Quảng NamMẹ Ngô Thị Lang, 103 tuổi mong tìm được hài cốt con trai thay vào cho ngôi mộ gió được lập ở nghĩa trang liệt sĩ TP Hội An.
Ngày 27/7, mẹ Ngô Thị Lang, ở phường Tân An ra nghĩa trang liệt sĩ TP Hội An thắp hương cho chồng và con trai. “Hài cốt chồng là liệt sĩ Huỳnh Kinh Nhi đã đưa về án táng, còn con trai Huỳnh Quang Thợ lập mộ gió. Hàng năm đến ngày này, mẹ đến thắp hương để cầu mong tìm được hài cốt đưa về an nghỉ”, mẹ Lang nói. Mẹ là một trong hơn 290 mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam còn sống.
Mẹ Lang quê ở Hội An, lấy chồng là ông Huỳnh Kim Nhi lúc 18 tuổi. Trong kháng chiến chống Pháp, ông Nhi là đảng viên, tham gia hoạt động cách mạng và bị địch bắt. Ra tù, để tránh bị phát hiện, ông chuyển cả gia đình đến xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, cách Hội An khoảng 20 km tiếp tục hoạt động.
Ông Nhi mở quán rượu để làm cơ sở hoạt động. Cách mạng tháng 8, ông dẫn đầu đoàn người đến cướp chính quyền ở Hà Lam, huyện Thăng Bình. Sau đó ông làm Bí thư Huyện ủy Thăng Bình và đến năm 1950 hy sinh.
Thời điểm đó, được Mỹ viện trợ, Pháp đưa thêm quân sang Đông Dương nhằm thực hiện chủ trương “bình định gấp rút, phản công quyết liệt”, nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Ở Quảng Nam – Đà Nẵng, địch mở nhiều cuộc càn quét lớn vào các vùng giáp ranh, vùng tự do, đánh phá cơ sở cách mạng, khống chế, kìm kẹp nhân dân vùng tạm chiếm.
Chồng hy sinh, một mình mẹ Lang nuôi 3 người con. Được cài cắm làm việc tại kho nhu yếu phẩm của địch, mẹ lấy thuốc, áo quần cung cấp cho cách mạng. Con gái đầu của mẹ ra miền Bắc học, con trai thứ hai làm công nhân dệt ở huyện Duy Xuyên. Ở nhà chỉ còn mẹ Lang và con trai út Huỳnh Quang Thợ. Sau những buổi đến trường, anh Thợ về nhà giúp mẹ làm ruộng, ra sông bắt cá tôm.
Ngôi nhà mẹ Lang là nơi nuôi giấu cán bộ. Dưới gian bếp là căn hầm bí mật để bộ đội trú ẩn, họp bàn khi cần thiết. Những lúc cán bộ họp, mẹ làm nhiệm vụ cảnh giới, báo động. “Có đợt địch phát hiện căn hầm, cán bộ may mắn kịp sơ tán. Chúng bắt mẹ rồi đánh đập, nhưng mẹ thà chết không khai”, mẹ kể. Ngôi nhà sau đó bị địch đốt.
Năm 1964, anh Thợ đang học đệ tam (cấp 3) thì cùng ba người bạn xung phong ra chiến trường. Ngày lên đường, anh chỉ có chiếc cặp xách thường dùng đi học. “Bạn của bố giữ ở lại mà hắn không chịu. Thợ trốn mẹ đi rồi không quay trở lại nữa”, mẹ Lang nói.
Một năm sau, anh Thợ hy sinh tại chiến trường Chu Lai, huyện Núi Thành khi mới 21 tuổi. Giai đoạn này, Mỹ đưa thủy quân lục chiến vào xây dựng căn cứ liên hợp Chu Lai, làm bàn đạp tiến công các căn cứ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Bộ Tư lệnh khu V quyết định chọn Núi Thành làm nơi đầu tiên thực hiện quyết tâm “đánh Mỹ thắng Mỹ”.
Ba năm sau khi đất nước thống nhất, gia đình mẹ Lang mới nhận được giấy báo tử. Không biết ngày hy sinh của con, mẹ lấy ngày ghi trên tấm bằng Tổ quốc ghi công làm ngày giỗ. Mẹ tìm hiểu, biết con hy sinh được mai táng ở nghĩa trang huyện Núi Thành nên nhiều lần vào tìm kiếm.
“Nó nằm ở vùng đất này mà trốn mẹ. Hắn không cho mẹ biết nằm ở chỗ nào. Mỗi lần vào thăm nghĩa trang, mẹ đi khắp các hàng bia mộ thắp hương để tìm kiếm nhưng vô vọng”, mẹ kể, cho hay dù biết tìm được hài cốt của con rất khó nhưng vẫn nuôi hy vọng, cố sống chờ con về. Mẹ mong chờ có ngày đưa hài cốt con về thay vào mộ gió lập năm 1982 ở nghĩa trang TP Hội An.
Nhớ con, mẹ Lang chỉ biết nhìn lên bàn thờ treo tấm bằng Tổ quốc ghi công. Anh Thợ ra đi không để lại kỷ vật gì cho người thân, ngôi nhà lại bị đốt.
Mẹ Lang hiện sống cùng con trai Huỳnh Quang Thuyền. Ở tuổi 103, mỗi ngày mẹ thức dậy từ 5h đi tập thể dục dưỡng sinh gần nhà. Sáng mẹ ăn một tô cháo hoặc mì Quảng, bữa trưa và chiều chỉ một bát cơm. Hôm 23/7, mẹ ra Hà Nội dự Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin. “Sống đến tuổi này mẹ chủ yếu ăn cơm với cá, mắm, còn xưa lao động rất nhiều”, mẹ nói về bí quyết sống thọ.
Kể về người em trai, ông Thuyền cho biết lúc Thợ lên đường nhập ngũ thì ông đang làm công nhân xa nhà nên không hay biết. Năm 1965, ông Thuyền cùng 21 người bạn trong nhóm thợ viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Từng tham gia nhiều trận đánh từ chiến trường Quảng Nam đến Quảng Trị, ông Thuyền bị thương, đến năm 1980 thì phục viên về địa phương.
“Qua thông tin gia đình xác minh, liệt sĩ Huỳnh Quang Thợ hy sinh tại Núi Thành, hiện được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Nghĩa, nhưng cụ thể phần mộ nào thì không thể xác định”, ông Thuyền nói, cho biết di nguyện cuối đời mẹ Lang chỉ mong đưa anh Thợ về Hội An yên nghỉ.
Trong chiến tranh, Quảng Nam là một trong những chiến trường khốc liệt. Tỉnh có hơn 65.00 liệt sĩ, gần 31.000 thương bệnh binh, hơn 45.500 người có công với cách mạng. Toàn tỉnh có hơn 15.300 bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều nhất cả nước.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/me-viet-nam-anh-hung-103-tuoi-mong-cho-con-ve-4774409.html