Tác hại
Tiến sĩ Niyati Arora (bác sĩ phục hình răng) tại Phòng khám Nha khoa Krown Hub (Pitampura, Delhi, Ấn Độ), giải thích rằng, chất nôn bao gồm thức ăn chưa tiêu hóa cùng với axit do dạ dày của chúng ta sản xuất ra giúp tiêu hóa thức ăn.
Điều này làm cho nó có tính axit. Khi chúng ta nôn, trong miệng và cổ họng sẽ có tính axit. Môi trường axit này sẽ làm suy yếu men răng bởi tính cấu trúc khoáng hóa bên ngoài của răng.
Nếu chúng ta đánh răng vào thời điểm này, một điều có thể xảy ra là men răng dễ dàng bị mài mòn vì nó đã ở trạng thái yếu và chúng ta sẽ chà xát axit trong miệng lên tất cả các răng, khiến nhiều bề mặt răng tiếp xúc với axit mạnh và làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nisha Thakkar, nha sĩ thẩm mỹ tại Phòng khám Nha khoa Dr Karishma Aesthetics (Bangalore, Ấn Độ) thông tin thêm, men răng là lớp canxi bao phủ bề mặt răng. Nó có thể bị mòn do axit. Vì vậy, sau khi nôn, lý tưởng nhất là bạn nên đợi độ pH có tính axit trở về mức trung tính, quá trình này thường mất từ 30 đến 45 phút.
Vai trò của nước bọt
Không phải ai cũng biết điều này, nhưng nước bọt có nhiều chức năng trong cơ thể. Tiến sĩ Thakkar cho biết, nước bọt có tác dụng kháng khuẩn, kháng vi-rút và kháng nấm bao phủ bề mặt răng. Nó giúp tiêu hóa và khoáng hóa; nước bọt cũng chứa hệ thống đệm chịu trách nhiệm duy trì cân bằng axit-bazơ trong răng và miệng.
Bà Thakkar khẳng định: “Vai trò quan trọng nhất là đệm bicarbonate. Đệm này duy trì độ pH của nước bọt ở mức từ 5,7 đến 6,2. Không có quá trình cụ thể nào để tăng tiết nước bọt trong miệng nhưng uống nước, dưỡng ẩm cho môi và thở bằng mũi là một số cách để duy trì tiết nước bọt”.
Vì không nên đánh răng ngay sau khi bị nôn mửa, bà khuyên chúng ta có thể làm một số việc nhất định để trung hòa tác động xấu của axit. Những việc này bao gồm: súc miệng bằng nước uống thông thường, tiêu thụ các sản phẩm từ sữa và nhiều rau xanh hơn có thể giúp cân bằng nước bọt và kiểm soát axit.