Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết triển khai Đề án 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 01/KHPH-BCA-NHNN giữa Bộ Công An và Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khẳng định Đề án 06 luôn là điểm sáng mang tính đột phá, là nhiệm vụ then chốt, quan trọng đối với hành trình chuyển đổi số quốc gia.
“Ngân hàng là ngành đầu tiên thực hiện kết nối tới hệ thống định danh và xác thực điện tử để ứng dụng tài khoản VNeID ngay khi Luật Căn cước và Nghị định 69/2024/NĐ-CP có hiệu lực”, Thống đốc nói.
Theo bà Hồng, Ngân hàng Nhà nước ban hành nhiều Thông tư, Quyết định phối hợp triển khai với Bộ Công an, nổi bật trong thời gian gần đây là Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.
Hiện nay có 6 tổ chức tín dụng hoàn thành liên kết với 173.716 tài khoản an sinh xã hội, giúp người dân nhận trợ cấp nhanh chóng.
Theo nhận định của các chuyên gia, Quyết định 2345/QĐ-NHNN là biện pháp hướng tới quyền lợi, đảm bảo an toàn, tránh những rủi ro, lừa đảo cho người dân. Để thực hiện thành công quyết định này, các ngân hàng thương mại đã đầu tư nguồn lực lớn từ cơ sở hạ tầng dữ liệu đến kinh phí cho cán bộ chuyên trách.
Ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho biết tính đến ngày 22/7, khoảng 26,3 triệu tài khoản ngân hàng được xác thực sinh trắc học qua căn cước công dân gắn chip. Trong đó, 22,5 triệu tài khoản được xác thực trực tuyến và 3,8 triệu khách hàng được xác thực trực tiếp tại quầy.
Ngoài ra, đã có 37 tổ chức tín dụng triển khai xác thực qua ứng dụng di động và 47 tổ chức tín dụng xác thực tại quầy. Đồng thời, 25 tổ chức tín dụng đã gửi dữ liệu sang Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) – Bộ Công an, trong khi 22 tổ chức tín dụng đang triển khai trên nền tảng VNeID.
Trước thực trạng xuất hiện hình thức lừa đảo, giả danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ xác thực sinh trắc học, dẫn dụ khách hàng thực hiện theo ý đồ của kẻ xấu nhằm chiếm đoạt tài sản, các chuyên gia khuyến cáo người dân lưu ý 3 điều.
Thứ nhất, chỉ thực hiện xác thực sinh trắc học thông qua ứng dụng chính thức và website chính thống của ngân hàng hoặc xác thực tại quầy.
Thứ hai, tuyệt đối không xác thực sinh trắc học thông qua đường link lạ, đường link không chính thống. Đồng thời không cung cấp bất kỳ thông tin bảo mật nào cho người khác để nhờ xác thực sinh trắc học
Thứ ba, không cung cấp các thông tin về tài khoản, mật khẩu, OTP cho bất kỳ ai kể cả với nhân viên ngân hàng.
Ngành ngân hàng thí điểm giám sát các tài khoản nghi ngờ gian lận, giả mạo thông qua thông báo gửi về từ các tổ chức tín dụng. Trong trường hợp xác định bất thường, giao dịch sẽ bị chặn hoặc yêu cầu xác thực bổ sung.
Để tăng cường bảo mật, Ngân hàng Nhà nước áp dụng các biện pháp xác thực mạnh trong giao dịch và cơ chế giám sát các giao dịch bất thường để ngăn chặn kịp thời.
Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước cùng toàn thể ngành ngân hàng. Ông cũng nhấn mạnh rằng việc ban hành các quy định và văn bản hướng dẫn nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý như Luật Căn cước số 26/2023/QH15, Nghị định số 69/2024/NĐ-CP về định danh và xác thực điện tử, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai ứng dụng VNeID.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước mong muốn các đơn vị chức năng và nghiệp vụ của Bộ Công an tiếp tục hợp tác chặt chẽ để đề xuất những giải pháp và định hướng phù hợp, giúp ngành ngân hàng triển khai hiệu quả Đề án 06, hạn chế tội phạm và hỗ trợ chuyển đổi số.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/nganh-ngan-hang-va-cong-an-no-luc-day-lui-nan-lua-dao-trong-hoat-dong-thanh-toan-dien-tu.htm