TP Nam Định mở rộng sẽ có diện tích trên 120 km2 (gấp 2,6 lần hiện nay), dân số gần 365.000 (gấp 1,5 lần) với 22 phường, 13 xã và một thị trấn.
Sáng 23/7, với 100% đại biểu có mặt đồng ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 của ba tỉnh Nam Định, Sóc Trăng và Tuyên Quang.
Theo đề án của tỉnh Nam Định, toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của huyện Mỹ Lộc được nhập vào TP Nam Định. Huyện Mỹ Lộc hiện rộng 74 km2, dân số 84.000 với 11 đơn vị hành chính cấp xã. TP Nam Định rộng 46 km2, 280.000 dân, có 22 phường và 3 xã. Sau sáp nhập, TP Nam Định sẽ rộng hơn 120 km2, gần 365.000 người, gồm 13 xã, 22 phường và một thị trấn.
Tỉnh Nam Định cũng sắp xếp 77 trên tổng số 226 đơn vị hành chính cấp xã, giảm được một huyện (còn 9 đơn vị cấp huyện), giảm 51 xã (còn 42 xã, 8 phường và một thị trấn). Tỷ lệ đô thị hóa tăng 4,8% do mở rộng TP Nam Định.
Để giải quyết chế độ cho khoảng 1.100 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp, tỉnh đã xây dựng phương án, lộ trình bảo đảm đến tháng 9/2029 hoàn thành.
Với 39 trụ sở không sử dụng sau sắp xếp (cấp huyện 9, cấp xã là 30), tỉnh dự kiến điều chuyển 9 trụ sở cho cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng; chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý 28 trụ sở; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 2 trụ sở cấp xã.
Tại Tuyên Quang và Sóc Trăng, mỗi tỉnh giảm một đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp. Cụ thể Tuyên Quang sáp nhập xã Hồng Lạc với xã Vân Sơn để thành lập xã Hồng Sơn, thuộc huyện Sơn Dương. Xã Hồng Sơn có diện tích tự nhiên 19 km2, dân số 9.500.
Sóc Trăng nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của phường 1 với phường 9 để thành lập phường 1 mới thuộc TP Sóc Trăng. Phường 1 mới có diện tích tự nhiên 5,6 km2, dân số gần 17.500.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay lộ trình đến ngày 30/9 phải hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã tại 54 tỉnh thành. Đến nay Bộ mới nhận được hồ sơ của 32 địa phương. Nam Định, Sóc Trăng và Tuyên Quang là những địa phương đầu tiên được Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua đề án sắp xếp.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 phải đảm bảo tiến độ, chất lượng; quan tâm sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đảm bảo tiết kiệm ngân sách, trụ sở dôi dư được xử lý hợp lý, tránh lãng phí.
Trước đó hồi tháng 7/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030 nhằm giải quyết bất hợp lý về phân định địa giới, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tạo thuận lợi cho quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Các huyện xã thuộc diện bắt buộc sáp nhập có diện tích và dân số dưới 70% tiêu chuẩn; huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200%; xã có diện tích dưới 20% và dân số dưới 300%. Năm 2025, các huyện xã mới sau sáp nhập sẽ tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Bản đồ địa giới sau đó được chỉnh lý. Trụ sở huyện xã chưa được sử dụng sẽ thanh lý hoặc chuyển công năng, bán đấu giá tài sản, đất; kinh phí thu được bổ sung ngân sách địa phương.
Theo quy định, tiêu chuẩn huyện miền núi, vùng cao là dân số 80.000 và diện tích 850 km2 trở lên; huyện đồng bằng từ 450 km2; quận từ 35 km2 với dân số ít nhất 150.000. Quy mô dân số của xã là 5.000-8.000, diện tích từ 30 km2 trở lên.
Võ Hải
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tp-nam-dinh-duoc-mo-rong-gap-2-6-lan-4773221.html