Hầu hết các trường trung học đều xếp lớp cho học sinh dựa trên học lực, từ lớp chọn trọng điểm đến những lớp phổ thông bình thường. Lớp chọn, hay còn gọi là lớp danh dự tại Trung Quốc, được tạo điều kiện để có môi trường học tập tốt nhất, được nhà trường quan tâm và đầu tư hơn hẳn so với các lớp khác. Cũng chính vì vậy, các học sinh ưu tú, đạt điểm cao trong kỳ thi Đại học tại Trung Quốc thường bước chân ra từ những lớp chọn của các ngôi trường có tiếng tăm.
Chính vì vậy, việc một cô bé học lớp bình thường trở thành thủ khoa Đại học Bắc Kinh danh giá và được cả Đại học Thanh Hoa ‘“chào mời” vào năm 2015 đã “gây sốt” trên mạng xã hội đất nước tỷ dân. Cô gái đó là Lưu Chí Tân, được mệnh danh là “chú ngựa ô” xuất sắc nhất với điểm số gần như tuyệt đối ở các môn thi, đạt 721/750 điểm.
Vậy đâu là bí quyết giúp cô bé này “lội ngược dòng” thành công, xuất sắc hơn cả những người bạn đồng trang lứa xuất phát từ trường chuyên lớp chọn?
Trở thành người phi thường trong tập thể bình thường
Lưu Chí Tân từ nhỏ đã ngoan ngoãn, hiểu chuyện và có ý thức kỷ luật rất cao. Cha mẹ Lưu Chí Tân không hề bắt ép cô học tập, luôn tạo điều kiện để cô bé nêu ý kiến và đưa ra quyết định của mình. Từ nhỏ, Lưu Chí Tân đã được bố mẹ kể cho nghe rất nhiều câu chuyện về Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa danh giá, đưa cô bé đến tham quan và vui chơi.
Bằng cách này, hai ngôi trường hàng đầu Trung Quốc đã trở nên thân thuộc, trở thành mục tiêu để Chí Tân học hành chăm chỉ. Bố mẹ để con gái hoàn toàn chủ động thời gian học tập và tham gia các hoạt động con yêu thích. Lưu Chí Tân không chỉ biết tự lập kế hoạch học tập, trau dồi khả năng tư duy mà cũng rất ý thức về điểm mạnh và điểm yếu của mình.
Tốt nghiệp THCS, Chí Tân đỗ vào Trung học Trực thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc với điểm số cao. Tuy nhiên bước ngoặt đến khi cô bé họ Lưu đã đánh mất hào quang do phải cạnh tranh cùng những học sinh quá giỏi. Lưu Chí Tân chỉ có thể vào lớp bình thường, một cú sốc với cô bé vốn đã quen với vị trí top đầu từ nhỏ đến lớn
Vượt qua nỗi thất vọng, Lưu Chí Tân không từ bỏ mà quyết tâm trở thành người phi thường trong lớp học bình thường. Với sự cố gắng không ngừng, cô bé trở thành lớp trưởng, hàng ngày nhận nhiệm vụ tổng kết lại kiến thức đã học và chia sẻ lại cho cả lớp.
Ở một nơi học sinh có học lực ngang bằng và liên tục cạnh tranh nhau, thật khó để có thể chia sẻ những gì mình đã học được một cách cởi mở. Nhưng cô bé Chí Tân làm việc đó một cách tình nguyện và vui vẻ, kiên nhẫn giải đáp khi bạn bè không hiểu.
Lưu Chí Tân không coi đó là nhiệm vụ mà là cách để có thể nhớ lại và tổng kết những gì đã học. Việc giải thích cho người khác cũng giúp cô bé củng cố kiến thức, đồng thời có thể phát hiện những điều bản thân chưa hiểu hoặc sai sót và kịp thời thay đổi, bổ sung.
Chí Tân nhận ra rằng điểm yếu của mình là tiếng Trung và dành nhiều tâm sức hơn cho nó. Mỗi ngày, Lưu Chí Tân đều xem lại những gì đã học và giải các đề thi đại học rất tỉ mỉ, không ngại hỏi lại giáo viên những câu sai. Với thái độ học tập tích cực, cô bé luôn xếp nhất nhì trong lớp và nằm trong top 50 của trường.
Tâm lý là đòn quyết định thắng thua
Tuy nhiên, chỉ có những điều trên thì chưa đủ để Lưu Chí Tân trở thành thủ khoa của kỳ thi Đại học. Đến năm lớp 12, cô bé chỉ dành 5 tiếng để ngủ, thời gian còn lại hoàn toàn tập trung vào việc học. Nhưng điều quan trọng, cô gái nhỏ có niềm tin vững vàng rằng bản thân sẽ đạt được thành tích tốt trong kỳ thi sắp tới.
Giống như các tuyển thủ thể thao hàng đầu thế giới cùng thi đấu, năng lực rõ ràng như nhau, điểm mấu chốt để phân định thắng thua chính là phẩm chất tâm lý. Ai có thể bình tĩnh thể hiện thường sẽ nhận được kết quả tốt đẹp.
Lưu Chí Tân cũng vậy. Một tháng trước kỳ thi tuyển sinh đại học, cô bé bắt đầu không còn thức khuya mà cố gắng ngủ thật ngon để tinh thần luôn thoải mái. Cô không còn ôn tập nhiều mà tập trung sửa những câu bản thân từng làm sai. Buổi tối, cô đi dạo cùng ông bà, chơi một bản piano hoặc xem chương trình yêu thích. Tất cả giúp Chí Tân minh mẫn, tràn đầy năng lượng và suy nghĩ tích cực hơn.
Bước vào phòng thi đại học, khi Lưu Chí Tân nhận được đề thi, cảm giác đầu tiên của cô bé là các câu hỏi không khó, chỉ cần cẩn thận là được. Và cô gái họ Lưu đã đạt số điểm 721/750, được cả Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh, 2 ngôi trường danh giá hàng đầu Trung Quốc gửi lời mời nhập học. Cuối cùng, Chí Tân chọn ngôi trường yêu thích là Đại học Bắc Kinh để theo học chuyên ngành tài chính. Trong 11 học sinh cùng trường cấp 3 và đỗ Đại học Bắc Kinh năm đó, Lưu Chí Tân là học sinh duy nhất xuất thân từ lớp thường.
Thành công của cô bé đã truyền cảm hứng cho nhiều học sinh cấp 3, không vì sự thất bại trong chốc lát mà buông xuôi, nản lòng. Mỗi học sinh đều có quỹ thời gian 3 năm như nhau, không phân biệt lớp chọn hay lớp thường, người nào biết tận dụng thành công và kiên trì thì cánh cổng ĐH yêu thích của các em sẽ càng rộng mở.
Theo Toutiao, SixthTone