngày 0,1 điểm phần trăm, còn 1,9%. Đây là lần đầu tiên PBOC giảm lãi suất này kể từ tháng 8/2022.
Đây là một động thái bất thường, diễn ra chỉ vài ngày trước khi PBOC dự kiến sẽ công bố điều chỉnh đối với lãi suất các khoản vay chính sách kỳ hạn 1 năm, được gọi là cơ sở cho vay trung hạn (MLF). Đồn đoán đã gia tăng trong những ngày gần đây rằng PBOC sẽ cắt giảm lãi suất vào ngày thứ Năm, trước khi công bố các số liệu thống kê chính thức được cho là sẽ cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục mất đà trong tháng 5.
“Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cuối cùng cũng đã thừa nhận sự suy yếu kinh tế. Sẽ còn có thêm những đợt giảm lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong nửa sau của năm nay”, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của ngân hàng Societe Generale, bà Michelle Lam, nhận định.
Một chỉ số đo giá cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại thị trường Hồng Kông tăng 0,4% sau khi quyết định giảm lãi suất được PBOC công bố. Mặc dù việc cắt giảm lãi suất có thể giúp cải thiện tâm lý trong ngắn hạn, nhưng các nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh cần phải làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy niềm tin cho các doanh nghiệp đầu tư. Nhu cầu đi vay vẫn còn yếu, nên dù tăng trưởng cung tiền có nhanh thì đầu tư tư nhân vẫn còn ì ạch, đồng nghĩa việc nới lỏng tiền tệ sẽ không có tác dụng nhiều để kích thích nền kinh tế.
Tỷ giá Nhân dân tệ tại thị trường ngoài Trung Quốc đại lục giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng sau khi PBOC tuyên bố hạ lãi suất, tiến gần đến mức 7,2 Nhân dân tệ đổi USD – mốc được nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ. Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm đã giảm 5 điểm cơ bản xuống 2,62%, mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.
Ông Steven Leung, Giám đốc điều hành của UOB Kay Hian, nhận định với Bloomberg: “Việc cắt giảm lãi suất là không đủ để vực dậy thị trường. Thị trường cần được hỗ trợ nhiều hơn về chính sách, cả về tiền tệ và tài chính, để có thể xoay chuyển tâm lý tiêu cực về triển vọng kinh tế của Trung Quốc.”
Việc PBOC hạ lãi suất trước khi diễn ra cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến diễn ra vào ngày thứ Ba và thứ Tư tuần này còn nhằm “giảm bớt ảnh hưởng của việc giảm lãi suất đối với tỷ giá Nhân dân tệ” – theo chiến lược gia Ken Cheung thuộc ngân hàng Mizuho Bank. Theo dự báo của giới chuyên gia kinh tế, Fed sẽ tạm dừng việc tăng lãi suất trong lần họp này.
Việc Fed giữ nguyên lãi suất có thể làm giảm bớt bất kỳ ảnh hưởng nào mà các biện pháp nới lỏng của PBOC có thể gây ra đối với dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc và tỷ giá đồng Nhân dân tệ. Từ đầu năm đến nay, Nhân dân tệ đã mất giá 3,6% so với đồng USD, trở thành một trong những đồng tiền mất giá nhiều nhất ở châu Á.
Tỷ giá Nhân dân tệ tại thị trường ngoài Trung Quốc đại lục giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng sau khi PBOC tuyên bố hạ lãi suất, tiến gần đến mức 7,2 Nhân dân tệ đổi USD – mốc được nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ. Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm đã giảm 5 điểm cơ bản xuống 2,62%, mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.
Một số nhà kinh tế cũng dự đoán PBOC sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc – lượng tiền mặt mà các ngân hàng thương mại phải dự trữ – trong những tháng tới. Điều đó sẽ giải phóng một lượng tiền lớn hơn trong hệ thống tài chính để các ngân hàng thương mại tăng cường cho vay. Nhà kinh tế học Hui Shan của ngân hàng Mỹ Goldman Sachs hôm Chủ nhật dự báo tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ được PBOC giảm 0,25 điểm phần trăm vào một thời điểm nào đó trong tháng này.
Thống đốc PBOC Dịch Cương tuần trước tuyên bố sẽ tăng cường “các biện pháp điều chỉnh phản chu kỳ” – một sự thay đổi trong ngôn ngữ mà một số nhà phân tích cho rằng báo hiệu sự nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ. Ông Dịch Cương cũng cam kết sẽ “nỗ lực hết sức để hỗ trợ nền kinh tế thực” khi nhu cầu phục hồi chậm hơn so với nguồn cung.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc vẫn chưa phát đi một tín hiệu rõ ràng nào về việc họ có tung ra một gói kích thích kinh tế quy mô lớn hay không. Các biện pháp gần đây – chẳng hạn như khuyến khích thúc đẩy tiêu thụ ô tô điện và các loại phương tiện khác – đều nhắm tới một số lĩnh vực cụ thể. Chính phủ Trung Quốc cũng đang cân nhắc một gói hỗ trợ thị trường bất động sản mới – giới thạo tin tiết lộ.
Cùng với dữ liệu về sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư dự kiến sẽ được công bố vào thứ Năm tuần này, các chỉ số kinh tế Trung Quốc khác trong tuần này cũng nhiều khả năng là những con số ảm đạm.
Ông Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại ngân hàng ANZ, nhận định: “Dữ liệu tín dụng tháng 5 dự kiến được công bố hôm nay hoặc ngày mai có thể rất xấu. PBOC có thể lo lắng về những cú sốc tiềm ẩn đối với thị trường, và vì vậy đã nhân cơ hội này để cố gắng xoa dịu những lo ngại ngay từ trước”.