Truyền thông thế giới đưa tin đậm nét về Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đề cao chính sách “ngoại giao cây tre” được ông thúc đẩy.
Nhiều phái đoàn đại diện lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế đã đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong những ngày diễn ra Quốc tang cấp nhà nước. “Sự đa dạng của các phái đoàn đến viếng là minh chứng cho chính sách ‘ngoại giao cây tre’ cân bằng và linh hoạt mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thúc đẩy”, Nikkei Asia bình luận trong bài viết ngày 26/7 về quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bài viết cho rằng chính sách “ngoại giao cây tre” đã giúp Việt Nam đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Xinhua đăng bài viết chi tiết về lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào ngày 25/7 với sự có mặt của nhiều lãnh đạo và chính khách quốc tế, trong đó có Vương Hộ Ninh, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, đại diện đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Xinhua cho biết ông Vương đã bày tỏ “đau buồn sâu sắc về sự ra đi của đồng chí Nguyễn Phú Trọng”, khẳng định “đảng và nhân dân Trung Quốc đoàn kết với đảng và nhân dân Việt Nam trong thời khắc đặc biệt này”.
Ông nhấn mạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà Marxist kiên định, lãnh đạo kiệt xuất của Việt Nam, là người đồng chí thân thiết, người bạn vĩ đại của Trung Quốc, đã có nhiều đóng góp to lớn, đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước.
Hãng thông tấn AP của Mỹ đăng bài tường thuật về tang lễ, cho biết hàng nghìn người, trong đó có nhiều người đến từ những tỉnh thành xa xôi, đã xếp hàng đến tận khuya tại Hà Nội vào ngày 25/7 để thắp hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hãng tin Mỹ cũng đề cập đến chính sách đối ngoại “ngoại giao cây tre” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ủng hộ xuyên suốt những năm qua, đồng thời giải thích về tinh thần của đường lối ngoại giao này “tương tự sự mềm dẻo của cây tre, nương theo chứ không gãy đổ trước những cơn gió ngược không ngừng biến động của bối cảnh địa chính trị”.
AP nhắc lại rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “là lãnh đạo đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đến thăm Nhà Trắng” năm 2015. Hãng cũng dẫn lại điện chia buồn từ Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “người đi đầu trong xây dựng mối quan hệ sâu sắc giữa nhân dân Việt Nam và Mỹ”. Tổng thống Nga Vladimir Putin trong điện chia buồn với Việt Nam đã ca ngợi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “người bạn thật sự” của nước Nga, đã có những đóng góp to lớn trực tiếp cho phát triển quan hệ song phương.
Trong bài viết trên website Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á Gregory Poling nhận định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo “điềm đạm, tài năng và quan trọng nhất là không thể sa ngã”, là “chính trị gia quan trọng nhất Việt Nam trong thế hệ”.
Ông đánh giá di sản có ý nghĩa to lớn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho Việt Nam là củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng, chiến dịch chống tham nhũng và thắt chặt kỷ luật Đảng, cùng với sự cân bằng quan hệ với mọi cường quốc.
Về chính sách đối ngoại, Poling nhận định Việt Nam sẽ nối tiếp di sản “vừa hợp tác khéo léo với Trung Quốc, cường quốc láng giềng, vừa duy trì quan hệ tốt đẹp với những nước khác như Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thúc đẩy những năm qua.
Hãng tin Reuters của Anh cũng ghi nhận sự có mặt của nhiều phái đoàn và chính khách quốc tế trong lễ viếng ngày 25/7 tại Hà Nội. “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn dắt Việt Nam thúc đẩy quan hệ với mọi cường quốc, trong đó có Mỹ lẫn Trung Quốc, trong đường lối ‘ngoại giao cây tre’, lèo lái đất nước giữa những cạnh tranh toàn cầu gia tăng và duy trì tăng trưởng kinh tế”, bản tin có đoạn.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm là 5,79%, một trong những mức tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á, theo Reuters.
Tạp chí TIME của Mỹ có bài viết về hai ngày Quốc tang của Việt Nam, trong đó điểm lại di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “đưa Việt Nam trỗi dậy với vị thế nhà cung cấp điện tử toàn cầu và dẫn đầu chiến dịch chống tham nhũng những năm qua”.
Hãng tin AFP của Pháp dẫn bình luận của chuyên gia Viện ISEAS-Yusof Ishak, tại Singapore, nhận định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đã duy trì chính sách đối ngoại cân bằng với mọi cường quốc”. Nhờ chính sách này, Việt Nam đã đạt được “những bước phát triển kinh tế đáng chú ý và đang hướng đến trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình cao vào năm 2030”.
Reuters và AFP đều phỏng vấn người dân đến dự lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thể hiện tình cảm, tấm lòng của người dân dành cho cố lãnh đạo.
Hãng thông tấn ANI của Ấn Độ đưa tin phái đoàn do Cố vấn An ninh Quốc gia Ajit Doval dẫn đầu đã đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời ghi lại loạt thông điệp chia buồn từ lãnh đạo các cấp của Ấn Độ dành cho Việt Nam trước mất mát này.
Hãng thông tấn TASS của Nga có bài viết ca ngợi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người chiến sĩ Cộng sản kiên trung, cống hiến cuộc đời và sự nghiệp vì nhân dân lao động, bảo vệ chủ quyền, danh dự và lợi ích của tổ quốc, được yêu mến cả trong và ngoài nước.
Bài viết dẫn lời Gennady Ziuganov, chủ tịch đảng Cộng sản Nga, nhận định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tận lực nhằm đảm bảo người dân Việt Nam “sống trong danh dự” và đất nước đạt được những kết quả xuất sắc.
“Tôi tin rằng với một nền tảng tốt và vững chắc đã được thiết lập, các lãnh đạo Việt Nam sẽ tiếp tục con đường vẻ vang mà đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã theo đuổi, đường lối xây dựng xã hội chủ nghĩa”, ông Ziuganov bình luận.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần ngày 19/7 do tuổi cao bệnh nặng, hưởng thọ 80 tuổi. Tang lễ được tổ chức trọng thể theo nghi thức quốc tang trong ngày 25-26/7. Ông được an táng chiều 26/7 tại Nghĩa trang Mai Dịch.
Sổ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Thanh Danh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/truyen-thong-quoc-te-de-cao-ngoai-giao-cay-tre-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-4774483.html