Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2024.
Cụ thể, nửa đầu năm 2024, nhà điều hành tiếp tục tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; yêu cầu các tổ chức tín dụng công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên website của ngân hàng, nhằm cung cấp thêm thông tin cho khách hàng tham khảo khi tiếp cận vốn vay.
LÃI SUẤT CHO VAY BÌNH QUÂN Ở MỨC 8,3%/NĂM
Lãi suất đối với các giao dịch mới và cũ của các tổ chức tín dụng tiếp tục xu hướng giảm trong 6 tháng đầu năm 2024. Đến cuối tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so với cuối năm 2023; lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so với cuối năm 2023.
Lãi suất cho vay của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm nhưng có xu hướng chậm lại. Tính đến 30/6/2024, lãi suất cho vay mới ở mức 6,47%/năm, giảm 0,62%/năm so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi phát sinh mới có tín hiệu tăng nhẹ từ đầu tháng 5 với mức tăng khoảng 0,5%/năm so với cuối tháng 4/2024, nhiều ngân hàng đã và đang điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi niêm yết tạo sức ép lên lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Lãi suất tiền gửi phát sinh mới có tín hiệu tăng nhẹ từ đầu tháng 5 với mức tăng khoảng 0,5%/năm so với cuối tháng 4/2024, nhiều ngân hàng đã và đang điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi niêm yết tạo sức ép lên lãi suất cho vay trong thời gian tới.
(Ngân hàng Nhà nước)
Từ đầu năm đến nay, tỷ giá chịu áp lực tăng do thị trường dự kiến Fed sẽ trì hoãn hạ lãi suất điều hành, đồng USD quốc tế tăng và duy trì ở mức cao, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục duy trì âm và nhu cầu ngoại tệ đầu năm tương đối lớn phục vụ nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu.
Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu nhằm điều tiết lượng tiền VND dư thừa, góp phần giảm bớt mức chênh lệch lãi suất âm giữa VND và USD, hạn chế áp lực gia tăng lên tỷ giá.
Từ ngày 19/4/2024, Ngân hàng Nhà nước thực hiện bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng ở mức tỷ giá 24.450 VND/USD để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường nhằm phục vụ các nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế, bình ổn tâm lý thị trường, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Đến ngày 22/7/2024, tỷ giá USD/VND giao dịch trên thị trường liên ngân hàng ở mức 25.332 VND/USD, tăng khoảng 4,44% so với cuối năm 2023, mức mất giá của VND ở mức trung bình so với các đồng tiền khác trong khu vực.
Ngân hàng Nhà nước nhận định việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay và ổn định thị trường ngoại hối theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới vì 5 lý do sau.
Thứ nhất, lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua và đang có dấu hiệu tạo đáy. Llãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm và đến tháng 6/2024, giảm 0,62% so với cuối năm 2023.
Thứ hai, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã có xu hướng tăng trở lại.
Thứ ba, nhu cầu vốn tín dụng đang có xu hướng và tiếp tục tăng thời gian tới sẽ gây áp lực đối với mặt bằng lãi suất.
Thứ tư, diễn biến phức tạp trên thị trường quốc tế đặc biệt là khả năng Fed không hạ lãi suất như dự kiến, đồng USD quốc tế tăng và duy trì ở mức cao và cầu ngoại tệ tăng khi tăng trưởng kinh tế hồi phục trở lại.
Thứ năm, áp lực lạm phát gia tăng đến từ môi trường quốc tế và các nhân tố trong nước như rủi ro leo thang căng thẳng địa cính trị, chi phí vận tải và nguyên nhiên vật liệu tăng, gián đoạn chuối cung ứng, chênh lệch lãi suất trong nước – quốc tế. Cải cách chính sách tiền lương kể từ ngày 1/7 mặc dù chỉ tác động đến bộ phận nhỏ người lao động nhưng tạo tâm lý kỳ vọng tăng giá.
TÍN DỤNG TĂNG VỌT NỬA CUỐI THÁNG 6 VÀ CHẬM LẠI TỪ ĐẦU THÁNG 7
Đến 15/6/2024, tin dụng nền kinh tế mới tăng 3,79% so với cuối năm 2023 nhưng đến 28/6/2024, tín dụng nền kinh tế tăng vọt lên 6% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã chậm lại từ đầu tháng 7. Đến ngày 17/7/2024, tín dụng tăng 5,26% so với cuối năm 2023. Việc tín dụng tăng vọt dấy lên nghi ngờ các tổ chức tín dụng “chạy số lấy định mức” nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng lấy “hạn mức quota” cho năm sau.
Theo Ngân hàng Nhà nước, cơ cấu tín dụng được duy trì hợp lý, tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tiếp tục được kiểm soát. Với thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng tốt và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn đối với nền kinh tế.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều giữa các tổ chức tín dụng. Bên cạnh một số tổ chức tín dụng có mức tăng cao hơn mức tăng chung cả hệ thống, có những tổ chức tín dụng có mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành, thậm chí có tổ chức tín dụng tăng trưởng âm.
Điều đó cho thấy về tổng thể cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định, một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân.
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ theo dõi, đánh giá để điều chuyển chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã phân bổ đầu năm từ ngân hàng thương mại không có khả năng tăng trưởng hết chỉ tiêu đã giao sang ngân hàng thương mại cần thiết tăng thêm để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng tích cực.
Nhà điều hành cũng chỉ ra một số tổ chức tín dụng cấp tín dụng tập trung với tỷ trọng lớn đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như kinh doanh bất động sản, tập trung tín dụng vào các khách hàng lớn và người có liên quan (đặc biệt là các khách hàng có liên quan đến chủ sở hữu của ngân hàng); hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của một số tổ chức tín dụng còn nhiều tồn tại.
Công tác cơ cấu lại nợ của các tổ chức tín dụng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế: vẫn còn tình trạng đảo nợ, cán bộ tín dụng thông đồng với khách hàng, thủ tục hành chính rườm rà.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng nêu khó khăn trong triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng.
Đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng, một số dự án thuộc danh mục được công bố nhưng chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn; nhiều dự án đang thi công phần móng hoặc đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu, đang giải phóng mặt bằng… nên chưa đủ điều kiện mở bán sản phẩm nên không phát sinh nhu cầu vay đối với người mua nhà. Đa số người dân trên địa bàn thuộc khu vực nông thôn, có thu nhập thấp hoặc đối với công nhân trong các khu công nghiệp không có nhu cầu ở dài hạn nên không có nhu cầu mua nhà ở xã hội, chỉ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội.
Đối với các gói cho vay tiêu dùng, thu nhập của người lao động sụt giảm do tình trạng thất nghiệp, mất việc làm tăng cao nên không có nguồn để trả nợ dẫn đến cầu tín dụng tiêu dùng giảm; công nhân, người lao động chưa nắm bắt rõ thông tin liên quan đến các chương trình tín dụng của các công ty tài chính hoạt động theo an định của pháp luật.
Trong nửa cuối năm 2024, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng. Đồng thời, điều hành nghiệp vụ thị trường mở phù hợp với diễn biến thị trường, hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ; duy trì lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Cùng đó, điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về điều hành thị trường trong nửa đầu năm và mục tiêu nửa cuối năm 2024.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/ngan-hang-nha-nuoc-neu-5-thach-thuc-trong-dieu-hanh-chinh-sach-tien-te-nua-cuoi-2024.htm