Tuần rồi, bạn bè tôi liên tiếp khoe con trúng tuyển lớp 6 hay lớp 10 các trường tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM.
Ban đầu tôi thấy lạ, vì ở thế hệ tôi, đỗ đại học mới là chuyện gì đó to tát, đáng “làm vài mâm khao làng”, vì có những xã, mỗi năm chỉ 1-2 em vào được đại học. Nhưng nghe các bạn kể chuyện, tôi hiểu rằng họ đã thực sự đồng hành cùng con, chiến đấu để giành giật từng suất học phổ thông đầu cấp. Điều này tạo thành một nghịch lý của giáo dục hiện tại: bốc thăm vào mầm non, thi tuyển vào lớp một, trong khi cửa đại học mở toang, gần như thi là đỗ. Cấu trúc hình kim tự tháp ngược trong nền giáo dục sẽ dẫn đến hệ lụy gì?
Tại TP HCM, hơn 98.000 trẻ em tốt nghiệp THCS có nguyện vọng học lớp 10 phổ thông vào năm học 2024-2025 (tỷ lệ 85%). Tuy nhiên, thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 71.000 chỉ tiêu lớp 10 công lập, tức chưa đến 73% số nguyện vọng. Tương tự tại Hà Nội, chỉ 61% trẻ em có nguyện vọng được vào học tại các trường công lập (81.000 chỉ tiêu so với 106.000 em có nhu cầu). Trong khi đó, nếu tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT có nguyện vọng dự tuyển đại học giống như tỷ lệ học sinh muốn học lên cấp cao hơn ở bậc phổ thông, chúng ta sẽ có khoảng 850.000 học sinh dự tuyển vào đại học với khoảng 600.000 chỉ tiêu (tỷ lệ 71%). Tỷ lệ này còn có thể cao hơn nữa với các loại hình đào tạo rất đa dạng nằm ngoài số chỉ tiêu này. Điều này cho thấy trúng tuyển lớp 10 công lập tại các thành phố lớn khó hơn vào đại học là có cơ sở.
Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) nêu rõ quan điểm về giáo dục: mọi trẻ em đều có quyền tới trường. Cũng theo tổ chức quốc tế này và nhiều tổ chức khác như Quỹ dân số Liên hiệp quốc (UNFPA), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hay Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO), trẻ em được định nghĩa là những người chưa đủ 18 tuổi. Dựa trên yếu tố này, các nước xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông để đáp ứng quyền cơ bản của trẻ về giáo dục.
Tại Việt Nam, Điều 29 Luật Giáo dục năm 2019 quy định rõ mục đích của giáo dục phổ thông. Theo đó, giáo dục phổ thông trang bị toàn diện cho người học về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, kỹ năng cơ bản nhằm phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo; hình thành nhân cách và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho người học tiếp tục chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc là tham gia lao động. Nói cách khác, Nhà nước có trách nhiệm cung cấp hệ thống giáo dục phổ thông như một cách đảm bảo quyền cơ bản cho trẻ em. Tuy nhiên, thực tế thực hiện có nhiều khác biệt. Hệ thống trường công lập thiếu cục bộ do sự phát triển bất cập của quá trình đô thị hóa. Vì thế cuộc chiến vào lớp 10 đã phải được chuẩn bị từ sớm bằng các cuộc chiến vào lớp 6 – thậm chí ngay từ lớp 1 – ở những trường trọng điểm.
Đảo lại cấu trúc kim tự tháp, giống như các nền giáo dục khác trên thế giới, là trách nhiệm không phải của riêng ngành giáo dục. Nói cách khác, nếu cả xã hội phó mặc cho ngành giáo dục, vấn đề này sẽ không thể nào giải quyết nổi.
Trước hết, hệ thống trường công lập cho giáo dục phổ thông, nhằm đáp ứng quyền lợi của công dân, gắn liền với địa bàn dân cư. Vì vậy khi quy hoạch xây dựng khu dân cư, những nhà làm quản lý không chỉ có trách nhiệm về mặt xây dựng, mà phải có trách nhiệm cân đối nguồn lực đa ngành gồm giao thông, y tế và cả giáo dục. Các khu đô thị mới hiện vẫn mọc lên với rất nhiều chung cư cao tầng tập trung dân cư đông đúc nhưng hệ thống trường lớp phổ thông công lập không được phát triển đồng bộ.
Việc hướng nghiệp sớm hiện nay chưa được làm tốt, dẫn đến sự phân hóa về các xu hướng lựa chọn khi vào bậc trung học chưa nhiều. Hướng nghiệp cần tới vai trò quan trọng của ngành quản lý lao động. Cơ quan quản lý lao động là nơi nắm rõ nhu cầu của thị trường về các phân khúc lao động trong tầm nhìn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Ngành giáo dục không thể một mình vừa đảm nhiệm vai trò giáo dục cơ bản vừa giải quyết vấn đề nắm bắt thị trường lao động trong các giai đoạn.
Kế đến, quyền cơ bản của trẻ em về giáo dục cần được bảo đảm. Do đó, hệ thống trường phổ thông công lập phải được phát triển đầy đủ. Các trường phổ thông ngoài công lập có thể góp phần giảm tải cho hệ thống trường công lập, nhưng không có trách nhiệm bảo đảm quyền cơ bản của trẻ em về giáo dục được thực thi. Vì thế, các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp bậc học phổ thông không thể là kỳ thi chọn lọc để đóng cánh cửa vào công lập với một bộ phận trẻ em. Ngoài công lập nên là một sự lựa chọn chứ không phải là sự ép buộc khi bị loại khỏi hệ thống công lập.
Cuối cùng, giáo dục đại học không còn là quyền mặc định nữa mà trở thành sự lựa chọn của mỗi người. Vì lẽ đó, một lần nữa cơ quan quản lý lao động đóng vai trò rất lớn trong việc cung cấp thông tin tư vấn cho ngành giáo dục về vấn đề quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực. Cùng với một nguồn lực – tài chính, trang thiết bị và nhân lực – các trường đại học có thể đào tạo ít hơn nhưng chất lượng hơn.
Giáo dục phổ thông được thiết kế để dành cho mọi người nên mọi trẻ em cần được tiếp cận quyền đó thông qua cơ hội tại các trường công lập. Ngược lại, giáo dục đại học chỉ là một nhánh phát triển không dành cho tất cả.
Quyền học tập cơ bản không được đảm bảo, trong khi giáo dục đại học dư thừa, lãng phí đều đang là những nghịch lý lớn, nhưng không thể giải quyết chỉ bằng cách “trăm dâu đổ đầu… ngành giáo dục”.
Võ Nhật Vinh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tram-dau-do-dau-giao-duc-4769027.html