Bộ Quốc phòng đề xuất lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ và được Liên Hợp Quốc tặng huân chương sẽ được thăng quân hàm, nâng lương trước niên hạn.
Tại dự thảo đang lấy ý kiến, Bộ Quốc phòng cũng đề xuất cá nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình được hưởng trợ cấp kinh phí đối ngoại, dân vận, tuyên truyền, trang thiết bị, trợ cấp chức vụ chỉ huy. Nữ giới được hưởng trợ cấp đặc thù. Bộ Quốc phòng, Công an có chính sách ưu tiên bố trí, sử dụng cá nhân sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về.
Người được tuyển chọn tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc cần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn. Trước tiên, họ phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc Quân đội nhân dân hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, chiến sĩ thuộc Công an nhân dân, đáp ứng một loạt tiêu chí.
Đó là: Có nguyện vọng tham gia lực lượng; có khả năng hoạt động tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình (chủ yếu ở châu Phi); bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, Đảng và Nhà nước; có phẩm chất đạo đức cách mạng, gương mẫu; có lý lịch rõ ràng; có tuổi đời, đảm bảo sức khỏe, có ngoại ngữ theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc…
Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định cử, điều chỉnh, rút lực lượng Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Thủ tướng – Phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, được ủy quyền rút lực lượng Việt Nam đang triển khai về nước trong trường hợp khẩn cấp.
Bên cạnh các nội dung trên, dự luật cũng có các điều khoản về hợp tác quốc tế trong gìn giữ hòa bình; quy trình triển khai lực lượng; kế hoạch xây dựng, đào tạo lực lượng; trang phục, trang bị nhận biết lực lượng gìn giữ hòa bình…
Từ tháng 6/2014, Việt Nam chính thức cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Đến giữa năm 2024, Việt Nam đã cử 812 lượt sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ UNMISS (Nam Sudan), Phái bộ MINUSCA (Cộng hòa Trung Phi), Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei), Phái bộ EUTM RCA (Phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Trung Phi) và Trụ sở Liên Hợp Quốc.
Các sĩ quan được điều phối thực hiện nhiệm vụ theo hình thức cá nhân như tham mưu quân sự, huấn luyện, trang bị; sĩ quan liên lạc; quan sát viên quân sự; sĩ quan điều phối quân – dân sự; sĩ quan truyền thông; sĩ quan quân lương, sĩ quan cảnh sát cá nhân tại Phái bộ. Hình thức đơn vị có Bệnh viện dã chiến cấp 2 với 63 quân nhân; Đội Công binh với 184 quân nhân.
Hiện nay, việc triển khai lực lượng làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình được thực hiện theo Nghị quyết 130/2020 của Quốc hội, nhưng quá trình thực hiện phát sinh nhiều hạn chế. Quy trình triển khai, tuyển chọn, đào tạo lực lượng chưa đầy đủ, chặt chẽ. Việc bảo đảm nguồn lực, tài chính; chế độ, chính sách đãi ngộ cho các sĩ quan chưa đáp ứng được tình hình thực tiễn. “Xây dựng Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là cần thiết”, Bộ Quốc phòng khẳng định.
Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (giữa năm 2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (cuối năm 2025).
Nguồn tin: https://vnexpress.net/de-xuat-nang-luong-truoc-nien-han-cho-si-quan-hoan-thanh-tot-nhiem-vu-gin-giu-hoa-binh-4774859.html