Trên bờ hồ Saranac ở phía đông bắc New York, hàng năm khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới tìm về đây, họ đứng trước mộ bác sĩ Edward Livingston Trudeau.
Câu nói nổi tiếng của ông được khắc trên bia: “To cure sometimes, to relieve often, to comfort always – Để chữa khỏi thì đôi khi, để giảm nhẹ thì thường xuyên, để an ủi thì luôn luôn”.
Câu nói đã được truyền đi rất xa.
Tôi đọc lời của bác sĩ Trudeau từ khi mới bước chân vào trường Đại học Y Hà Nội, như một sự cảnh báo và truyền cảm hứng, càng làm nghề tôi càng thấm thía.
Chữa bệnh đòi hỏi kiến thức khoa học phong phú và tích lũy thực tế. “Để chữa khỏi thì đôi khi – To cure sometimes”, đây là sự thừa nhận thẳng thắn về những hạn chế của y học. Hạn chế này không chỉ đến từ sự phức tạp, bất định trong từng hiện tượng sống của mỗi cá nhân, mà còn đến từ đặc điểm của thầy thuốc – cũng là người thường, đầy rẫy hạn chế về hiểu biết.
Khi mới bước chân vào Đại học Y, tôi nghĩ bác sĩ nào chẩn đoán chính xác bệnh, sau đó điều trị khỏi, kéo dài được cuộc sống cho bệnh nhân, là bác sĩ giỏi.
Làm bác sĩ được 5 năm, tôi mới thấy kiến thức y học quá mênh mông, học cả đời cũng chẳng biết được là bao, có rất nhiều bệnh không thể chữa khỏi, đặc biệt là khi hệ thống y tế còn nhiều bất cập. Lúc đó tôi mở rộng định nghĩa, một bác sĩ giỏi là có thể hiểu những gì người bệnh đang nghĩ, chia sẻ được với họ, giúp bệnh nhân giải quyết sớm và tốt nhất tình trạng bệnh tật, hạn chế tối đa tai biến y khoa.
Mười năm sau, đòi hỏi của tôi lại cao hơn, rằng bác sĩ giỏi còn là người phải kết nối được giữa quá khứ và tương lai trong công việc của mình, tức là với người bệnh bác sĩ phải tạo ra được sợi dây nối giữa cuộc sống trước đây và sau này; còn với đồng nghiệp ít tuổi nghề hơn hoặc tuyến dưới thì mình là hình mẫu, với đàn anh thì mình khiêm tốn lịch sự. Thái độ, kiến thức, kỹ năng là những yếu tố bắt buộc với một bác sĩ giỏi. Đặc biệt, bác sĩ giỏi không bị cuốn vào đam mê tranh giành chức quyền, dùng nghề y để kiếm chác.
Nhưng sau hơn 25 năm trong nghề, chứng kiến nhiều biến cố, đặc biệt là qua những “dâu bể” mà đại dịch Covid-19 để lại cho ngành y, tôi cuối cùng nhận ra, có thể cần rất nhiều tiêu chí để xác định một bác sĩ giỏi, nhưng trước hết và quan trọng nhất, bác sĩ phải trở về với chức phận cơ bản – chữa bệnh cứu người.
Một bác sĩ vừa trở lại làm bác sĩ. Giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã chấp hành xong bản án ba năm tù. Trở về, ông Tuấn xin vào Bệnh viện Hữu nghị với tư cách bác sĩ học thực hành trong 12 tháng, để được cấp giấy phép hành nghề khám chữa bệnh.
Bản án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” không liên quan đến chuyên môn ngành y, mà là vi phạm trong công tác quản lý, nên ông không bị cấm hành nghề.
Trong bài trả lời phỏng vấn về quyết định trở lại với nghề y, tôi chú ý tới hai điều bác sĩ Tuấn chia sẻ. Thứ nhất, ông “không bao giờ cảm thấy xấu hổ khi học. Học ấm vào thân”. Vì vậy, ông không thấy có vấn đề gì khi bắt đầu lại giai đoạn thực hành dưới sự hướng dẫn của một học trò cũ.
Tôi đồng cảm với chia sẻ này, bởi có lăn lộn với ngành y, có dằn vặt giữa ranh giới sống chết của con người, các bác sĩ mới nhận ra, học không bao giờ là đủ; sự sống luôn là thách thức với cả những bác sĩ giỏi nhất.
Vấn đề thứ hai, tôi cũng đồng ý, để quản lý tốt trong ngành y, nhất thiết phải hiểu biết chuyên môn, có uy tín trong giới. Nhưng bác sĩ giỏi có nhất thiết trở thành quản lý? Nói cách khác là làm sao giữ được bác sĩ giỏi cho bệnh nhân?
Hệ thống y tế của Việt Nam xưa nay thường lấy những người chuyên môn giỏi giữ chức vụ quản lý ở bệnh viện, rồi lên làm hẳn lãnh đạo ngành. Trước đây, điều này có thể phù hợp. Nhưng sau khi mở cửa, nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, thì y tế phải tuân theo quy luật kinh tế y tế, quản trị ngành y phải khác so với trước đây.
Theo dõi các vụ án liên quan tới ngành y những năm qua, tôi nhận thấy hầu hết sai phạm xuất phát từ môi trường y tế có quá nhiều kẽ hở, quá nhiều sự trục trặc sau nhiều năm mở cửa, ví dụ vấn đề xã hội hóa, vấn đề đấu thầu thiết bị vật tư y tế và thuốc. Các bệnh viện phát triển ì ạch. Tôi nhìn thấy một thực trạng mà hầu hết bệnh viện đều gặp, đó là quỹ tự chủ quá eo hẹp, hội nghị nào và ở đâu lãnh đạo cũng nói nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, nhưng kỹ thuật thì chậm trễ, thiết bị máy móc hỏng đắp chiếu, không có tiền sửa…
Quản lý bệnh viện hầu hết chỉ học qua các lớp trung cấp hay cao cấp chính trị, rất hạn chế kiến thức và hiểu biết về luật, kinh tế và quản trị, sai sót xảy ra là điều khó tránh khỏi.
Trên thế giới, không ở đâu bác sĩ được đào tạo sẵn về quản lý bệnh viện, càng không được học về kinh tế y tế. Họ phải xây dựng hệ thống đào tạo giám đốc hay trưởng khoa điều hành các bệnh viện, với những chuyên ngành học đặc thù như quản trị y tế, kinh tế y tế. Chính vì vậy, ở các quốc gia, bác sĩ chỉ làm các chức vụ quản lý hay lãnh đạo liên quan đến chuyên môn, bác sĩ hầu như chỉ ra tòa trong những vụ việc liên quan đến sai sót chuyên môn.
Còn ở Việt Nam, rất nhiều bác sĩ giỏi bị bắt, nhiều bác sĩ phải ra tòa về các vấn đề điều hành hoạt động, quản lý bệnh viện. Trước tòa, những bác sĩ ấy phải chịu trách nhiệm pháp lý không phải với tư cách bác sĩ, nhưng cả xã hội vẫn nhìn vào họ như một bác sĩ bị kết tội.
Làm gì để bác sĩ không phải ra tòa?
Theo tôi, đã đến lúc phải cải cách toàn diện hệ thống y tế, trong đó có cải cách cán bộ lãnh đạo và quản lý ngành y. Cụ thể là, bác sĩ giỏi chỉ nên đảm nhiệm chức vụ quản lý và lãnh đạo về chuyên môn y khoa, công việc lãnh đạo liên quan đến hoạt động bệnh viện và hệ thống y tế cần được giao cho người có kiến thức bài bản về quản trị. Trường đại học y, hay các trường đại học khác phải bắt tay vào đào tạo chuyên ngành này, để có những người tốt nghiệp ra trường nghề của họ là trưởng khoa điều hành, giám đốc điều hành bệnh viện.
Vì chữa khỏi, như Trudeau thừa nhận, là cấp độ khó đạt được trong ngành y, nên thời nào cũng vậy, bác sĩ giỏi trước nhất nên dành cho người bệnh.
Trần Văn Phúc
Nguồn tin: https://vnexpress.net/bac-si-tro-lai-lam-bac-si-4769005.html