Ám ảnh 42 lính Việt Nam tử trận được chôn chung hố bom trong trận đánh năm 1968 ở Bình Dương, các cựu binh Australia quay lại tìm kiếm suốt hơn 20 năm.
56 năm trước, Brian John Cleaver rời quê hương để tham chiến với lực lượng liên minh tại chiến trường miền Nam Việt Nam, thuộc tiểu đoàn 3RAR (Tiểu đoàn 3, Trung đoàn Hoàng gia Australia). Thanh niên 20 tuổi nghĩ đơn giản đi để hoàn thành nghĩa vụ quân sự hai năm rồi trở về.
“Tôi không ngờ bị đưa vào cuộc chiến sinh tử, phi nghĩa”, người cựu binh nhớ lại. Ngày 24/5/1968, đơn vị của Brian được triển khai để thiết lập và bảo vệ căn cứ quân sự FSPB Balmoral tại xã Bình Mỹ, huyện Tân Uyên, Bình Dương. Căn cứ cách Sài Gòn khoảng 40 km được xem là một trong những trận địa quan trọng ngăn chặn cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân (đợt 2) của quân Giải phóng.
Cùng lúc, Sư đoàn 7 mang mật danh “Công trường 7”, một trong những đơn vị quân đội chủ lực đầu tiên trên chiến trường Nam Bộ, nhận lệnh của Bộ Tư lệnh Miền tấn công vào căn cứ này.
Các trận giao tranh liên tiếp sau đó khiến đôi bên thiệt hại lớn. Brian sốc nặng khi chứng kiến cảnh tượng khoảng 42 thi thể binh sĩ Bắc Việt bị xe ủi đẩy xuống các hố bom, trở thành những mộ chôn tập thể.
Những trải nghiệm kinh hoàng về trận chiến khiến ông mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Suốt hơn 30 năm sau xuất ngũ, Brian đã cố dấu bệnh cũng như quá khứ, dùng nhiều loại thuốc liều cao nhưng tình trạng không thuyên giảm mà ngày càng nặng.
“Tôi bị dày vò, ám ảnh rằng hố chôn kia sẽ không được ai biết đến. Người thân của họ sẽ rất đau lòng”, cựu binh nói.
Năm 2002, Brian quyết định trở lại Việt Nam, tìm đến hố chôn những người lính ở bên kia chiến tuyến, hy vọng chữa lành những vết thương tâm lý. Trong vai khách du lịch, ông tìm đến trận địa năm xưa nay đã là rừng cao su bạt ngàn. Khoanh vùng được khu vực, người cựu binh trở về nước để kiếm tài liệu, kết nối những đồng đội cũ, trong đó có binh nhì John Bryant.
“Lúc đó tôi thực sự không muốn nhắc đến hai chữ Việt Nam vì quá ám ảnh”, John Bryant nhớ lại. Cũng như Brian, John chỉ nghĩ sang Việt Nam là thực hiện nghĩa vụ quân sự của một thanh niên. Chàng trai 22 tuổi mê phong cảnh nên lúc nào cũng mang theo mình máy ảnh, sẵn sàng ghi lại những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống.
Tiểu đoàn 3 của John đóng ở Núi Đất (Bà Rịa – Vũng Tàu), nhưng thường bị điều đi tăng cường cho một số cứ điểm. Tuy nhiên từ trước đêm 25/5/1968, John chưa từng tham một trận đánh nào. “Chúng tôi thường được trực thăng thả xuống rừng kèm nước, lương khô rồi tùy địa điểm mà đi bộ, trườn, bò… và chụp ảnh lưu niệm”, John nhớ lại. Do đó, các trận đánh ở Bình Mỹ “thực sự là ngoài sức tưởng tượng” của những thanh niên như John thời điểm đó.
Trận đánh sáng 26/5/1968, Việt Nam mất 6 người, lính Autralia đã dùng xẻng đào hố chôn. Giao tranh sau đó hai ngày ác liệt hơn, khi 28 lính Bắc Việt tử trận, toàn bộ thi thể được đẩy xuống hố bom, máy ủi san phẳng. Nhiều đồng đội của John cũng thiệt mạng, bị thương. Ký ức kinh hoàng ám ảnh nên ông từ chối lời đề nghị quay lại Việt Nam tìm hố chôn tập thể năm xưa của Brian, chỉ hỗ trợ bằng cách cung cấp một số hình ảnh vẫn còn lưu trữ.
Với những tài liệu thu thập được, năm sau Brian quay lại chiến địa năm xưa và tự đào bới. Việc một ông Tây ngày qua ngày sục sạo trong vườn cao su khiến người dân chú ý, dân quân xã Bình Mỹ báo lên huyện rồi tỉnh.
Thượng tá Lê Hoàng Việt, khi đó là Trưởng phòng Chính sách Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Dương, phụ trách quy tập mộ liệt sĩ lại biết tiếng Anh nên được phân công tiếp xúc với ông Brian.
“Ban đầu Brian không dám nói tìm mộ mà viện cớ đi thăm chiến trường xưa”, thượng tá Việt nhớ lại. Tuy nhiên, sau khi biết phía Việt Nam cũng mong muốn quy tập hài cốt liệt sĩ, Brian đã nói rõ mục đích. Thượng tá Việt là người đồng hành với cựu binh suốt hơn chục năm sau. Hàng năm vào mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 4), Brian cũng quay lại Bình Mỹ, bỏ tiền túi thuê nhân công, máy đào, ủi, radar dò tìm, khảo sát mấy hecta cao su để tìm mộ.
Năm 2005, Bộ Quốc phòng Australia, thông qua Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, đã gửi cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương hai bản đồ có tọa độ của hai ngôi mộ tập thể của các binh sĩ Việt Nam hy sinh trong trận chiến vào sáng ngày 28/5/1968, khi tấn công căn cứ quân sự Balmoral.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương đã tổ chức tám cuộc tìm kiếm trên diện tích hơn 90 hecta tại các xã Bình Mỹ và Hội Nghĩa, huyện Bắc Tân Uyên, sử dụng các phương pháp khác nhau như đào bằng cuốc, xẻng và máy xúc, nghiên cứu bản đồ, và sử dụng sóng radar kết hợp với hình ảnh vệ tinh. Tuy nhiên, sau 8 cuộc tìm kiếm, chỉ có một bộ hài cốt liệt sĩ được tìm thấy.
Theo thượng tá Việt, sau những cuộc tìm kiếm không có kết quả, nhiều người muốn bỏ cuộc nhưng Brian vẫn kiên trì. Một lần, đội tìm kiếm đào sâu tới 4 m nhưng không có gì nên buộc phải dừng khiến cựu binh rất buồn.
Cuộc tìm kiếm chưa có kết quả như mong đợi nhưng sự quyết tâm của Brian đã dần thay đổi được người đồng đội John Bryant. Năm 2007, sau gần 40 năm, binh nhì John quay lại Việt Nam.
“Sự cởi mở, thân thiện và gác lại quá khứ của người dân, chính quyền Việt Nam tác động đến tôi”, John nói. Điều này khiến ông trở lại Việt Nam nhiều lần sau đó. Năm 2009, cựu binh tham gia các cuộc tìm kiếm mộ của Brian với vai trò quan sát, thỉnh thoảng góp ý khi các cuộc đào xới không có kết quả.
John kể đã từng nhiều lần nói với Brian đã xác định sai vị trí. Bởi vào đêm xảy ra cuộc chiến, ông có nhiệm vụ cảnh giới, lại từng chụp ảnh xung quanh trận địa, nên tin chắc hố chôn phải cách nơi Brian tìm kiếm 400-500 m. Đặc điểm nhận dạng là một ụ súng, từ điểm này đi thẳng tới tầm 70-80 m.
Theo thượng tá Lê Hoàng Việt, nhận định của John là đúng nhưng thời điểm đó đã bị bỏ qua. Nguyên nhân là đoàn tìm kiếm đã quá tin vào các tài liệu đang có, hơn nữa John chỉ tham gia với tư cách là bạn của Brian.
Đến năm 2019, sau khi đã dốc toàn bộ sức lực, đào bới, tìm kiếm trên phạm vi mấy hecta cao su, Brian quyết định dừng cuộc tìm kiếm. “Giây phút ấy, ông khóc và nói: Tôi xin lỗi vì tất cả”, thượng tá Lê Hoàng Việt, nhớ lại.
Việc tìm hố chôn tập thể tưởng chừng dừng lại, song John không đồng tình. “Tôi chuẩn bị hết tài liệu và gõ cửa nhiều nơi để được tiếp tục phần việc đồng đội để lại”, cựu binh nói. Theo ông, ban đầu Đại sứ quán Australia có phần e ngại bởi phía Việt Nam đã bỏ nhiều công sức cùng Brian tìm kiếm suốt 16 năm.
Tuy nhiên, khi John trưng ra các bằng chứng và giải thích rằng khu vực đào xới lâu nay chỉ là chỗ tập kết, vị trí chiến đấu, hố chôn phải cách đó nửa cây số. Bị thuyết phục, các bên lại tiếp tục hỗ trợ. Lần này, John được tiếp sức bởi Luke Johnston, vốn là con trai một cựu binh Australia từng tham chiến ở Việt Nam.
Luke khi đó 43 tuổi và sống ở Việt Nam 10 năm. Cha anh, một cựu quân nhân cũng từng mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương giống Brian. Tuổi thơ Luke nhiều lần chứng kiến cha ôm mặt khóc, thấy pháo hoa cũng sợ hãi. Đến tuổi trưởng thành, anh mới được cha kể về gia đoạn tham chiến ở Việt Nam và những ám ảnh quá khứ. Muốn chữa lành vết thương cho cha, anh gần như tìm hiểu tất cả những thông tin liên quan.
Năm 2009, lần đầu tiên Luke sang Việt Nam. Suốt hai tháng đi khắp đất nước hình chữ S bằng xe máy, gặp nhiều người dân thân thiện, cảnh trí xinh đẹp anh đều quay lại video gửi về cho cha xem. Sự háo hức của anh đã khiến gánh nặng tâm lý của cha Luke dần được trút bỏ. Từ đó, mỗi năm anh đều quay trở lại.
Sau khi cha qua đời năm 2016, Luke quyết định gắn bó với Việt Nam và lấy một cái tên thuần Việt – Lực, tiếp tục tìm hiểu các thông tin liên quan đơn vị của cha mình. Trong thời gian này, Luke gặp John và nhận lời cùng tìm kiếm hố chôn tập thể những người lính Bắc Việt.
Năm 2020, John chuẩn bị sang Việt Nam tiếp tục thực hiện cuộc tìm kiếm nhưng Covid-19 bùng phát, đi lại hạn chế, ông phải tạm hoãn kế hoạch. Lúc này, Luke một mình xuống Bình Dương thuê nhà trọ ở, nhiều tháng liền chạy xe máy tới Bình Mỹ. Vốn có kiến thức thu thập dữ liệu, kết hợp các bằng chứng của John cùng với thiết bị hiện đại, Luke đã tìm ra được ụ súng mà John hay nhắc đến.
“Tôi đã báo ngay cho John, cảm giác thật hạnh phúc”, Luke nói. Từ vị trí này, Luke nhờ Glen Hines, chuyên gia người Mỹ về tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh xác định lại tọa độ.
Sau khi việc đi lại được bình thường, John tức tốc sang Việt Nam và các thành viên trong nhóm đã viết lại hoàn chỉnh báo cáo gửi cho Đại sứ quán Australia. Cuối năm ngoái, vị trí khu mộ tập thể các liệt sĩ đã được xác định ở ấp Chòi Dúng, xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương.
Tết xong, từ ngày 13/3, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Bình Dương (tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ) tổ chức đợt tìm kiếm lần thứ 9. Sau hơn 20 ngày, lực lượng đã phát hiện được khoảng 20 hài cốt liệt sĩ cùng các di vật, trong đó một số vật dụng khắc tên liệt sĩ. Như vậy, sau hơn hai thập kỷ, từ ý định của cựu binh Brian và sự nỗ lực của nhiều bên, hố chôn tập thể đã được tìm thấy, giúp nhiều gia đình tìm được thân nhân của mình.
Ngày 26/4, UBND Bình Dương tổ chức truy điệu 20 liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Buổi lễ có sự tham gia của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Đại sứ quán Australia, cựu binh nước ngoài từng tham chiến ở Việt Nam cùng thân nhân liệt sĩ. Tại buổi lễ, lãnh đạo địa phương đã đánh giá cao sự giúp đỡ của các cựu binh Australia khi suốt hơn 20 năm cùng tham gia tìm kiếm.
“Hôm làm lễ truy điệu, tôi thực sự rất xúc động và thấy việc mình làm có ý nghĩa”, Luke nói. Với chuyên môn về thu thập dữ liệu, anh dự định tiếp tục hỗ trợ các tổ chức tìm kiếm số mộ liệt sĩ còn lại. Trong khi đó, Brian và John, những cựu binh bị ám ảnh bởi trận chiến năm xưa đã phần nào được an ủi.
Lê Tuyết
Nguồn tin: https://vnexpress.net/hai-thap-ky-tim-mo-liet-si-viet-nam-cua-cuu-binh-australia-4774451.html